Nhà thơ, họa sĩ Lê Hướng Quỳ: Những sắc màu tâm cảm trong thơ

Vương Tâm| 30/09/2018 12:29

Tôi thực sự bất ngờ khi đọc một mạch hết 70 bài thơ trong tập “Sắc màu tâm cảm” của nhà thơ, họa sĩ Lê Hướng Quỳ. Mạch cảm xúc hồn hậu sâu lắng của anh đã cuốn hút tôi, qua từng hình ảnh trong mỗi nơi anh đã đi qua, và mỗi con người thân quen trong cuộc đời mình.

Nhà thơ, họa sĩ Lê Hướng Quỳ: Những sắc màu tâm cảm trong thơ

 Mỗi bài thơ là sự thể hiện một ý tưởng khác nhau cho dù cùng một đề tài. Khi thời gian là mùa thu, hay mùa xuân, con người và cảnh vật luôn thể hiện những sắc màu ấm áp, dễ thương trong tâm hồn nhà thơ. Đặc biệt anh có những bài thơ về đất nước, hoặc về người mẹ, bao giờ cũng gây ấn tượng cho người đọc với cảm xúc chân thành và sâu sắc. Tôi rất xúc động khi đọc những câu thơ về mẹ của anh, trong chùm bài “Vầng trăng của mẹ”, “Mơ xuân của mẹ”, hay “Mùa thu của mẹ”. Anh có cách diễn đạt của riêng mình với hình ảnh mẹ chân thực làm xao động lòng người. Đó là những câu thơ hay như: “Tóc quấn vành trăng lòng người thơm thảo/ Gửi gắm đời con mơ ước chân trời/ Chúng con lớn lên lưng người còng xuống/ Khăn vành trăng bỏ rối trắng mây trôi” (Vầng trăng của mẹ)

Đặc biệt với “Mơ xuân của mẹ”, dường như đó là một tứ tuyệt đặc sắc hoàn chỉnh, gần với ca dao xưa: “Một đời nợ/  Giấc mưa xuân/ Để mẹ gồng gánh/ Gian truân thoát nghèo/ Thương con lo bắc cầu Kiều/ Cho con hay chữ/ Nhiễu điều phủ gương”.

Một sự nhấn nhá, ngưng ngắt nhịp điệu có sức truyền cảm mạch lạc, lôi cuốn người đọc. Hình ảnh người mẹ mỗi lúc một khắc khoải hơn, khi nhà thơ đã viết lên những câu xót lòng như: “Khi lớn khôn còn mong đền đáp mẹ/ Quỹ thời gian mẹ để lại cho con/ Người thanh thản - Con xin quỳ lạy tạ/ Nấm mộ xanh hương tỏa cuối đê làng” (Con chín tuổi). Sắc độ màu thời gian trong thơ Lê Hướng Quỳ được thể hiện trầm lắng, nồng ấm qua bài thơ “Mùa thu của mẹ”. Đây là bài thơ hay với một gam màu đẹp dịu dàng, qua hình ảnh người mẹ hát: “Lưng ong nay mẹ còng rồi/ Vẫn khăn mỏ quạ mẹ ngồi chầu văn/ Lim dim nhìn cõi xa xăm/ Níu hồn quê, gọi tháng năm trở về/ Hồn quê hát gửi đồng quê/ Dư âm mẹ hát bộn bề nhớ thương”.

Từ hình ảnh người mẹ thân thương, gần gũi, tác giả có những cảm xúc được nâng lên cùng với những đề tài về đất nước quê hương. Thực ra, tác giả viết về mẹ cũng chính là viết về Tổ quốc, ở góc cạnh thân thương, thẫm đẫm hồn quê. Còn với những hình ảnh bao la của đất nước như trong các bài “Ngọn cờ đất Việt”, “Âm vang biển động” “Tưởng nhớ gần xa”; hay như các bài  “Loa thành trầm mặc”, “Bạch Đằng giang ca”; hoặc “Cảm kích bên tượng đài Hưng Đạo Vương”, “Côn Sơn hoài cổ”… tác giả lại thể hiện tình cảm lắng đọng, thiêng liêng và cao cả. Đó là một cảm xúc bao la mang sứ mệnh của người con đối với Mẹ Tổ quốc. Tuy vậy thơ của Lê Hướng Quỳ không khô cứng mà vẫn dồi dào cảm xúc, trong cách thể hiện nhuần nhụy qua những hình ảnh ngỡ như không có gì mới, nhưng lại truyền cảm: “Triều dâng vang sông hát/ Bạch Đằng Giang ngân nga/ Cây đôi bờ gió hát/ Khúc “Diên Hồng” vang xa/ Vọng biển khơi Yên Tử/ Hồn hậu lời tráng ca…” (Bạch Đằng Giang ca)

Với tác giả thì Mẹ - Quê hương - Tổ quốc là một, vậy nên trong những thi phẩm về quê hương, Lê Hướng Quỳ luôn có những tứ thơ mang tính bao quát rộng lớn, với ý thức công dân sâu sắc. Ta có thể đọc được ở anh điều đó qua những áng thơ như: “Tôi lặng người/ Bên những miền quê nghèo tủi/ Lắng đọng nụ cười/ Nói về triết lý nhân sinh/ Hiện hình bước chân siêu gió cát” (Cảm xúc bên sông)…

Tấm lòng nhân ái của tác giả còn gửi gắm bao điều cho dù đó chỉ còn là sự mong manh phải trả giá, hay sự vô thức của đồng loại… Cho dù ở một góc độ nào, cảm xúc của tác giả luôn luôn hướng tới cái đẹp. Màu thời gian trong thơ luôn tươi sáng và dung dị. Đáng chú ý, trong tập thơ còn nổi bật lên những mảng màu về thời gian bốn mùa. Riêng hai mùa xuân và thu tác giả có những chùm thơ gợi cảm với những ẩn dụ thú vị đem lại sự kỳ thú cho người đọc. Với đề tài mùa thu, Lê Hướng Quỳ tâm sự mơ mộng bao điều qua những thi phẩm: “Xin đừng trách thu”, “Thu buồn em đã đến”, “Thì thầm thu sang”; hay như “Non nửa mùa thu”, “Trăng thu đền Vạn Kiếp”… Nỗi niềm tác giả luôn muốn trao gửi thông điệp nào đó cho màu thời gian của thu. Ta có thể bắt gặp những câu thơ hay: “Heo may thu đã liu riu/ Trời se se lạnh đìu hiu nhớ nhà/ Thương thầm quê mẹ quê cha/ Thương đồng quê chẳng còn là chân quê” (Thì thầm thu sang).

Người đọc có thể ngạc nhiên với những câu thơ gây cảm xúc bất ngờ qua sắc độ của bức tranh khi “Thu sang”. Tác giả đã giỏi tô lên sắc màu thời gian với cách tả ngắn gọn rằng: “Cuối chiều thu lặn nắng/ Đầu làng trăng thu lên/ Nắng quái nhòe đỉnh núi/ Nâng cánh cò về đêm/ Từng đôi chim về tổ/ Cạn ngày anh ngóng em” (Thu sang).

Đây là một trong những bài thơ hay về mùa thu của Lê Hướng Quỳ. Vậy còn mùa xuân, sắc màu tâm cảm của nhà thơ cũng vậy, lãng mạn và ấm áp qua từng tứ thơ. Tôi yêu cái mơ mộng rằng: “Ngàn hoa thao thiết gió sương. Nụ cười muôn đóa vô thường vào xuân” (Hương xuân); và tôi cũng trầm mình vào cơn mưa của tác giả với “Khúc nhạc xuân”: “Mưa nhỏ nhắn/ Nhảy trên phím lá/ Xuân nhẹ nhàng/ Nhón gót son xinh/ Nụ cười em…/ Sắc màu mới lạ/ Khúc xuân thì/ Rộn rã… mênh mông!”

Đúng là thi vị, khi đọc bài thơ như một bức tranh sống động về cơn mưa rơi trên phím lá. Một bản nhạc hồn nhiên và lãng mạn làm sao. Đó là cầu nối cho những câu thơ tình yêu của Lê Hướng Quỳ có nét riêng, đọc không nhàm chán. Những tứ thơ tinh tế và dễ thương của anh có sức gợi cảm nhưng không xa lạ cầu kỳ. Do vậy thơ anh dễ nhớ, cấu trúc ngắn gọn, hình ảnh sinh động. Đó là những khổ thơ hay: “Xoan tái lộc/ Tím hoa buốt gió/ Rũ sạch ưu phiền/ Tóc bạc còn nhau” (Xuân xa). Đặc biệt một tứ thơ tình độc đáo của Lê Hướng Quỳ đã tạo nên bức tranh đẹp, với hình ảnh “Nón xa mãi tròn”. Tôi thật sự say với câu thơ: “Nghiêng nghiêng vành nón thật thà/ Xin tha ngọn gió rầy rà nón bay/ Sóng lừng bão nổi chớp lay/ Mà tê tái nón dây quai ướt đầm”.

Với tập thơ “Sắc màu tâm cảm”, nhà thơ Lê Hướng Quỳ đã có sự bứt thoát đáng ghi nhận. Vẫn bay bổng nhưng lại nặng trĩu cõi lòng. Da diết với những sắc màu cuộc sống, cha mẹ và quê hương, tình yêu và đất nước, tác giả còn thể hiện một tâm cảm mang dấu ấn thơ ấn tượng, có sự chắt lọc hình ảnh và ý tưởng cô đọng. Thơ anh dễ nhớ dễ đồng cảm bởi những nét đặc trưng ấy. Một bước tiến trong thơ Lê Hướng Quỳ. Người đọc vẫn chờ đợi ở thơ anh. Mừng cho “Sắc màu tâm cảm”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nét thanh lịch trong trang phục của người Hà Nội xưa
    Theo thời gian, trong nhịp sống hối hả của thời hội nhập, có rất nhiều thứ, nhiều giá trị đã bị "cuốn trôi", song với người Thăng Long - Hà Nội, dù cho đi đâu, ở đâu, họ vẫn luôn âm thầm giữ gìn nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc dậy bảo con cháu cách nói năng, đi đứng, ăn uống và tất nhiên không thể thiếu việc dậy bảo con cháu về cách mặc sao cho đẹp, cho nền nã; chọn trang phục sao cho giữ được nét thanh lịch, mặc sao cho "đậm chất kinh kỳ”....
  • Tôi “phải lòng” hội họa như cách tôi từng say mê văn chương
    Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu tình cờ đến với hội họa từ năm 2016. Chọn dòng tranh lụa kén người vẽ, chị đã nhanh chóng thể hiện tài năng sử dụng cọ và màu không thua kém tài năng ngôn ngữ. Với chị, điểm chung trong các sáng tạo nghệ thuật của mình là chất thơ và tính nữ. Xoay quanh góc nhìn “viết hay vẽ cũng chỉ là phương tiện nghệ thuật để người nghệ sĩ tỏ bày với thế giới, về thế giới”, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dành cho tạp chí Người Hà Nội một cuộc trò chuyện thú vị.
  • Bài 2: Hà Nội phát huy truyền thống lịch sử, xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến
    Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
  • Quận Đống Đa: Tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nhân dân quan tâm
    Sáng 19/9, quận Đống Đa, Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn quận Đống Đa năm 2024.
  • Hà Nội: Ấm lòng tinh thần “lá lành đùm lá rách” của các trường học tại quận Hoàn Kiếm
    Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, mới đây, 2 trường: THCS Ngô Sĩ Liên và THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức ủng hộ, hỗ trợ cho các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn cùng quận bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ, họa sĩ Lê Hướng Quỳ: Những sắc màu tâm cảm trong thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO