Thuở trẻ say mê các môn thể thao, nhưng Hoàng Giác lại bắt đầu chơi nhạc khi còn là cậu học sinh trường Bưởi. Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, ông viết bài hát đầu tiên và đây cũng là bài hát được nhiều người biết đến, yêu thích nhất trong những sáng tác của ông - bài "Mơ hoa". Nhưng bài mà ông tâm đắc nhất là bài "Ngày về" sáng tác vào những ngày cuối năm 1946. Khi đó ông là một đội viên trong đoàn tuyên truyền của cách mạng được trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác. Ca khúc này đã được nhiều ca sĩ thu âm, nổi bật là Ngọc Bảo, Ái Vân, Mai Hoa, Anh Thơ…
Nhạc sĩ Hoàng Giác đệm đàn cho ca sĩ Ánh Tuyết (Ảnh Nguyễn Thế Thục)
Cũng như một số nhạc sĩ cùng thời như Đoàn Chuẩn..., gia tài âm nhạc của Hoàng Giác không quá đồ sộ. Thế nhưng trong nghệ thuật, số lượng tác phẩm không phải là quyết định, dù ông từng khiêm tốn cho rằng mình sáng tác không nhiều và đóng góp cho âm nhạc không bao nhiêu. Hoàng Giác có khoảng 20 bài hát qua các thời kỳ, chỉ vừa đủ cho một đêm tác giả, nhưng trong số đó, có những bài hát nổi tiếng và vượt thời gian như "Mơ hoa", "Ngày về", "Lỡ cung đàn"…
Mỗi bài hát của ông đều gắn liền với những kỷ niệm, là những cảm xúc chân thật của con người ông về cuộc đời. "Mơ hoa" là một cuộc tình trong trẻo của người thanh niên vừa bước vào đời, "Ngày về" là nỗi lòng của kẻ đi xa nhớ về tổ ấm gia đình, "Quê hương" là cảm xúc khi đi qua những vùng quê trong kháng chiến chống Pháp... Tất cả đều là những nỗi niềm tâm sự của ông với cuộc đời.
Hoàng Giác chuyên sử dụng nhạc cụ là đàn guitar hawaii, ông từng là giảng viên guitar nhiều năm tại Trường Sư phạm nhạc họa trung ương.