Luật này cũng cấm doanh nghiệp ngược đãi hoặc phân biệt đối xử với người lao động đứng ra tố cáo cấp trên có hành vi lạm dụng quyền lực hay quấy rối tình dục đối với họ. Phụ nữ mang thai hoặc đi làm lại sau khi nghỉ thai sản cũng là những đối tượng được luật này bảo vệ.
Đây cũng là lần đầu tiên luật pháp Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp phải tiến hành những biện pháp ngăn ngừa cấp trên lạm quyền nơi công sở, đồng thời quy định rõ những hành vi phạm luật là "những lời nói và hành vi của cấp trên vượt quá phạm vi cần thiết của công việc, gây tổn hại tới môi trường làm việc".
Chính phủ Nhật Bản sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về những biện pháp mà doanh nghiệp có thể thực thi, cũng như đưa ra các ví dụ cụ thể của việc lạm quyền trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó để phân định giữa lạm quyền hay quản lý nghiêm khắc nhưng công bằng.
Luật quy định các công ty có nhân viên bị nghi ngờ có hành vi quấy rối nhân viên công ty khác phải hợp tác với công ty của nạn nhân trong quá trình điều tra vụ việc. Chính phủ cũng sẽ xem xét xây dựng bản hướng dẫn để đối phó với việc khách hàng gây khó dễ cũng như các vụ quấy rối tình dục đối với các sinh viên tìm việc.
Liên quan đến các quy định về bình đẳng giới cũng như trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ trong công việc, luật quy định các công ty vừa và nhỏ, có số lượng nhân công từ 101-300 người, phải đặt mục tiêu về số lượng phụ nữ nắm giữ các trọng trách cao. Yêu cầu trên hiện đã được áp dụng đối với những doanh nghiệp lớn hơn.
Các doanh nghiệp lớn sẽ phải tuân thủ các luật sửa đổi từ tháng 4-2020, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 4-2022. Những doanh nghiệp vi phạm sẽ bị Bộ Lao động Nhật Bản nhắc nhở và thậm chí sẽ bị bêu tên nếu tiếp tục không cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, theo bà Shino Naito, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách lao động Nhật Bản, các luật sửa đổi này vẫn còn thiếu sót vì chưa đưa ra được những chế tài xử phạt đối với người vi phạm.
Bà cho rằng Nhật Bản cần sớm có các biện pháp trừng phạt những đối tượng vi phạm do nạn bắt nạt tại công sở gây ra nhiều tác hại đối với nạn nhân, khiến họ có thể bị ảnh hưởng về mặt tinh thần hoặc tự gây hại cho mình.
Quốc hội Nhật Bản thông qua việc chỉnh sửa các luật trên trong bối cảnh nạn lạm quyền và ngược đãi ở công sở tại Nhật Bản đang ngày càng tăng. Theo thống kê, trong năm tài khóa 2017, khoảng 72.000 trường hợp bị ngược đãi và quấy rối nơi công sở. Đây là mức kỷ lục trong vòng 6 năm qua.