Nhiều đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội

TTXVN| 20/05/2018 20:56

Ngày mai (21-5), tại Thủ đô Hà Nội sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Đây là Kỳ họp diễn ra trong những ngày tháng 5 lịch sử, đặc biệt kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát huy những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong thời gian qua.

Nhiều đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội

Là kỳ họp giữa năm 2018 - năm bản lề của nhiệm kỳ 2016 - 2021, vì vậy, chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, xây dựng đất nước ta ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị, xã hội. 

Như thông lệ kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến Quốc hội sẽ dành 60% tổng thời gian của kỳ họp cho công tác lập pháp - chức năng quan trọng của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. 

Theo dự kiến chương trình, 17 dự án luật và dự thảo nghị quyết được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp, trong đó thông qua 8 dự án luật và 1 nghị quyết. Rất nhiều dự án luật được đánh giá là khó như dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc... đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dựa trên ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu... để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Đây đều là những dự án luật quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, đặc biệt là các nội dung đã được Hội nghị Trung ương bảy khóa XII quyết định. 

Cùng với công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng khác như: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019... 

Trên đà đổi mới, kỳ họp này dự kiến sẽ có 15 phiên họp, chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định của Nội quy kỳ họp, dự kiến hai nội dung quan trọng là phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. 

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội. Trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp này lần đầu tiên áp dụng thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là một phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Với cách làm mới này sẽ giúp tăng số đại biểu hỏi, đồng thời tránh sự trùng lặp về nội dung và đòi hỏi các bộ trưởng, trưởng ngành phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vấn đề chắc chắn để trả lời ngắn gọn. 

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Kỳ họp thứ 5 cũng là lần đầu tiên, ngoài những nội dung có Nghị quyết riêng, Quốc hội dự kiến ra một Nghị quyết chung của kỳ họp, bao quát các vấn đề đã được Quốc hội bàn thảo và quyết định. 

Có thể thấy, trong 20 ngày làm việc của Kỳ họp thứ 5 sắp tới với những nội dung nghị sự quan trọng, có tác động sâu rộng nhiều mặt tới đời sống nhân dân đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự nghiên cứu chắt lọc để tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, qua đó tạo nền tảng, tiền đề cho những hoạt động hiệu quả tiếp theo của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO