Người Pháp với cây cà phê ở Việt Nam

kinhtedothi| 25/04/2022 09:36

Được di thực đến Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, cây cà phê đã nhanh chóng phát triển và trở thành cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu hàng đầu của người Pháp ở Việt Nam.

Bắt đầu từ Bắc Kỳ

Theo một số tài liệu thì vào năm 1857, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở Việt Nam phù hợp để trồng cây cà phê, các thầy tu người Pháp đã mang những giống từ đảo Martinique và vùng Guyane thuộc Pháp ở châu Mỹ Latin về gieo trồng tại một nhà thờ ở Hà Nam, Quảng Bình.

Đồn điền cà phê thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
Đồn điền cà phê thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Khi là Tổng trú sứ An Nam, Paul Bert, năm 1883, đã mời nhà thực vật nổi tiếng ở Pháp lúc đó là Benjamin Balansa sang Bắc Kỳ nghiên cứu để trồng rau, quả, chăn nuôi để cung cấp cho đội quân người Pháp. Vùng đất mà B. Balansa nghiên cứu là Ba Vì và phụ cận. Giữa năm 1886, ông sang Java (Indonesia) mang về một số cây giống trong đó có cây cà phê. B. Balasa đã ươm thành công cà phê ở chân núi Ba Vì.

Từ kết quả đó, anh em nhà Guillaume đã liên doanh với Joseph Borel trồng trên đồn điền 25ha trong ở Kẻ Sở (Hà Nam). Đây là đồn điền cà phê đầu tiên ở Việt Nam.

Tiếp đó, năm 1890, Joseph Borel đã nhân giống rồi trồng trên nhiều đồn điền thuộc nhiều tỉnh khác ở Bắc Kỳ.

Thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Paul Doumer, nhà tư bản Pháp Marius Boret đã sang mua đất ở vùng Bất Bạt, Tùng Thiện để lập nên 13 đồn điền với diện tích rộng 2222,55ha. Năm 1901, ông bắt đầu trồng cà phê. Giống là những cây cà phê do B. Balanca mang về từ Java. Sau khi thu hoạch, ông cho chế biến ở Hà Nội, cung cấp cho người Pháp ở đây, số còn lại xuất khẩu sang châu Âu. Sau đó nhiều tư sản Pháp khác đã đầu tư lập đồn điền trồng cà phê. Cho đến cuối năm 1918, Bắc Kỳ có khoảng 4.000ha cà phê thuộc 39 đồn điền chuyên canh và 74 đồn điền đa canh.

Vùng Chi Nê, Hòa Bình, là vùng núi đồi thấp, thổ nhưỡng phù hợp phát triển đối với cây cà phê đã trở thành trung tâm cà phê Bắc Kỳ và cả nước với những đồn điền cà phê như: Anh em Guillaume, Borel, Lévy, Roux, Schaller và các công ty nông nghiệp "công ty chợ Ghềnh, Công ty Lion, Công ty Yên Lại".

Sau đó, cây cà phê được mở rộng lên Tuyên Quang, vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

Ở Quảng Bình, trong một báo cáo của B. Balasa, năm 1898, “phía Tây Bắc Đồng Hới, tỉnh lỵ của Quảng Bình, chúng tôi gặp được những người Công giáo ở làng Kẻ Bàng và Kẻ Sen, ở đây các nhà truyền đạo từ lâu đã trồng cây cà phê, sau đó một số đồn điền khác lấy giống từ đây. Một sĩ quan sống lâu năm gần đó cho biết những cây này thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở đây đến nỗi chúng tự sinh sôi, thậm chí ở một số nơi, người dân còn trồng làm hàng rào mà chẳng sử dụng đến trái cây...

Tỉnh Quảng Bình nên được ưu tiên lựa chọn phát triển cây cà phê. Các chủ đồn điền sau này nên tận dụng kinh nghiệm của những người trồng trọt từ các nước khác, từ Java và nhất là Brazil…”.

Ở Đà Nẵng, ông C.Paris lập đồn điền cà phê Phong Lệ vào năm 1891, có diện tích khoảng 25 - 30ha, là đồn điền sớm nhất tại miền Trung. Khoảng năm 1896, khi ông C.Paris chuyển nhượng cho ông De Pongerville thì đồn điền này có 25.000 cây cà phê. Đến năm 1899, đồn điền đã có 4.200 cây cà phê được 8 năm tuổi (số còn lại là 7 năm, 6 năm, 5 năm và ít hơn 5 năm).

Trước đó, từ năm 1884, cha đạo Maillard, quản xứ Phú Thượng (nay thuộc địa phận xã Hòa Sơn, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã mua 250ha đất để lập đồn điền trồng chè và cà phê.

Tuy nhiên, giống cà phê chè trồng ở Bắc Kỳ và miền Trung do không phù hợp thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác còn hạn chế nên năng suất thấp, giảm dần từ 400 - 500kg/ha những năm đầu xuống còn 100 - 150kg/ha về sau.

Để cải thiện tình hình, năm 1908, người Pháp đã du nhập vào hai giống mới là cà phê vối (C. robusta) và cà phê mít (C. mitcherrychia) để thay thế. Giống này thích hợp hơn nên sinh trưởng tốt hơn. Theo đó, nhiều đồn điền mới được lập ở Hà Tĩnh (1910), Yên Mỹ (1911, Thanh Hóa), Nghĩa Đàn (1915, Nghệ An). Cà phê nhanh chóng trở thành loại cây có giá trị kinh tế hàng đầu và người Pháp không ngừng tìm cách để mở rộng diện tích, năng suất và sản lượng để tìm kiếm lợi nhuận.

Đến thủ phủ Tây Nguyên

Cây cà phê đến Tây Nguyên muộn hơn ở các tỉnh Bắc và Trung kỳ. Đến năm 1898, ông Camille Paris và ông Delignon mới chọn vùng đất bên con suối Joppau ở An Khê để lập đồn điền Đak Joppau (nay thuộc xã Cư An và Tân An, huyện Đak Pơ). Tại đây, ông Paris lập các khu vườn để ươm hạt giống lấy từ vườn thực vật Buitenzorg ở Java (Indonesia). Đến ngày 10/2/1899, hơn nửa năm sau khi thành lập, đồn điền đã có 2.000 cây cà phê, 12.000 cây chè và khu vườn ươm.

Năm 1900, Công ty “Delignon và Cty” đã có diện tích 500ha để trồng cao su và cà phê.

Ở Buôn Mê Thuột, từ những năm cuối thế kỷ XIX, nhiều nhà thám hiểm và truyền giáo Pháp như Yersin, giám mục Cassaigne, linh mục Pierre Dourisboure đều nhận định ở đây rất thích hợp mở rộng các đồn điền cây công nghiệp. Song do nhiều khó khăn, đến trước thời điểm toàn quyền Đông Dương Paul Beau ra quyết định thành lập tỉnh Đắk Lắk (1904), Buôn Ma Thuột mới chỉ có vài nông trại nhỏ trồng thử nghiệm cà phê chè (arabia).

Mãi đến năm 1912 - 1914, Công ty Cao nguyên Đông Dương (CHPI) và Công ty Nông nghiệp An Nam (CADA) mới đầu tư trồng 260ha cà phê dọc Quốc lộ 21 (nay là Quốc lộ 26, đoạn từ TP Buôn Ma Thuột đến thị trấn Phước An). Đó là thời điểm cà phê được người Pháp chính thức trồng tập trung, quy mô lớn tại Buôn Ma Thuột.

Năng suất cà phê Buôn Ma Thuột thời kỳ này còn thấp, sản lượng chưa nhiều nhưng nhờ được trồng ở độ cao 400 -500m nên được đánh giá chất lượng thơm ngon, đậm đà, tự nhiên.

Hơn 10 năm sau đó, có thêm 26 đồn điền cà phê của người Pháp được thành lập ở các vùng xung quanh Buôn Ma Thuột, mỗi đồn điền rộng từ vài chục đến hàng trăm hécta. Fleur, trong "Địa chí tỉnh Đắk Lắk", ấn hành năm 1931, đã mô tả đồn điền cà phê CADA - Công ty Nông nghiệp An Nam như sau: "Công ty Nông nghiệp An Nam có một nhượng địa rộng 8.000 mẫu tây, khai thác được 1.800 mẫu, trồng cà phê 1.000 mẫu, chè xanh 800 mẫu nằm ở cây số 24 đến cây số 34 đường An Nam.

Công ty có những cơ xưởng lớn sửa chữa máy móc, nhà để xe, kho tàng, nhà ở của giám đốc, chủ đồn điền..., tất cả đều rộng rãi, an toàn và có điện thắp sáng. Nơi ăn ở của công nhân bản xứ tập trung ở hai ngôi làng lớn là Ea Knuêk và Ea Yông (ngày nay là 2 xã thuộc huyện Krông Păk). Các đồn điền đều có triển vọng tốt đẹp, cây cà phê được trồng và chăm sóc tốt...

Hành trình đưa cà phê lên Buôn Ma Thuột của người Pháp cũng gặp không ít khó khăn, nhất là bệnh gỉ sắt có thời kỳ bùng phát dữ dội tại hầu hết các đồn điền làm cho năng suất bị giảm nhiều. Do đó, các chủ đồn điền đã phải thay thế hầu hết bằng cà phê vối (robusta); cà phê chè từ 51% diện tích chỉ còn chưa đầy 1% trong tổng số 2.130ha năm 1931. Còn cà phê vối được chọn lọc qua nhiều thập kỷ, trở thành giống chủ lực ở Tây Nguyên bởi khả năng thích nghi, năng suất cao, chất lượng tốt.

Tính đến năm 1945, diện tích cà phê ở Việt Nam khoảng 10.000ha, chủ yếu là ở miền Bắc. Dưới thời thuộc Pháp, ngoài số lượng tiêu thụ tại Việt Nam số còn lại chủ yếu xuất khẩu về Pháp và châu Âu. Sau năm 1975, trung tâm cà phê chuyển về Tây Nguyên. Diện tích cà phê cả nước hiện nay khoảng 680.000ha. Từ nền tảng được kiến tạo từ thời thuộc Pháp, ngày nay Việt Nam là nhà xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới với hoảng 3 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
Đừng bỏ lỡ
Người Pháp với cây cà phê ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO