Nhạc cổ “giao duyên” cùng nhạc đương đại

Miên Thảo| 09/11/2017 15:00

Nhóm Đông Kinh cổ nhạc và nhóm nhạc đương đại Hà Nội vừa có một đêm cùng biểu diễn thành công tác phẩm “Kim” của Vũ Nhật Tân. Đây là một cuộc “giao duyên” thú vị giữa nhạc cổ cùng nhạc đương đại.

Đây là tiết mục độc đáo trong đêm hòa nhạc “Tấm gương ký ức”, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Jeff Von der Schmidt tại phòng hòa nhạc lớn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 

Nhạc cổ “giao duyên” cùng nhạc đương đại
Nhóm Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn cùng nhóm nhạc đương đại Hà Nội trong tiết mục hòa nhạc “Kim”. Ảnh: HT
Tất nhiên, giống như bao chương trình hòa nhạc khác, chương trình có bản hòa tấu viết cho nhạc đương đại là tứ tấu dây cho bản nhạc “Tấm gương ký ức” (Tôn Thất Tiết). Nhưng trước đó, ngay từ khúc dạo đầu đêm nhạc được mở ra bằng bản nhạc cổ Tiếng làng bằng tiết tấu và âm sắc của nhạc cụ truyền thống Việt Nam như tiếng trống, mõ, nhịp phách, sáo, đàn đáy… được nhóm Đông Kinh cổ nhạc xây dựng dựa trên chất liệu của những không gian diễn xướng cổ truyền như chèo, tuồng và nhạc cửa đình. Khán giả không khỏi bâng khuâng trước tiếng hát ngọt ngào mà da diết: “quên sao được câu hát dân ca…” của NSND Thanh Hoài.

Bản nhạc “Ca trù” do Nguyễn Minh Nhật viết cho piano được Nguyễn Minh Anh biểu diễn. Ở bản nhạc này có sự thử nghiệm cho việc thể hiện sự luyến láy trong lối hát ca trù trên piano bằng việc làm nhòe âm thanh bằng các chùm nốt một cách chớp nhoáng. Tác phẩm còn mang theo những điệu trong lời hát, các khổ đàn và tiếng trống chầu. 

Đặc biệt, nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã đồng tấu cùng nhóm nhạc đương đại Hà Nội qua bản nhạc Kim. Được khởi đầu từ ý tưởng của ông Đàm Quang Minh, nhạc trưởng Jeff Von der Schmidt và lấy ý tứ từ bài thơ Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ của nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân đã dành đến 6 tháng để viết bản nhạc này – bản nhạc đầu tiên được kết hợp giữa nhạc đương đại và nhạc cổ Việt. Với Vũ Nhật Tân, đây là một thử nghiệm không dễ dàng chút nào và đem lại cho anh biết bao hồi hộp… Thế nhưng, tiết mục khép lại trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả.  Cũng bởi, mọi người đã đi hết từ sự kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, trước sân khấu biểu diễn được quây tròn với những violon, viola, cello, clariner, flute, bộ gõ của nhạc đương đại cùng đàn bầu, đàn đáy, trống cơm, trống cái, trống con, mõ, thanh la, nhị… của nhạc cổ Việt. Và các nghệ sĩ tài danh như Phạm Trường Sơn, Khúc Văn Khoa (viola), Đào Tuyết Trinh (cello), Nguyễn Quốc Bảo (clarinet), Nguyễn Trọng Bằng (flute), Nguyễn Nhật Quang (bộ gõ), Trần Thu Thủy (hát) của nhóm nhạc đương đại Hà Nội và các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh cổ nhạc như NSND Xuân Hoạch, NSND Minh Gái, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Tuấn Cường, nghệ sĩ Hiền Thảo, NSƯT Văn Chính, NSƯT Đức Mười… đã có một đêm cống hiến hết lòng vì nghệ thuật.

Đến thưởng thức đêm hòa nhạc, nhà thơ Nguyễn Duy xúc động nói rằng, dù đã nhiều lần “giao du” với nhóm Đông Kinh cổ nhạc song ông vẫn rất ngạc nhiên trước sự thử nghiệm độc đáo này. Ông gọi đó là cách làm đầy sáng tạo, thú vị. Và thơ của ông lại được cất cánh bằng cách khác.

Nhạc trưởng Jeff Von der Schmidt - nhạc trưởng của dàn nhạc thính phòng Southwest Chamber Music (Mỹ) đã hai lần đoạt giải Grammy cũng hào hứng không kém khi bảo rằng ông muốn âm nhạc đương đại và nhạc cổ của Việt Nam cùng biểu diễn trên sân khấu. Vì ông vẫn thấy lâu nay hai dòng nhạc này bị tách rời. Cùng với đó, ông còn muốn hỗ trợ các nghệ sĩ, nhạc sĩ nâng cao khả năng biểu diễn và giúp các nhà soạn nhạc Việt Nam và nhóm nhạc dân tộc Việt Nam cùng hòa tấu không chỉ trong nước mà cả ở quốc tế. 

Với các nghệ sĩ Việt Nam thì đây thực sự là cuộc chơi đầy mạo hiểm nhưng thú vị. NSƯT Thúy Ngần chia sẻ, ở các chương trình khác việc tập luyện không quá khó nhưng ở chương trình này chị cùng các nghệ sĩ đã phải luyện tập liên tục với cường độ cao. Nếu như chỉ biểu diễn nhạc dân tộc thì luôn là sự ngẫu hứng song khi cùng biểu diễn với dàn nhạc đương đại thì phải đúng theo từng nốt nhạc. Còn với nhạc sĩ Phạm Trường Sơn thì đây là niềm vinh hạnh khi được tham gia chương trình – một chương trình được xây dựng bằng sự tự nguyện của mỗi thành viên nhóm nhạc đương đại Hà Nội và nhóm Đông Kinh cổ nhạc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Riêng với ông Đàm Quang Minh, thành viên nhóm Đông Kinh cổ nhạc thì đây là một kết nối nhạc ta với nhạc tây đầy thú vị để từ đó gợi mở những thử nghiệm mới cho nhóm trong tương lai. 
(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhạc cổ “giao duyên” cùng nhạc đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO