Tạo nên “kỳ tích” trong mảng sách văn học thiếu nhi
Thời điểm trước khi “Kính vạn hoa” ra đời, thị trường sách văn học thiếu nhi chịu sự “lấn át” của nhiều tác phẩm nước ngoài. Làm sao sau cơn sốt truyện tranh Doraemon (Nhật Bản) và truyện trinh thám TTKG (Đức)... chúng ta có một bộ sách thuần Việt hấp dẫn, tạo được thế cân bằng với sách dịch, đó cũng chính là lý do mà nguyên Giám đốc Nxb Kim Đồng Nguyễn Thắng Vu thêm quyết tâm trong việc tìm tác giả đủ sức thực hiện kỳ vọng này. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh khi ấy còn khá trẻ và chưa mấy tiếng tăm nhưng đã lọt vào “mắt xanh” của Nxb Kim Đồng bởi sức trẻ và sự dồi dào năng lượng mà anh đã thể hiện trong một số tác phẩm đã xuất bản.
Nhà văn Lê Phương Liên nhớ lại: “Năm 1994, Nguyễn Nhật Ánh ra Hà Nội dự Hội nghị những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Giám đốc Nxb Kim Đồng phân công tôi đi gặp Nguyễn Nhật Ánh để trao đổi về việc anh có thể viết một tập truyện dài kỳ cho Nxb Kim Đồng. Nguyễn Nhật Ánh hưởng ứng ý tưởng này ngay. Chẳng bao lâu sau tôi nhận được bản thảo 5 tập đầu tiên của anh từ TP. Hồ Chí Minh gửi ra. Bản thảo đánh máy rất sạch sẽ. Văn kể chuyện của anh giản dị trong sáng và vui nhộn, tình tiết hấp dẫn, gần gũi với lứa tuổi học trò. Những nhân vật Tiểu Long, Nhỏ Hạnh, Quý Ròm... ngay lập tức đã khiến tôi yêu mến”.
Và đúng như kỳ vọng của Nxb Kim Đồng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên một “kỳ tích” từ “Kính vạn hoa”. Suốt 25 năm qua, không kể số lần tái bản, chỉ tính riêng số lần “biến hóa” trong hình thức mới với minh họa mới, “Kính vạn hoa” đã có tới 7 phiên bản khác nhau: bộ 45 tập (từ 1995 - 2001), bộ 3 tập (2003), bộ 5 tập (2006), bộ 6 tập (2010), bộ 9 tập (2010), bộ 54 tập (2012), bộ 18 tập (2016).
Ở thời điểm ra mắt, “Kính vạn hoa” đã tạo nên hiện tượng có một không hai trong làng xuất bản, xô đổ nhiều kỷ lục: bộ truyện của tác giả Việt Nam nhiều tập nhất, tái bản nhanh nhất, có số lượng phát hành nhiều nhất, có nhiều nhân vật nhất (khoảng 200 nhân vật), thư bạn đọc gửi cho tác giả nhiều nhất (trên 10.000 bức thư)…
Khi bộ sách dừng lại ở tập 45, độc giả bày tỏ sự tiếc nuối và hụt hẫng đến mức Nxb Kim Đồng phải in thêm một tập “Còn chút gì để nhớ”, tập hợp ý kiến, nhận xét, thơ, tranh vẽ của độc giả để “xoa dịu” cơn khát “Kính vạn hoa”.
Và trước sự nồng nhiệt của bạn đọc đối với bộ sách, 5 năm sau nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục viết tiếp 9 tập nữa, trong suốt 3 năm. Tới năm 2009, bộ sách “Kính vạn hoa” kết thúc ở con số 54 tập.
Sự ra đời của bộ sách “Kính vạn hoa” được đánh giá là một “kỳ tích” của văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ đổi mới. Với hàng triệu bản sách được bạn đọc hai miền Nam Bắc đón nhận nhiệt tình, bộ sách còn được coi là đã làm được một “cuộc thống nhất văn học thiếu nhi Việt Nam”.
Trong buổi giao lưu kỉ niệm 25 năm “Kính vạn hoa” do NXB Kim Đồng tổ chức tại Hà Nội sáng 4/12, không ít độc giả đã bộc bạch niềm vui, niềm hạnh phúc khi được tìm thấy tuổi thơ của mình năm xưa qua những trang sách của “Kính vạn hoa”. Cô trò nhỏ Lê Khánh Ly, học sinh lớp 8A1 trường THCS Ngô Sĩ Liên chia sẻ, khi biết tác giả Nguyễn Nhật Ánh ra Hà Nội giao lưu ký tặng sách em liền đăng ký ngay và rất háo hức chờ đợi ngày diễn ra sự kiện. Mặc dù đã đọc rất nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhưng với Khánh Ly, được gặp nhà văn mà mình yêu quý nhất là điều mà em vô cùng thích thú. “Tác giả Nguyễn Nhật Ánh có lối viết nhí nhảnh, gần gũi với lứa tuổi học trò. Qua tác phẩm của ông em tìm thấy mình ở trong đó, thấy mình có nhiều điểm trùng hợp với các nhân vật trong bộ sách” - Khánh Ly chia sẻ.
Nxb Kim Đồng vừa ra mắt độc giả bộ ấn phẩm “Kính vạn hoa” 45 tập theo bản in lần đầu tiên.
Phía sau hành trình chinh phục bạn đọc
Để có được “Kính vạn hoa” luôn “lấp lánh” trong lòng bạn đọc với tác giả Nguyễn Nhật Ánh đó là cả một hành trình với biết bao kỷ niệm. Nhà văn chia sẻ, vì “Kính vạn hoa” là bộ truyện dài được phát hành định kỳ nên ông cũng chịu sức ép không nhỏ. Đều đặn hàng tuần phải có một tập truyện 10 chương với 192 trang, chỉ riêng việc tính toán bố cục sao cho cân đối, xây dựng các tuyến nhân vật chính phụ và phát triển tình tiết, kịch tính sao cho hấp dẫn... cũng là cả một thách thức. Đó là chưa kể ở mỗi tập truyện đều phải giới thiệu bìa minh họa của tập tiếp theo, và nhà văn còn phải trao đổi tóm tắt nội dung của tập truyện sắp tới để họa sĩ vẽ bìa trước. Vậy nên việc phối hợp với họa sĩ minh họa sao cho ăn ý là một hành trình không kém phần gian nan. Có một kỷ niệm mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn còn nhớ mãi đó là trong tập “Xin lỗi mày, Tai To”, ông nói với họa sĩ Đỗ Hoàng Tường vẽ bìa số sau là hình ảnh cô bé đứng trên cầu thang đối diện với một tên trộm. Tuy nhiên, phần minh họa bìa của họa sĩ lại vẽ tới hai tên trộm. Vì thời gian gấp rút phải chuyển tới nhà in, bản vẽ chẳng thể sửa lại nên nhà văn đành phải vắt óc nghĩ sao cho tập tiếp theo có tới hai tên trộm để phù hợp với minh họa của số trước. Nhắc lại câu chuyện này, nhà văn dí dỏm: “Đây không phải họa sĩ minh họa theo cốt truyện, mà là nhà văn viết truyện theo định hướng của họa sĩ”.
Bản thảo và chiếc máy chữ Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng để viết bộ sách “Kính vạn hoa”.
Cũng như người đi bộ, đi mãi cũng có lúc mỏi gối chồn chân, Nguyễn Nhật Ánh từng có ý định buông bút trước những áp lực. Khi viết đến tập 21, 25 và 32, tác giả thậm chí đã viết lời chia tay với độc giả. Nhưng sự động viên, khích lệ từ Giám đốc Nxb Nguyễn Thắng Vu và biên tập viên Lê Phương Liên khiến nhà văn lại tiếp tục hành trình bền bỉ với “Kính vạn hoa”. Cho đến bây giờ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn không quên lời động viên năm nào của vị thuyền trưởng Nxb Kim Đồng: “Thị trường sách bây giờ đang ồ ạt sách văn học nước ngoài, sáng tác của các nhà văn trong nước thì bị lép vế. Vậy nên, chú giống như chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, phải kiên trì chiến đấu tới cùng, không được nản lòng mà buông bút”.
Nhà văn Lê Phương Liên - người đã đồng hành cùng “Kính vạn hoa” từ thuở ban đầu với vai trò của một biên tập viên nhà xuất bản chia sẻ: “Vào những năm ấy, Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn tiên phong dùng computer để sáng tác. Anh rất cẩn thận trong việc hoàn chỉnh bản thảo, sửa chữa kỹ càng, chăm chút đến tận bản can, chữ gáy sách, chữ bìa sách...” Là người tận mắt chứng kiến giá sách chất chồng trong ngôi nhà của Nguyễn Nhật Ánh ở đại lộ Trần Hưng Đạo, nhà văn Lê Phương Liên càng hiểu hơn để viết “Kính vạn hoa”, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ “sống lại lần thứ hai tuổi thơ” mà anh còn phải lao động nghiêm túc khi tìm hiểu kỹ càng về những chi tiết mình đụng chạm tới trong truyện, như nghề “đóng thế” (cascadeur), việc tìm phương hướng trong rừng hay các phản ứng hóa học khi pha trộn hóa chất...
“Kính vạn hoa” ngay từ lúc mới ra đời cũng từng gây tranh cãi khi một tác phẩm còn mới, chưa được thử thách với thời gian lại được “xếp” trong Tủ sách vàng của Nxb Kim Đồng cùng với “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Nguyễn Huy Tưởng)... Nhưng những kỷ lục mà “Kính vạn hoa” đã xác lập trong hành trình 25 năm qua cũng chính là minh chứng thuyết phục cho sự sắp đặt này. Còn với tác giả Nguyễn Nhật Ánh có lẽ sự yêu mến của bạn đọc nhiều thế hệ, sức sống của tác phẩm qua thời gian đó mới thực sự là niềm vui vô bờ của người cầm bút.