Người nữ du kích anh hùng của quê hương Nguyên Khê

Giang Văn Hồi| 15/07/2022 11:15

Xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội nằm ở phía Bắc của huyện Đông Anh, phía Nam cầu Phủ Lỗ. Thời kỳ chống Pháp, Nguyên Khê là Tây phần của xã Tự Do, huyện Đông Anh.

Người nữ du kích  anh hùng  của quê hương  Nguyên Khê
Anh hùng Liệt sĩ Tô Thị Hiển.

Suốt nhiều năm, nơi đây đã diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa các lực lượng quân đội Pháp với các đội du kích, các đơn vị bộ đội địa phương của Việt Minh, nhất là hai thôn Khê Nữ và Cán Khê. Từ phong trào cơ sở ở địa phương đã nổi lên những tấm gương anh dũng, kiên cường trong đó tấm gương của nữ du kích anh hùng Tô Thị Hiển.
Đồng chí Tô Thị Hiển và chồng là đồng chí Cao Văn Cấp tham gia du kích từ tháng 6 năm 1946. Suốt thời kỳ 9 năm chống Pháp, căn nhà của đồng chí Hiền là căn cứ quan trọng của đội du kích Khê Nữ. Hai vợ chồng đồng chí Hiển vừa tham gia chiến đấu vừa nuôi dưỡng và che dấu cán bộ chiến sĩ của Việt Minh. Trong nhà có 7 hầm bí mật, luôn có từ 7 đến 10 đồng chí cán bộ, du kích cư trú và hoạt động bí mật. Đồng chí Hiển còn tham gia làm giao liên, làm quân báo cho Việt Minh.
Năm 1952, chồng bị giặc bắt và sát hại, đồng chí Hiển đã thay chồng vừa nuôi 4 con nhỏ vừa tham gia cách mạng. Thời kỳ từ năm 1952 - 1954, ở khu du kích Nguyên Khê, xã Tự Do là thời kỳ chiến đấu rất cam go quyết liệt giữa ta và địch. Các đồng chí cán bộ du kích bộ đội địa phương của ta chủ động tấn công, quấy rối hậu phương của địch phối hợp với các chiến trường khác trong cả nước. Trong thời kỳ chiến đấu giằng co quyết liệt liên tục ấy, các đồng chí cán bộ du kích bộ đội của Việt Minh ở trong căn cứ là gia đình đồng chí Hiền vẫn được nuôi dưỡng và bảo vệ tuyệt đối an toàn.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Thế nhưng không ai ngờ bọn lính Bảo Hoàng (phần lớn là bọn phản động ở các làng tề, làng công giáo đi theo giặc), trước khi cuốn gói theo giặc vào Nam lại bất ngờ tổ chức càn quét vào các xóm làng để vơ vét thêm của cải và giết hại đồng bào chiến sĩ của ta.
Đêm ngày 15/7/1954, bọn giặc đã bí mật bao vây làng Khê Nữ. Gần sáng, chúng bắt được anh Hì là chiến sĩ liên lạc của huyện mang công văn của cấp trên về thôn Khê Nữ. Biết chắc ở trong thôn sẽ có cuộc họp quan trọng giữa huyện bộ của Việt Minh và lãnh đạo khu du kích, bọn giặc đã tổ chức cuộc càn quét quy mô lớn vào thôn Khê Nữ. Cán bộ chiến sĩ của ta hoàn toàn bị bất ngờ. Họ đã vừa đánh vừa rút lui một cách dũng cảm. Các đồng chí Nguyễn Văn Tố (cán bộ tình báo của Việt Minh), đồng chí xã đội trưởng Vũ Văn Nguyên, xã đội phó Nguyễn Văn Bập… lần lượt hy sinh.
Sau khi đưa được gần 20 cán bộ chiến sĩ về hầm bí mật an toàn thì đồng chí Tô Thị Hiển bị giặc bắt. Dẫu bị đánh đập tra tấn vô cùng dã man, bằng đủ các ngón đòn nhưng đồng chí Hiển vẫn nhất quyết không chịu khai về căn hầm bí mật, vẫn nghiến răng chịu đựng, quyết hy sinh để bảo vệ đồng đội, đồng chí của mình. Đồng chí Hiển chỉ có một câu trả lời: “Tôi đang bận nuôi con nhỏ. Không biết”. 

Người nữ du kích  anh hùng  của quê hương  Nguyên Khê
Trường Tiểu học Tô Thị Hiển - ngôi trường mang tên người nữ du kích anh hùng của quê hương Nguyên Khê.
Trong khi cuộc tra tấn diễn ra, một tốp lính khác đã vào đào bới nhà đồng chí Hiển và tìm được 2 căn hầm bí mật. Lúc đó, hai đồng chí là Liễn và Nghênh từ hầm đã lao lên để chiến đấu giết được một số tên giặc, nhưng vì giặc quá đông nên các anh đã bị bắt. Chúng đem hai anh ra cùng tra tấn với đồng chí Hiển, nhưng hai anh đều nhất quyết không khai. Chúng bắn chết anh Nghênh và chặt đầu anh Liễn. Cuộc càn quét diễn ra 3 ngày. Nhiều đồng chí cán bộ trung kiên của Việt Minh đã bị giặc giết. Một số đồng bào cơ sở của liên minh cũng bị giặc giết rất man rợ. Đến gần sáng 19/7/1954 tức 20/6 năm Giáp Ngọ, đồng chí Tô Thị Hiển đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 34, để lại bốn con nhỏ trong đó con gái út là Cao Thị Mùi mới hơn một tuổi.
Sự hy sinh của đồng chí Tô Thị Hiền đã để lại bao nỗi tiếc thương và sự khâm phục trong lòng người dân Nguyên Khê, đồng thời có sức lan tỏa rất lớn đến các thế hệ kế tiếp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp thanh niên nơi đây đã lên đường vào Nam đánh Mỹ, nhiều người đã hy sinh, nổi bật là đồng chí Lê Hữu Tựu đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam với danh hiệu “Tay súng thần diệt trực thăng Mỹ”. Để tưởng nhớ sự hi sinh dũng cảm của đồng chí Tô Thị Hiển, UBND huyện Đông Anh đã đặt tên trường tiểu học của xã Nguyên Khê thành Trường Tiểu học Tô Thị Hiển.
Kể từ ngày đồng chí Hiển hi sinh thấm thoát đến nay đã gần 70 năm. Thôn Khê Nữ bị tàn phá trong chiến tranh nay đã trở thành một khu công nghiệp, một thị trấn sầm uất. Bốn người con của đồng chí Hiển lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của họ hàng, làng xóm. Hai con trai là đồng chí Cường và đồng chí Phú đã gia nhập quân đội, vào Nam đánh Mỹ đến ngày đất nước thống nhất. Hai cô con gái là chị Hảo và chị Mùi đều trở thành cán bộ của UBND huyện Đông Anh. Hiện nay họ đã đều nghỉ hưu, sống vui vẻ, bình yên, hạnh phúc ở quê nhà.
Năm 2002, xã Nguyên Khê được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp; cá nhân bà Tô Thị Hiển cũng được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Người kết nối giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong đời sống đương đại
    Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là hành trình trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Gần như cả cuộc đời, bà lặng lẽ theo đuổi một “nghĩa vụ tự thân” - kết nối di sản với đời sống đương đại thông qua tác phẩm cá nhân và các hoạt động cộng đồng. Là một trong những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam nhưng thay vì chạy theo xu hướng, bà chọn lối đi ngược dòng: quay về với mỹ cảm bản địa. Chính lựa chọn khác biệt ấy đã tạo nên một Đặng Thị Khuê độc đáo, không hòa lẫn trong đời sống nghệ thuật.
  • Vở kịch “Ngược chiều bình an” khắc họa chân thực hình ảnh người lính cứu hỏa
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Công an thành phố Hà Nội; Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức công diễn và giới thiệu vở kịch “Ngược chiều bình an”.
  • NSND Trần Quốc Chiêm với hành trình hồi sinh vở chèo cổ “Trinh Nguyên” đã chạm đến trái tim khán giả
    Vào 20h tối ngày 24/5, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội chính chức công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” do NSND Trần Quốc Chiêm phục dựng. Đây là một trong bảy vở chèo cổ kinh điển đầu tiên của nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam.
  • Hà Nội chủ động ứng phó với mưa lớn
    Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động ứng phó với mưa lớn, giảm thiểu thiệt hai do thiên tai.
  • Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đoạt giải Vàng Kiến trúc Quốc gia
    Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (TP Huế) vừa được vinh danh giải Vàng hạng mục “Công trình Kiến trúc Đặc biệt” và giải “Vì sự phát triển Kiến trúc” tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Người nữ du kích anh hùng của quê hương Nguyên Khê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO