Nhà văn Lê Minh Khuê: “Bà chị” của tôi

Văn Giá | 13/01/2020 23:25

Nhà văn Lê Minh Khuê thuộc lứa áp chót của thế hệ những năm chiến tranh Việt - Mỹ trước 1975, nghĩa là rất gần thế hệ chúng tôi - lứa viết đúng vào thời kỳ Đổi mới những năm 86.

Nhà văn Lê Minh Khuê: “Bà chị” của tôi
Nhà văn Lê Minh Khuê. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhà văn Lê Minh Khuê thuộc lứa áp chót của thế hệ những năm chiến tranh Việt - Mỹ trước 1975, nghĩa là rất gần thế hệ chúng tôi - lứa viết đúng vào thời kỳ Đổi mới những năm 86. 

Mối quan hệ giữa tôi với nhà văn Lê Minh Khuê sẽ không có gì hơn ngoài chuyện tôi chỉ là một người đọc và ngưỡng mộ chị nếu như tôi không có những năm tháng về dạy viết văn ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Khi ấy, tôi hay mời chị về khoa, khi thì dạy kỹ năng viết truyện ngắn, khi thì chấm trả tác phẩm, rồi ngồi hội đồng chấm tác phẩm tốt nghiệp cho sinh viên các khóa nữa. Nghĩa là kỳ cuộc, chị thường hào hiệp nhận lời giúp khoa, mặc dù chị lúc nào cũng bận. Chị thường bảo: “Chị nể em lắm đấy, chứ độ này chị bận ghê lắm”. Nhưng cũng không ít lần chị đành thoái thác. Chị phân trần bảo phải trông cháu bé cho con gái nó đi làm, rồi đang tham gia dự án này khác, rồi có khi sắp đi nước ngoài do bên nước họ mời mọc…

Trong các giờ giảng của chị, tuy mỗi bận chỉ hai ba buổi thôi, nhưng sinh viên viết văn và cả chúng tôi được chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như những chiêm nghiệm của chị về cuộc sống, về nghệ thuật nói chung.

Chị thường nói với sinh viên rằng nên chuyên tâm, chuyên nhất lấy một việc. Thí dụ, nếu có sở trường về thể loại nào thì nên tập trung vào thể loại ấy; có người chuyên truyện ngắn, có người chuyên tiểu thuyết, có người chuyên thơ… Theo chị, như thế người viết mới có thể tinh thông nghề nghiệp; sức người có hạn, làm sao có thể trải ra cùng một lúc nhiều thứ mà mong thành công được.

Khi giảng về kỹ năng viết truyện ngắn, tuy nhiều chuyện, nhưng chị tập trung nhấn mạnh trở đi trở lại việc cần phân biệt giữa truyện kể và truyện ngắn; truyện kể là chuyện có thực, thấy gì kể nấy; cái gì xảy ra trước kể trước xảy ra sau kể sau, xảy ra sau cùng kể xong hết thì thôi, trung thành với hiện thực, không cần tưởng tượng, hư cấu, không cần sáng tạo. Trong khi đó, truyện ngắn chỉ coi thực tại bên ngoài là cái nguyên cớ ban đầu, từ đó nhà văn dùng tưởng tượng, hư cấu mà phát triển lên, gửi gắm một ý đồ, một tư tưởng nào đó; truyện ngắn cần sáng tạo… Chị cứ rủ rỉ nói với học trò những bài học như thế. Những lúc cao hứng, chị tâm sự thêm với học trò về cách chị tư duy và viết một số truyện ngắn của mình ra sao, như “Những ngôi sao xa xôi”, “Một chiều xa thành phố”, “Anh lính Tony D”, “Bi kịch nhỏ”, “Nhiệt đới gió mùa”…

Tôi nhớ mãi một lần có ai đó tỏ ra băn khoăn về sức sống của một số tác phẩm văn học trước 1975, trong đó có “Những ngôi sao xa xôi” của chị, chị rất thẳng thắn trao đổi chân thành, cởi mở. Chị cho rằng thế hệ chị ngày ấy đi vào cuộc chiến tranh trong sáng lắm, không hề so đo toan tính, không nghĩ đến thiệt hơn, không nghĩ đến cái chết; trong chiến tranh, con người sống lãng mạn, tử tế, yêu thương nhau lắm. Các cô gái thanh niên xung phong trong “Những ngôi sao xa xôi” thuộc lớp người như thế. Có thể bây giờ ai đó đọc không thấy thích nữa; nhưng lạ thay, khi truyện được dịch sang tiếng Anh, độc giả phương Tây lại thấy thích. Chị nói: “Bản thân tôi, bây giờ mỗi khi nhớ về những truyện đó, tôi vẫn cảm động. Tôi có thể tự hào nói rằng trong những truyện ngắn thời ấy, thì truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” có thể được xem là truyện ghi lại dấu ấn chân thực về những năm tháng máu lửa, chúng ta đã chiến đấu, đã sống và đã tự hào, có quyền tự hào về cuộc kháng chiến của dân tộc, của con người Việt Nam”.

Nhà văn Lê Minh Khuê: “Bà chị” của tôi
Nhà văn Lê Minh Khuê (đứng giữa) nhận giải thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội
Học trò viết văn cuối khóa thường phải bảo vệ tốt nghiệp bằng chùm các tác phẩm, nếu truyện ngắn tối thiểu phải 3 truyện; nếu thơ phải chùm tối thiểu 10 bài; tiểu thuyết hay kịch thì 1 tác phẩm. Nếu ai may mắn được nhà văn Lê Minh Khuê đọc, hướng dẫn hoàn thành tác phẩm thì thật hạnh phúc. Bởi vì họ học được ở chị sự nghiêm cẩn trong kỹ thuật viết, trong chữ nghĩa, kể cả từ cách đặt nhan đề tác phẩm, đặt tên nhân vật… Chị đòi hỏi rất cao về kỷ luật chữ. Chị nhiều lần bày tỏ nỗi lo lắng về tiếng mẹ đẻ đang bị tàn phá nghiêm trọng hiện nay, và để cứu tiếng Việt thì các trường học, đội ngũ các thầy cô giáo và giới nhà văn phải trở thành mẫu mực.

Sau mỗi lần được nhà văn hướng dẫn tốt nghiệp, năng lực viết của học trò lớn lên trông thấy. Họ mang niềm tự hào được làm học trò trực tiếp của nhà văn Lê Minh Khuê theo suốt cuộc đời cầm bút.

Chả riêng gì trò, bản thân tôi ngoài hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học, tôi cũng sáng tác truyện ngắn. Thường gặp đâu chị cũng khích lệ, bảo chị vừa đọc cái truyện ấy của em, truyện được đấy. Những lời khen ấy khích lệ tôi rất nhiều trong viết truyện ngắn. Có lần, tôi đánh liều gửi chị tập bản thảo truyện ngắn “Một ngày lưng lửng” nhờ chị viết lời giới thiệu. Tôi dè dặt rằng nếu chị đọc cảm thấy được, chị viết cho em vài lời. Tôi không dám giục giã chị. Không ngờ chị viết xong khá nhanh. Truyện nào khá nhất, chị điểm danh hết trong bài với những lời khen hào phóng. Còn những truyện nào chị không nhắc đến, tôi cũng biết truyện chưa được như mong muốn. Tôi hiểu những lời khen của chị có phần động viên khiến tôi vững tin hơn trong việc sáng tác của mình.

Về đời tư của chị tôi không biết gì nhiều, chỉ biết vài điều sơ sài qua lời kể của chị: “Tôi mồ côi cha mẹ từ rất sớm, khi chưa đầy 10 tuổi. Tôi ở với dì ruột của tôi. Dì tôi lấy một ông chồng và họ rất quý tôi. Họ coi tôi như con và tôi gọi họ bằng cha mẹ. Chúng tôi ở một vùng của Thanh Hóa. Ngày nhỏ, tôi sợ học văn và tôi dốt văn lắm. Bây giờ trong nghề văn rồi mà tôi cũng chưa chắc phân biệt được đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ trong một câu văn phức tạp (cười). Ngày đó, nhiều khi tôi chỉ viết câu văn có mỗi chủ ngữ thôi cho nên tôi rất sợ học văn là như thế. Tôi đi học và ở trong khu tập thể nhà trường, cơ quan của cha tôi cùng các thầy cô giáo khác. Thời đó là kháng chiến chống Pháp, sau hòa bình. Cha mẹ tôi bực và lo vì chuyện học văn của tôi lắm. Họ hết sức tạo điều kiện cho tôi học văn tốt hơn. Sau đó, tôi có được học một ông thầy và thầy dạy cho tôi thế nào là văn học, thế nào là cái đẹp trong văn học. Sau ngày đó tôi mới say mê học văn được….”. Biết một chút thông tin về chị thế thôi, nhưng cũng đã cảm thấy con đường trở thành nhà văn của chị không dễ dàng gì và thật cảm động. Sau này chị đi vào chiến trường, làm phóng viên mặt trận. Ra khỏi chiến tranh, chị mới có điều kiện chuyên tâm vào sáng tác.

Lê Minh Khuê là một nhà văn cả đời chung thủy với một thể loại thôi, đó là truyện ngắn. Đúng như lời chị vẫn thường hay khuyên học trò viết văn. Do sự chuyên tâm, do tài năng và sự làm nghề nghiêm cẩn, nhà văn Lê Minh Khuê đã là một uy tín văn chương, một uy tín truyện ngắn sáng giá trong nền văn chương hiện đại.

Ngôi trường viết văn nơi tôi công tác hiện nay, vẫn luôn có bóng dáng đi về của “bà chị”, tôi vẫn hay gọi thế với một niềm biết ơn, nể trọng.

Áp Tết Canh Tý
(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Lê Minh Khuê: “Bà chị” của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO