Qua những lần tiếp xúc với ông John McCain, ông cảm nhận thế nào về ông ấy?
Ông John McCain là một TNS có uy tín lớn của nước Mỹ, là người không những đã khép lại quá khứ của chính mình mà còn có những đóng góp hết sức quan trọng để khép lại cả một cuộc chiến tranh, hướng tới tương lai, bình thường hóa với Việt Nam. Và ông đã làm điều đó một cách rất nhiệt tình, tâm huyết.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Phạm Hải |
Tôi muốn chuyển lời thăm hỏi, chia buồn của tôi tới gia đình ông. Với tư cách là người Việt Nam, tôi rất trân trọng những đóng góp quan trọng của ông McCain, người đã không mệt mỏi góp phần xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Điều ấn tượng nhất của ông trong cuộc gặp với ông John McCain trong chuyến thăm tháng 7-2014?
Đó là việc ông John McCain đã dành gần trọn nửa buổi chiều để giới thiệu với tôi và đoàn về tòa nhà Quốc hội, với một tình cảm hết sức nhiệt tình, cởi mở.
Lúc dừng lại ở phòng vận động hành lang, ông có giải thích vì sao có phòng này.
Tôi thấy tất cả các bức chân dung trên tường của các thượng nghị sĩ Mỹ qua các thời kỳ, những người rất nổi tiếng trong Quốc hội Mỹ đã treo kín tường.
Sau khi ông giới thiệu xong, tôi hỏi vui: “Tôi thấy trong căn phòng này tất cả những vị trí trang trọng và đẹp đều treo chân dung các thượng nghị sĩ trước ngài, nay mai tôi chắc ngài cũng xứng đáng để được treo chân dung, không biết còn chỗ nào để treo bức chân dung của ngài nữa không?”.
Tất cả mọi người cùng cười. Có lẽ ông hơi bất ngờ vì câu nói của tôi. Ông cũng nhìn khắp một lượt gian phòng và nói: “Có lẽ chân dung tôi phải treo trên trần nhà”.
Bức ảnh đặc biệt
Trong cuộc gặp đó, ông tặng ông John McCain bức ảnh chụp tấm bia bên hồ Trúc Bạch, tại sao lại không phải là món quà khác?
Tôi tặng ông ấy bức ảnh là có nguyên do mà không phải ai cũng biết.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao tặng Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch (7-2014). Ảnh: Hànộimới |
Trước ngày lên đường, tôi được nghe một đồng chí lãnh đạo của ta đã được ông John McCain và ông John Kerry tiếp ở Mỹ. Trong cuộc tiếp đó, ông John McCain có nói vui với ông John Kerry rằng: “Tôi và ông đều trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng chỉ có tôi mới có bia kỷ niệm ở hồ Trúc Bạch, ông cũng đi chiến tranh Việt Nam nhưng ông không có bia”.
Ông rất lấy làm tự hào về dấu ấn mà ông đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Dấu ấn ông muốn nói với mọi người chính là tấm bia ở hồ Trúc Bạch, nơi máy bay ông bị bắn rơi.
Sau khi nói vui câu đó với ông John Kerry, ông cũng nói với vị chính khách của ta là nhờ ngài về nói với TP Hà Nội giúp giữ gìn tấm bia của tôi được sạch sẽ.
Dân quân Việt Nam cứu phi công McCain sau khi ông rơi khỏi máy bay bị bắn hạ (10-1967). Ảnh: Reuters |
Chính vì vậy, trước ngày lên đường, tôi đã cho chụp 2 bức ảnh về tấm bia đó với ý rằng chúng tôi rất trân trọng tấm bia và đang giữ bia đó sạch sẽ.
Khi nhận món quà, ông John McCain mở tấm ảnh ra và rất phấn khởi. Ông giơ lên cho mọi người xem và cùng chụp ảnh, không có chút gì mặc cảm như một số người suy luận.
Lúc đó, ông cũng nói bia này ghi không đúng quân chủng, ông là phi công hải quân, không phải phi công không quân Hoa Kỳ.
Nghe vậy, tôi liền giải thích: Thưa ngài, những năm chiến tranh, ở đất nước chúng tôi bất cứ người nào lái máy bay trên trời thì chúng tôi đều nghĩ là của lực lượng không quân. Nhưng dù sao ý kiến của ngài tôi cũng lưu ý và tôi sẽ cho sửa lại tấm bia này.
Tấm bia bên đường Thanh Niên trở thành nơi tưởng nhớ ông John McCain |
Sau khi về nước, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP Hà Nội làm lại tấm bia, viết lại tên, chức vụ, quân chủng của ông trên tấm bia đúng như ông mong muốn.
Khi làm xong, tôi có giao Sở Ngoại vụ thông báo cho Đại sứ quán Mỹ biết.
Trong chuyến thăm Việt Nam của ông tháng 5-2015, tại buổi tiếp ở Văn phòng Thành ủy, ông cảm ơn vì tôi đã sửa lại tấm bia và ngay sau đó ông cùng Đại sứ Mỹ ra chụp ảnh cạnh tấm bia đã được làm lại.
Khi trao cho ông McCain bức ảnh, ông có nói với ông ấy là có thể công bố hay không công bố cũng được. Lúc đó thái độ của ông McCain thế nào?
Ông ấy rất tò mò nên mở ra ngay. Khi mở ra, ông ấy cảm thấy rất phấn khởi, giơ bức ảnh đó cho mọi người cùng xem.