Anh dũng trong chiến đấu; sáng tạo trong công việc
Vốn là người con lớn lên từ gốc rạ, sinh ra trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, lại phải gồng gánh, bươn chải bởi cái đói, cái nghèo, ông Trần Văn Mão sinh năm 1951, quê Thanh Chương - Nghệ An là một trong những thương binh hạng nặng giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Thương binh Trần Văn Mão
Năm 1970, vừa tròn 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh thanh niên Trần Văn Mão lên đường nhập ngũ tại K5-Quân khu IV- Sư 9 - Quân đoàn IV - Nghệ An. Sau một thời gian, tham gia tăng cường “đi B” vào Nam, anh đã dừng chân tại miền Đông Nam Bộ và tiếp tục chiến đấu. Năm 1975, sau khi giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, với bản tính cương nghị, anh dũng và nhiệt huyết chiến đấu, anh xung phong tiếp tục chiến đấu tại vùng Biên giới phía Nam thuộc Đại đội 3 - Quân đoàn 4, năm 1979 (Căm-pu-chia). Trong một trận càn quét của địch tại U-đông, đơn vị anh kiên quyết chống trả bọn Pôn-pốt, anh là một trong những chiến sĩ kì cựu, đã dũng cảm tiến sâu vào đồn địch nên đã bị thương do đạn nhọn cắm sâu vào bàn tay. Do vết thương quá nặng nên anh đã mãi mãi bỏ lại cánh tay phải nơi chiến trường. Được đồng đội đưa về cấp cứu tại bệnh viện 115. Sau đó chuyển qua điều trị tăng cường tại bệnh viện 175 Sài Gòn- Bệnh viện Quân đoàn 4. Đến năm 1980, anh được Quân đoàn chỉ định cho an dưỡng tại bệnh viện Trung cao TP Hồ Chí Minh. Sau 3 năm điều trị, an dưỡng, hạnh phúc cũng đã mỉm cười với anh thương binh. Anh đã lập gia đình và hạ sinh hai người con trai khôi ngô tuấn tú. Hiện tại các con của ông đều được ông nuôi dạy nên người và thành tài. Cả hai đều có công việc ổn định và đã yên bề gia thất tại TP Hồ Chí Minh. Con trai đầu hiện là cán bộ Ngân hàng, anh thứ hai là bác sĩ Quân y. Và hiện nay, ông Trần Văn Mão đã được 4 cháu nội.
Với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống, muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho công cuộc kiến thiết nước nhà, để trả nợ cho những người đồng đội đã ngã xuống năm ấy, trong điều kiện vật chất thiếu thốn, kinh tế khó khăn, ông đã cố gắng vượt qua tất cả để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vì ông luôn tâm niệm và tự nhận mình là một người may mắn, ông chỉ bị thương nặng và bị mất một cánh tay.
Ông tâm sự: “Sau khi bị thương, mặc dù cánh tay phải đã mãi không còn nhưng trong tôi vẫn luôn hun đúc một niềm tin về tương lai. Bởi tôi là một con người đầy nghị lực. Với tôi, còn sống là còn chiến đấu, còn làm việc, cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, mặc dù tôi chỉ còn một cánh tay trái. Và tôi đã chăm chỉ luyện tập, viết lại từng con chữ, tập nắm bát cơm hay tự giặt quần áo… Cuối cùng tôi cũng đã làm được và làm tốt mọi thứ”.
Năm 1990, ông Trần văn Mão đã được nghỉ hưu theo chế độ, chuyển về gia đình chăm sóc. Hoàn cảnh khó khăn, song ông Mãn không hề trông chờ vào chế độ chính sách của Nhà nước. Ông cần mẫn tự khai hoang bãi đất trống khô cằn với nhiều hố bom, được hơn 5ha đất để trồng sắn, ngô, hoa màu và cao su.Với hai bàn tay trắng nhưng với ông, lúc này sự nghiệp mới chỉ là bắt đầu. Ông hăng say, tìm tòi sáng tạo trong mọi công việc. Ông khai hoang đất rẫy, cặm cụi trồng cao su, cà phê, sau đó ông thu hoạch và được số vốn khá lớn cùng với sự hỗ trợ cho vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT Kon Tum 50.000.000 đồng, ông tiếp tục mở một xưởng gỗ liên doanh với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Đài Loan được 5 năm. Nhờ đức tính cần mẫn, đầy sáng tạo, ông đã sản xuất và thu lợi nhuận rất cao. Đến năm 1997 khủng hoảng tiền tệ khu vực Đông Nam Á (không cho xuất khẩu gỗ, chỉ tiêu thụ trong nước) nên họ đã rút vốn. Sau đó, người thương binh lại quay về với việc tích cực trồng cây xanh phủ trống đồi núi trọc và tiếp tục cạo mủ cao su. Sau khi cao su xuống giá trầm trọng, ông tính toán bán rừng cao su đầu tư mua đất trồng các loại gỗ quý.
Hiện nay, cuộc sống của ông rất khá giả, nhàn hạ. Thương binh Trần Văn Mão sở hữu một ngôi nhà đang cho thuê tại 566 –Duy Tân, 14 héc đất trồng các loại cây gỗ trắc và một số loại gỗ quý hiếm khác, là chủ của cả một vùng đất - khuôn viên hồ cá trong khu thảo cầm viên. Ông vẫn dựng chòi quanh hồ cá trong khuôn viên để phục vụ nhân dân trong những ngày câu cá thư giãn. Ông chia sẻ: “Tôi là người lính không còn lành lặn trở về sau chiến tranh. Hơn ai hết tôi rất cần sự sống và tôi cảm thấy rất hài lòng về những gì tôi làm được: cống hiến cho Tổ quốc mấy năm chinh chiến ở chiến trường, quãng đời còn lại, tôi đã vun đắp cho cuộc sống gia đình và tôi nuôi dạy hai con thành đạt. Để làm được điều đó tất cả là nhờ ý chí và lòng tin vào cuộc sống của người chiến binh đã từng chết hụt”.
Buổi ra mắt CLB Liên thế hệ
Năm nào gia đình ông Trần Văn Mão cũng đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu. Với những phẩm chất đáng quý, người thương binh xứ nghệ đã nhận được nhiều giấy khen của Hội CCB phường Duy Tân. Năm 2016, ông vinh dự được UBND phường Duy Tân tặng giấy khen hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Hăng hái các phong trào tập thể
Tuổi trẻ hăng hái chiến đấu, bươn chải cuộc sống mưu sinh, về già ông Trần Văn Mão lại tiếp tục giúp ích cho đời bằng những việc làm thiết thực, bổ ích.
Có lẽ, cái chất lính của những năm tháng tuổi trẻ đã thấm nhuần vào máu thịt, ông chưa bao giờ có ý nghĩ “xả hơi” vui thú điền viên của tuổi già với việc nuôi cá chậu chim lồng. Vì thế, ông bắt tay vào công tác xã hội. Ông là nhà tài trợ CLB Liên thế hệ với mục tiêu là giúp nhau làm kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Ông cấp nguyên một khu đất trong khu khuôn viên nhà để ủng hộ và quy tụ những người già, người neo đơn, người nghèo hay những người có cuộc sống bất hạnh… về tập trung sinh hoạt giúp họ có việc làm, có môi trường vui chơi giải trí, sống vui, sống khỏe trong quãng đời còn lại. Và đã được Hội CCB, Hội người cao tuổi và các cấp ủy, ban ngành đoàn thể ủng hộ cao.
CLB liên thế hệ là một tổ chức điển hình của Hội người cao tuổi tỉnh. Đây là một tổ chức điển hình đang được tỉnh và thành phố Kon Tum đặc biệt quan tâm. Hiện nay đã có 47 thành viên tham gia. Hàng tháng các hội viên sẽ tổ chức họp và đóng góp ý kiến để CLB ngày một vững bền. Dự kiến số vốn đang nhờ sự ủng hộ của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cùng các nhà hảo tâm. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho vay 5 triệu đồng /1 hội viên. Hội phí 2.500đ/tháng (hai nghìn năm trăm đồng trên một tháng). Với hình thức góp vốn kinh doanh: mở quán cà phê, chăn nuôi… nhằm tạo việc làm cho tất cả các hội viên.
Bà Nguyễn Thị Mùi – Bí thư Chi bộ tổ 3 - Phường Duy Tân, kiêm Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ cho biết: “Đây là một hoạt động hữu ích nhằm góp phần hỗ trợ và nâng cao đời sống của người dân đặc biệt là Hội người cao tuổi. Tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng để CLB ngày một phát triển, bền vững”.
Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội CCB phường Duy Tân cho biết: “Ông Trần Văn Mão đúng là một thương binh “tàn nhưng không phế”. Ông luôn tự lực vươn lên trong cuộc sống, cần mẫn và đầy sáng tạo. Là người luôn hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương”.