Ông Đàm Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc |
Là đơn vị được “chọn mặt gửi vàng” chuyên “cắt ngọn” các toà nhà sai phép, trong đó có toà nhà 8B Lê Trực, ông Đàm Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng đề xuất nhiều giải pháp đột phá xử lý dứt điểm tình trạng xây nhà sai phép, không phép ở các thành phố lớn.
Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Văn Long về câu chuyện cắt ngọn nhà sai phép và chuyện xử lý nửa vời.
Chủ đầu tư nào cũng muốn chậm phá dỡ phần sai phạm
Câu chuyện cắt ngọn đối với công trình xây dựng chung cư 8B phố Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Thậm chí, vào giữa năm 2016, đích thân Thủ tướng đã phải chỉ đạo xử lý vi phạm, đồng thời đặt câu hỏi: “Hà Nội có nghiêm túc, kiên quyết phá dỡ không hay cứ để nhùng nhằng mãi?”. Đến nay, việc phá dỡ đã được tiến hành đến đâu, thưa ông?
Vấn đề chính của công trình này là kết cấu công trình và tính an toàn. Công trình 8B Lê Trực được cấp phép 18 tầng nhưng xây 19 tầng, 1 tầng sai phạm đã bị cắt rồi, nhưng giờ xử lý phần chiều cao vi phạm và phần giật cấp, phải cắt cột và dầm nên chắc chắn ảnh hưởng đến kết cấu, do đó vấn đề an toàn chúng tôi không bảo đảm được. Chúng tôi đề nghị các chuyên gia đánh giá, khi có phương án đảm bảo an toàn thì mới có cơ sở lập biện pháp phá dỡ tiếp giai đoạn 2. Hiện đang chờ các chuyên gia của Bộ Xây dựng, TP Hà Nội cũng phải chờ phương án đánh giá an toàn của Bộ Xây dựng thì mới chỉ đạo được. Không an toàn thì không cho phép thực hiện.
Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng các công trình sai phép, không phép hiện nay?
Cùng với thực tế công việc đã trải qua, cộng với việc qua theo dõi báo chí, tôi thấy rất nhiều phản ánh về các công trình sai phạm trên cả nước, nhiều công trình sai phạm rất nghiêm trọng đến nay vẫn chưa xử lý được. Có thể thấy, vi phạm trật tự xây dựng vẫn tiếp tục diễn ra, việc cắt ngọn công trình rõ ràng không đủ sức răn đe và vi phạm ngày càng trầm trọng hơn, nhất là tại các thành phố lớn. Tại đây, các công trình được xây dựng mỗi ngày nhưng chỉ những công trình phát hiện sai phạm mới bị xử lý, còn không bị phát hiện thì vẫn ngang nhiên xây dựng.
Trong phá dỡ phần sai phạm của các công trình xây dựng, khó khăn nhất là gì, thưa ông?
Rất nhiều khó khăn, từ thủ tục pháp lý đến vấn đề chủ đầu tư vì “của đau con xót” mà tìm mọi cách gây cản trở. Rồi đến kết cấu công trình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Hay vấn đề an toàn công trình, an toàn cho người lao động, cho những người xung quanh. Để đảm bảo tất cả các yếu tố đó thì chúng tôi cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xây dựng phương án tháo dỡ an toàn.
Trên thực tế, chủ đầu tư nào cũng tìm nhiều biện pháp để làm chậm việc triển khai phá dỡ phần sai phạm, ví dụ như về mặt bằng họ không tạo điều kiện cho mình, rồi các nhà cao tầng phải leo cao thì họ cắt vận thăng không cho mình lên, khiến có khi anh em phải leo bộ đến 19 - 20 tầng...
Ông có thể lý giải vì sao người ta không ngán việc cắt ngọn, vẫn bất chấp để xây dựng?
Trước kia, nhiều người nghĩ chỉ cần cắt ngọn công trình vi phạm là dừng được các vi phạm khác. Nhưng để thực trạng xảy ra nhức nhối như hiện nay thì rõ ràng là biện pháp cắt ngọn đã không còn đủ sức răn đe nữa.
Có một nghịch lý là lợi ích mang lại từ việc xây dựng công trình sai phép thì rất lớn nhưng mức xử phạt hành chính đối với hành vi này lại rất thấp, nên người dân, chủ đầu tư thường phớt lờ.
Đến khi chính quyền phát hiện ra sai phạm, xử lý các công trình sai phép bằng biện pháp cắt ngọn công trình thì kéo theo những hệ lụy như: Lãng phí tài sản xã hội, nguy cơ mất an toàn, mỹ quan đô thị gây nhức nhối trong dư luận nhân dân và các cấp chính quyền.
Công trình xây sai phép số 8B Lê Trực đang chờ phương án đảm bảo an toàn mới phá dỡ tiếp giai đoạn 2 - Ảnh: K.Linh |
Phạt 1 người phải răn đe được hàng triệu người khác
Vừa qua, Tập đoàn Phương Bắc đã có văn bản gửi đến T.Ư và các cấp có thẩm quyền, kiến nghị phạt nặng chủ đầu tư xây dựng sai phép. Ông có thể nói rõ hơn đề xuất này?
Các công trình sai phép thường sai từ gốc, muốn cắt triệt để, xử lý triệt để thì phải phá bỏ, trong khi chúng ta chưa có quy định hiện hành nào cho phép phá dỡ toàn bộ công trình sai phạm nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.
"Các công trình xây dựng sai phép thường sai từ gốc sai lên, nếu xử lý triệt để sai phạm thì hầu như phải phá bỏ cả tòa nhà, mà việc xử lý triệt để sai phạm gần như là bất khả kháng. Do vậy, việc cắt ngọn các công trình sai phép chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Trên thực tế, các công trình sai phép này đang bị cắt ngọn, các công trình sai phép khác vẫn tiếp tục mọc lên. Bởi vậy, nếu cứ tiếp tục cắt ngọn mà không có biện pháp mạnh hơn, câu chuyện vi phạm trật tự xây dựng sẽ không có hồi kết." Ông Đàm Văn Long |
Để có giải pháp tổng thể, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng quy định mới, đưa ra chế tài xử phạt đủ nặng, đủ sức răn đe hơn việc cắt ngọn và xử phạt hành chính như hiện nay.
Trước khi có quy định mới, tất cả các phần sai phép của các công trình sai phép, chủ đầu tư phải nộp cho ngân sách Nhà nước theo giá bất động sản trên thị trường hoặc đơn giá nhà nước những diện tích sai phép chứ không phải nộp theo mức xử phạt hành chính. Tức là nếu giá giao dịch trên thị trường của công trình vi phạm là 40 triệu/m2 thì chủ đầu tư công trình vi phạm phải nộp vào ngân sách đúng bằng giá ấy.
Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ thu được số tiền lớn, thay cho việc cắt ngọn rất lãng phí tài sản xã hội.
Trong giai đoạn quá độ, với các công trình sai phạm thì cho nộp vào ngân sách để thu tiền cho Nhà nước thay vì cắt ngọn, còn sau khi có quy định mới, nếu công trình nào tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm, yêu cầu phá dỡ toàn bộ công trình. Tôi tin xử nghiêm như vậy thì không ai còn dám vi phạm nữa.
Ông thấy việc xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra công trình sai phép đã đủ thuyết phục?
Tôi cho rằng, pháp luật phải nghiêm minh hơn để con người có ý thức hơn. Nếu cứ quy định không chặt chẽ, xử phạt không nghiêm thì không thể quản lý nổi. Và pháp luật thì phải công bằng, đã xử lý cái sai thì phải xử lý triệt để, nếu xử cái này mà bỏ cái kia thì người dân sẽ không phục.
Cán bộ có trách nhiệm quản lý nếu để xảy ra sai phạm cũng cần phải xử lý nghiêm khắc chứ không phải kiểm điểm chung chung rồi vẫn ngồi ghế đó, giữ chức vụ đó. Như thế là không nghiêm và nhờn luật.
Khi nào người ta thấy bị xử lý vẫn ở mức chấp nhận được thì họ chưa sợ, họ còn sai phạm. Vì thế, phải có quy định để xử phạt thật nặng, phạt 1 người phải răn đe được hàng triệu người khác, như vậy mới thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này, chứ tôi thấy các cơ quan chức năng suốt ngày họp hành chỉ để giải quyết những việc như thế này rất mệt mỏi, lại không hiệu quả.
Ông Đàm Văn Long (bên phải ảnh)
Là người đứng đầu một đơn vị có chuyên môn xử lý, phá dỡ công trình sai phạm, nhưng ông lại đưa ra những kiến nghị có thể khiến mình “thất nghiệp”. Ông đã suy nghĩ kỹ chưa?
Nếu vì lợi ích cá nhân thì tôi không làm việc này, nhưng vì cái chung nên tôi phải nói. Lợi của tôi rất nhỏ, mà thiệt hại của cái chung lại quá lớn.
Ngay từ lúc đầu thực hiện việc này, tôi đã nhận ra vấn đề nhưng chưa thấy có cơ sở để góp ý. Tôi thấy hiện nay đang xảy ra rất nhiều sai phạm, rải rác tại các địa phương như: Hà Nội, Thanh Hoá, Bình Định, Khánh Hoà, Đà Nẵng, TP.HCM… Có thể nói, thời điểm này các sai phạm được phát hiện nhiều nhất nên cũng là thời điểm, là cơ sở tôi đưa ra những kiến nghị này.
Nếu vì cá nhân tôi thì tôi sẽ không kiến nghị hay làm gì cả, cứ để sai phạm rồi “đập”, như vậy thì mình có việc làm. Chưa kể đến việc khi phá dỡ, nếu chủ đầu tư không hợp tác, Nhà nước muốn chấn chỉnh kỷ cương phép nước, trật tự đô thị thì phải ứng ngân sách ra thực hiện.
Một điều lo ngại khác là việc phá dỡ luôn tiềm ẩn rủi ro, không thể phủ nhận nguy cơ mất an toàn à tôi không muốn việc đó xảy ra. Việc phá dỡ cũng gây tốn kém mọi mặt về nhân lực, máy móc, thiết bị… Khi phá dỡ thì không ai được gì, có chăng được kỷ cương phép nước, nhưng lại chỉ được nửa vời, chưa thực sự đạt hiệu quả.
Cảm ơn ông