Người lính già “dán báo” làm đẹp khu dân cư

Đăng Chung| 11/06/2018 09:24

Gần 20 năm qua, người dân ở khu dân cư số 12, phường Trung Liệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đã dần quen với hình ảnh ông Nguyễn Văn Tích ngày ngày miệt mài “dán báo”, góp phần duy trì điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong khu dân cư…

Làm việc không lấy thù lao

Tìm đến khu dân cư số 12 vào một buổi chiều muộn, dẫn đường vào nhà ông Tích “dán báo”, ông Nguyễn Ngọc Minh, tổ trưởng Tổ dân phố 50, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khu dân cư số 12 chỉ cho chúng tôi “góc sản phẩm” mà ông Tích dày công chăm sóc, duy trì hiệu quả suốt gần 20 năm qua. Đó là khu bảng tin sinh động, rộng chừng 4m2 đặt ngay tại đầu ngách 3/24 phố Thái Hà.

“Ở tuổi đã gần 80, tóc bạc trắng, đôi chân đi lại không còn nhanh nhẹn, lại là thương binh, phơi nhiễm chất độc da cam dioxin ở chiến trường nên mỗi khi trái gió trở trời ông lại bị căn bệnh do chiến tranh để lại hành hạ đến thở cũng khó. Thế nhưng, ông Tích - người lính dũng cảm trong chiến đấu năm nào nay là người cán bộ thủy chung son sắt, sống chí nghĩa, chí tình, là người cán bộ gương mẫu luôn được tổ chức tín nhiệm, nhân dân yêu mến…” - ông Minh chia sẻ.

Người lính già “dán báo” làm đẹp khu dân cư
Ông Nguyễn Văn Tích giới thiệu về khu vực bảng tin, bảng báo, bảng ảnh tại khu dân cư số 12 tại ngách 3/24, Thái Hà, phường Trung Liệt, Đống Đa, TP. Hà Nội.
Góc bảng tin của khu phố rất đặc biệt, bao gồm 2 dãy bảng, trong đó có 2 bảng treo báo, 2 bảng treo ảnh và 1 bảng treo sơ đồ khu dân cư, một bảng tin viết phấn cập nhật thông báo các hoạt động của Đảng, chính quyền, mặt trận và các sinh hoạt trong khu dân cư. Đặc biệt, có thể dễ dàng quan sát được đây là một vị trí đắc địa bởi không gian ngách phố khu vực này khá rộng, rất thuận lợi cho người xem các bảng tin. “Không chỉ là cập nhật thông tin cho nhân dân mà nơi này còn là một sân khấu di động của khu dân cư số 12. Không quá rộng nhưng sạch đẹp lại là đầu phố nên khu dân cư thường lấy khu vực bảng tin tổ chức sự kiện nhỏ trong khu phố…” – ông Tích cho biết.

Nắm tay một trong những em nhỏ, chậm rãi rảo bước về phía bảng tin, ông Nguyễn Văn Tích cầm theo tờ báo Quân đội nhân dân cười bảo: “Các con giúp ông cùng dán tờ báo mới này lên nhé, tý bảo bố mẹ ra đọc bảng tin”. Rồi ông nhanh tay bật hết những bóng đèn xung quanh bảng tin lên cho sáng. Ông bảo, sắp đến kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, hôm nay khu dân cư vừa lại có thêm thông báo mới của UBND phường Trung Liệt, dán để cho bà con, người dân đi làm về còn nhìn thấy thông báo để thực hiện.

Gần 20 năm nay, ngày nào cũng vậy, ông luôn cố gắng tự tay mình làm cho bảng tin thành những ấn phẩm văn hóa hấp dẫn cho bà con lối phố. Ông Tích chia sẻ, có lần do sức khỏe yếu ông phải nằm viện, ông mới nhờ đến vợ con thay mình dán báo, bật đèn. Mọi việc làm của ông hoàn toàn tự nguyện, không lấy của tập thể một đồng tiền thù lao nào.

Khu dân cư số 12 có khoảng 300 hộ dân với trên một ngàn dân, với đặc thù là hầu hết các hộ là gia đình “Bộ đội Cụ Hồ” đã về hưu hoặc đang công tác. Do vậy, tình hình văn hóa, an ninh, chính trị ở đây đều rất ổn định và nền nếp. Đây là môi trường sống mơ ước của nhiều người hiện nay.

Mong muốn duy trì được nền nếp ấy, từ lâu, chi bộ, Mặt trận khu dân cư số 12 đã vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp xây dựng khu bảng tin văn hóa của cả khu. Hồi đầu, treo xong mấy tờ báo, viết mấy khẩu hiệu, mọi người chỉ xem qua và rồi thưa dần vì ít thông tin và hình ảnh đơn điệu. Một số gia đình ở gần bảng tin chỉ muốn “xóa sổ” cái bảng tin nhàm chán ấy thay bằng những ô cửa sổ cho thoáng nhà, thoáng cửa. Khu phố thì họp lên họp xuống về việc thuê người duy trì bảng tin ấy cho hấp dẫn nhưng không có ai nhận.

Vốn là một cán bộ tuyên huấn rồi làm cán bộ Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), ông Nguyễn Văn Tích nghĩ, bảng tin là một thứ rất cần thiết trong xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nên đã xung phong đảm nhận duy trì hoạt động của bảng tin, bảng báo. 

Xây dựng nếp sống văn hóa

Ông Tích tâm sự: “24 năm trong quân đội ở cả 2 chiến tuyến Bắc và Nam, đó là những năm tháng không bao giờ quên trong cuộc đời của tôi. Đến khi về làm việc tại bảo tàng, tôi lại được sống cùng anh em đồng đội, anh em đã chinh chiến ở các chiến trường, vì đất nước mà quên mình hi sinh. Những dấu tích của chiến trường không bao giờ phai nhòa trong ký ức của những người lính. Trong đó, có sách báo, những bài tuyên truyền để động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Nên khi về hưu việc “dán báo” với tôi rất gần gũi và cần thiết, không chỉ cập nhật thông tin cho nhân dân khu phố nó còn giáo dục về văn hóa đọc cho lớp trẻ…”

Ngoài tinh thần, trách nhiệm một cựu chiến binh 58 năm tuổi Đảng, ông là một công dân ham nghiên cứu, ham đọc và viết, lại có một số kiến thức về thẩm mỹ trưng bày bảo tàng, chữ viết khá chỉnh chu… nên Chi bộ và Ban Công tác mặt trận khá yên tâm khi giao cho ông Tích trọng trách này. Đã nhận là làm, ông hết mình với công việc. Để bảng tin có đủ báo cho các đối tượng, thay vì có duy nhất một tờ báo Nhân dân như bấy lâu nay, ông Tích đã cất công liên lạc với bạn bè đương chức và những người có chế độ cấp báo, xin báo phục vụ bảng tin. Những dịp có Hội Báo Xuân, ông thường tới tham dự khai mạc, vừa xem nhưng mục tiêu chính là để xin báo biếu. Xin thật nhiều để dành cho bảng tin, bảng báo. Điển hình như Tết Ất Mùi 2015, ông đến Hội Báo Xuân ở Giảng Võ xin được rất nhiều báo, phải chở bằng xe máy, tính ra, nếu mua phải mất tiền triệu.

Không những vậy, xin được báo rồi, ông còn phải đọc lướt qua để chọn bài phù hợp công tác tuyên truyền đối với từng thời điểm và phù hợp với các đối tượng công chúng để dán lên bảng tin. Hiện nay, bảng tin của khu dân cư số 12 luôn sinh động bởi các loại báo khác nhau: Báo Quân đội nhân dân, báo Nhân dân, báo Hà Nội mới, báo Sức khỏe và đời sống, báo Thể thao…

Các bảng báo, bảng ảnh còn được ông trang trí rất tỉ mỉ. Ông dùng máy ảnh gia đình chụp các buổi sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt hè hoặc Tết Trung thu của các cháu, sau đó đem in thành ảnh, ép plastic để trưng bày. Ông vui vẻ khoe: “Bây giờ công nghệ hiện đại, chỉ cần tập hợp các ảnh đẹp vào USB, sau đó in thành tấm bìa khổ lớn treo lên, vừa rẻ lại vừa đẹp. Vui nhất đó là bảng tin thường xuyên có người đến đọc và xem.” Không những vậy, ông Nguyễn Văn Tích còn là chủ nhân của nhiều bài viết hay trong cuộc thi phát hiện, viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt quận Đống Đa nhiều năm qua. Năm 2017, ông vinh dự được UBND TP. Hà Nội tặng bằng khen.

Chia tay ông Tích, tôi càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi Đảng viên là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành... Mà muốn quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người Đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn, ở phải thế nào cho dân phục dân yêu…”. Ông Nguyễn Văn Tích chính là tấm gương sáng về người lính cụ Hồ gương mẫu, một Đảng viên kiên trung với Đảng, tận tụy với nhân dân. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Chắp cánh cho hình ảnh “Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại” vươn cao, bay xa
    Nhiều năm qua, Hà Nội đã xây dựng hình ảnh “là nơi đáng đến và lưu lại” trong suy nghĩ, cách nhìn của du khách trong nước và quốc tế. Góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ này, UBND Thành phố Hà Nội vừa xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa. Qua đây để Thủ đô bảo tồn các giá trị văn hóa, mở ra những không gian mới cho phát triển văn hóa, du lịch tiến tới kỷ nguyên vươn mình.
  • 5 nhóm giải pháp phát huy vai trò tiên phong của văn học, nghệ thuật Thủ đô
    “Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng”, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng ngày 16/4/2025.
  • Xây dựng "Trường học hạnh phúc" gắn với các hoạt động thực tế của ngành giáo dục Thủ đô
    Hàng trăm học sinh cùng các giáo viên tại các trường THPT trên toàn thành phố Hà Nội hào hứng cổ vũ cho các tác phẩm thể loại hòa tấu và đệm hát do các em học sinh thuộc các ban/nhóm nhạc thể hiện tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam; qua đó cho thấy hiệu quả của Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức đã có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc mà ở đó tình cảm giữa thầy và trò, giữa các em học sinh với nhau thực sự gắn kết và gần gũi.
Đừng bỏ lỡ
Người lính già “dán báo” làm đẹp khu dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO