Ngõ Đoàn Nhữ Hài là một ngõ cụt ở phố Trần Quốc Toản (cạnh số nhà 86 rẽ vào).
Đây nguyên là đất thôn Liên Thủy, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này đổi ra là Liên Đường (xem mục Nguyễn Du và Trần Bình Trọng).
Thời Pháp thuộc là đường số 9 (voie N09), năm 1931 đổi tên thành phố Trạng Trình, năm 1949 đổi tên thành phố Đoàn Nhữ Hài, năm 1951 đổi thành ngõ Đoàn Nhữ Hài cho đến nay.
Nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Ngõ này chỉ có một dãy nhà ở bên phía Đông. Còn bên đối diện là tường bao của Bộ Công an.
Đoàn Nhữ Hài (1280 – 1335) người làng Trường Tân, huyện Gia Lộc, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Đầu đời Trần Anh Tông (1293 – 1314) ông đến Thăng Long học tập. Một lần thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường (Nam Định) về kinh đô thấy Anh Tông say rượu nằm ngủ li bì liền quay ngay về Thiên Trường, ra lệnh cho bá quan ngày mai phải có mặt ở đấy. Khi Anh Tông tỉnh rượu, nghe kể lại, sợ quá, đi ra ngoài cung, tới chùa Tư Phúc thấy Đoàn Nhữ Hài đứng ở cửa. Vua hỏi, ông thưa: “Thần học ở đây”. Thế là vua sai Nhữ Hài viết cho một tờ biểu tạ lỗi rồi cả hai đi thuyền nhẹ về Thiên Trường. Nhữ Hài đem biêu vào chầu, quỳ giữa sân. Thượng hoàng hỏi: “Ai đấy?”. Quan hầu tâu: “Là người dâng biểu của quan gia” (đời Trần gọi vua là quan gia). Thượng hoàng không hỏi gì, tới chiều mưa to, ông vẫn quỳ không động. Thượng hoàng không hỏi gì, tới chiều mưa to, ông vẫn quỳ không động. Thượng hoàng lấy từ biểu xem, thấy lời lẽ khẩn thiết, mới gọi vua vào, bảo: “Ta còn có con khác, có thể nối ngôi. Bây giờ ta còn sống mà còn thế, sau thì thế nào?”. Anh Tông cúi đầu tạ lỗi. Thượng hoàng lại hỏi: “Người soạn biểu là ai?”. Đáp: “Là người học trò tên là Đoàn Nhữ Hài”. Thượng hoàng cho gọi Nhữ Hài vào, bảo: “Ngươi soạn biểu hợp ý ta lắm”. Sau đó, xuống chiếu cho Anh Tông lại về ngôi.
Anh Tông về kinh, cho Nhữ Hài làm Ngự sử Trung tán, lúc đó ông mới 20 tuổi.
Năm 1335, người Ai Lao xâm phạm đất Nam Nhung (nay là huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ông theo vua Minh Tông đi dẹp giặc và bị tử trận.