Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân: Người cộng sản kiên trung, bất khuất, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

13/12/2018 13:11

Hơn một thế kỷ sống và làm việc, 82 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Trân (1917-2018), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành trọn cuộc đời mình theo Đảng và Bác Hồ vĩ đại, cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cuộc đời hoạt động sôi nổi, đầy những dấu ấn tự hào của đồng chí Nguyễn Văn Trân đã truyền tỏa tấm gương về một người cộng sản kiên trung, bất khuất, đạo đức cách mạng sáng ngời, niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội.

1. Đồng chí Nguyễn Văn Trân sinh năm 1917 trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở làng Phù Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Sớm thoát ly lên Hà Nội học nghề in, đồng chí đã tiếp xúc, trải nghiệm cuộc đời người công nhân, chứng kiến sự bóc lột thậm tệ của thực dân Pháp. Dẫu phải chịu đựng khổ cực, có lúc bệnh tật, nhưng tinh thần ý chí, bản lĩnh con người đồng chí luôn mạnh mẽ và ngày càng được rèn luyện thêm vững vàng.
Là người thông minh, ham học hỏi, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng của Đảng. Do hăng hái hoạt động, lại được các đồng chí Lương Khánh Thiện, Trường Chinh huấn luyện, năm 1935, khi mới 18 tuổi, đồng chí đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Buổi lễ kết nạp được tổ chức tại phố Hàng Cót, TP Hà Nội. Trong những ngày đầu của Phong trào Bình dân, đồng chí đã được cử vào Đoàn đại biểu công nhân Bắc kỳ với danh nghĩa đại biểu thợ in lên gặp Thống sứ Bắc kỳ đòi được lập Nghiệp đoàn các ngành nghề. Sau hơn 3 năm (1936-1939) hoạt động công khai tạo được tiếng vang, Đảng ta rút vào hoạt động bí mật. Khi ấy, đồng chí Nguyễn Văn Trân được Đảng giao nhiệm vụ tổ chức và in ấn tờ báo bí mật “Cờ giải phóng”. Không lâu sau đó, cơ quan bị lộ, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giữ.
Giữa năm 1940, đồng chí bị địch đày lên Nhà tù Sơn La. Ngay ở nơi gian khó như địa ngục trần gian này đã sáng lên những phẩm chất kiên trung, bất khuất của người cộng sản Nguyễn Văn Trân. Cùng với đồng chí, đồng đội, đồng chí đã tích cực đóng góp, xây dựng Chi bộ nhà tù, biến nơi này thành trường học cách mạng, đào tạo ra hàng trăm cán bộ cho Đảng; chủ động đấu tranh với địch, khôn khéo yêu sách... Trong những năm ở Nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Văn Trân còn tích cực học tiếng Thái để từ đó vận động, tuyên truyền giác ngộ sĩ quan, binh lính người Thái; góp phần thành lập được một tổ Thanh niên cứu quốc người Thái - nòng cốt trong Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Năm 1943, bằng sự mưu trí và lòng dũng cảm, đồng chí đã cùng một số chiến sĩ cách mạng vượt ngục thành công.
Trở về với đồng chí, đồng bào, đồng chí Nguyễn Văn Trân được Trung ương cử tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, phụ trách Ban Công vận (vận động công nhân). Năng nổ, say mê với nhiệm vụ, đồng chí cùng Ban Công vận cho ra đời tờ báo lấy tên là Lao động, 4 trang giấy học trò, mỗi số in hàng trăm tờ phát ở các xí nghiệp để tuyên truyền. Năm 1944, là Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, đồng chí đã chỉ đạo tổ chức để đồng chí Văn Tiến Dũng vượt ngục thành công, đồng thời giữ mối liên hệ của phong trào các tỉnh, gây dựng tài chính, tổ chức sản xuất vũ khí...
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc kỳ. Giữa năm 1946, đồng chí làm Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hà Nội. Từ năm 1947, đồng chí được phân công làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khu 11 (gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây), rồi làm Bí thư Liên khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3. Năm 1951, đồng chí được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được Trung ương phân công làm Phó Tổng Thanh tra của Chính phủ. Sau khi đồng chí Hồ Tùng Mậu hy sinh, đồng chí được cử kiêm chức Tổng Thanh tra.
Đầu năm 1953, Trung ương quyết định mở chiến dịch diệt cứ điểm Điện Biên Phủ, nhằm tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến. Việc chuẩn bị cho chiến dịch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về lương thực. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp Mặt trận để phối hợp với Ban Hậu cần quân đội thực hiện nhiệm vụ này. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng giúp việc cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng.
Mặc dù gặp vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng công việc cung cấp lương thực, thực phẩm giúp nuôi quân đã được hoàn thành xuất sắc; góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó, đồng chí đã được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện; Phó Chủ nhiệm Thứ nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tháng 7-1960, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Trên mỗi cương vị công tác, đồng chí đều để lại dấu ấn đậm nét về người lãnh đạo năng động, đổi mới, luôn biết lắng nghe, nắm chắc tình hình, trước vấn đề đặt ra luôn thận trọng tìm hiểu, phân tích và đề ra giải pháp giải quyết hợp tình, hợp lý.
2. Sống và gắn bó với Thủ đô Hà Nội hầu hết cuộc đời, đồng chí Nguyễn Văn Trân có hai lần giữ trọng trách lãnh đạo Đảng bộ Hà Nội trong khoảng thời gian xảy ra những sự kiện trọng đại, để lại dấu ấn sâu đậm, ghi tạc công lao to lớn trong lịch sử Đảng bộ thành phố.
Lần thứ nhất, giữa năm 1946, đồng chí làm Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hà Nội. Sau khi quân ta rút khỏi Thủ đô, từ năm 1947, đồng chí được phân công làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khu 11 (gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây). Lúc này Khu ủy 11 được Trung ương giao nhiệm vụ: “Khi địch cố tình gây chiến thì phải lãnh đạo quân, dân Hà Nội nhanh chóng đánh trả, giành thế chủ động, chiến đấu giam chân địch một thời gian để hậu phương hoàn thành công việc chuẩn bị và tổ chức lực lượng đi vào thời chiến...”.
Thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã phát huy trí tuệ tập thể Khu ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng chí thường xuyên trao đổi với Tư lệnh Thủ đô Vương Thừa Vũ, đồng chí Trần Quốc Hoàn - phái viên của Trung ương bên cạnh Khu ủy về kế hoạch tác chiến; báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và nhiều lần trực tiếp báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng chí đã góp phần quan trọng lãnh đạo quân, dân Thủ đô kiên cường, dũng cảm chiến đấu suốt 60 ngày đêm; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kìm chân địch vượt thời gian dự kiến, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào thời kỳ kháng chiến.
Lần thứ hai là vào năm 1967 đến năm 1974, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng được Trung ương điều động về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đây là giai đoạn Thành ủy Hà Nội tăng cường củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng từ thành phố đến cơ sở, coi “việc kiện toàn và củng cố tổ chức cơ sở Đảng trong mọi lĩnh vực là vấn đề hết sức quan trọng và có tính chất quyết định”. Toàn bộ hoạt động của thành phố lúc này đều hướng vào mục tiêu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Tháng 4-1968, Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ thành phố được tiến hành. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 31 ủy viên; đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu lại làm Bí thư Thành ủy. Tháng 4-1971, diễn ra Đại hội lần thứ V Đảng bộ thành phố; đồng chí Nguyễn Văn Trân tiếp tục được tín nhiệm làm Bí thư Thành ủy.
Có thể nói, giai đoạn này, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Trân có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quân dân Hà Nội tham gia kháng chiến chống Mỹ, vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa tập trung sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Cùng với các đồng chí trong Thường trực Thành ủy Trần Sâm, Trần Vĩ và Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy khóa V, đồng chí đã lãnh đạo Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với một khí thế khẩn trương, chủ động và ý chí quyết chiến, quyết thắng. Những nỗ lực của Hà Nội đã nhận được nhiều lời ngợi khen từ Trung ương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cho đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Hà Nội và gửi thư khen: “Quân và dân Hà Nội càng đánh càng giỏi...”. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Thành ủy và Ủy ban Hành chính thành phố đặc biệt chú ý tới công tác chuẩn bị chiến đấu, sơ tán dân. Hà Nội trở thành lực lượng chủ công chiến đấu dũng cảm, kiên cường góp phần to lớn làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, giáng đòn quyết định đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris. Cũng trong giai đoạn này, đồng chí lần lượt được Trung ương giao kiêm nhiệm phụ trách thêm những nhiệm vụ quan trọng: Năm 1968 kiêm Trưởng ban Công nghiệp Trung ương, đến năm 1974 kiêm thêm Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 1975, đồng chí tham gia Trung ương cục Miền Nam, là Ủy viên Ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Miền Nam, Trưởng ban Cải tạo công thương nghiệp, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cục.
Từ năm 1977 đồng chí Nguyễn Văn Trân tiếp tục tham gia công tác nghiên cứu khoa học tại các cơ quan của Trung ương và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương. Trên những cương vị này và ngay cả khi đã nghỉ hưu năm 1992, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã đóng góp tích cực, có giá trị vào nhiệm vụ bảo vệ xã hội chủ nghĩa, nhất là đổi mới tư duy, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Với những đóng góp nổi trội, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cao quý.
Khi về nghỉ hưu theo chế độ, đồng chí Nguyễn Văn Trân vẫn không ngừng dõi theo, đau đáu với công việc của Thủ đô và đất nước; thường xuyên tham gia, đóng góp những ý kiến quý báu. Trước Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ thành phố, ở vào tuổi gần 90, đồng chí đã gửi bài góp ý vào Báo cáo chính trị tới 8 nội dung. Bằng tư duy sắc bén, tầm nhìn xa, những ý kiến của đồng chí như về đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, giảm hội họp, bớt giấy tờ... đến nay vẫn còn mang tính thời sự.
3. Nhìn lại cuộc đời hơn một thế kỷ của đồng chí Nguyễn Văn Trân, chúng ta vừa cảm phục, vừa trân trọng, yêu mến một người cộng sản chân chính, suốt đời một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó rất nhiều trọng trách, đương đầu với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng con người đồng chí luôn ánh lên tấm lòng kiên trung, bất khuất, giữ bản lĩnh vững vàng, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ; tác phong công tác khoa học, tư duy nhạy bén, sáng tạo, phát huy được sức mạnh tập thể, sức mạnh nhân dân; luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 7-12-2018 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã vĩnh biệt chúng ta để về thế giới người hiền, để lại trong cán bộ và quân dân Thủ đô niềm tiếc thương vô hạn.
Đối với Đảng bộ Thủ đô Hà Nội, công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Trân luôn là một phần quan trọng của lịch sử, mãi mãi được khắc ghi, trân trọng và biết ơn. Tưởng nhớ về đồng chí, cán bộ, đảng viên, quân và dân Hà Nội nguyện sẽ noi gương đồng chí, không ngừng phấn đấu, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất, tinh thần xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
* Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong sách “Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội (1930-2000)” và hồi ký “Cách mạng và cuộc đời tôi” của đồng chí Nguyễn Văn Trân.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân: Người cộng sản kiên trung, bất khuất, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO