Nghệ sĩ trẻ mỹ thuật với việc sáng tác hiện nay: Kỳ vọng tạo đột phá

Hanoimoi| 03/09/2022 15:09

Sau 10 ngày diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022 sẽ khép lại vào hôm nay (28-8).

Công chúng đã thấy được phần nào diện mạo của mỹ thuật Việt Nam đương đại và những trăn trở, suy tư của người trẻ trước cuộc sống trong các sáng tác. Song, để thỏa kỳ vọng tạo đột phá cho mỹ thuật Việt Nam trong tương lai, cần nghệ sĩ trẻ tự tin “cất giọng” hơn.
Nghệ sĩ trẻ mỹ thuật với việc sáng tác hiện nay: Kỳ vọng tạo đột phá
Khách tham quan triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022. Ảnh: Thụy Du

Chở đầy tâm tư của người trẻ

Festival Mỹ thuật trẻ là sân chơi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức, để các nghệ sĩ trẻ từ 18 đến 35 tuổi thể hiện tài năng sáng tạo, đưa tác phẩm mới đến với công chúng. Đã lần thứ 6 tổ chức, nên giới nghề và công chúng đến tham dự sự kiện lần này với nhiều tò mò, rằng câu chuyện mỹ thuật trẻ hôm nay như thế nào, các nghệ sĩ trẻ hay hơn hay dở đi trong lựa chọn quan điểm và khuynh hướng sáng tác so với lớp trước?

Trong khoảng thời gian 2 năm từ Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 5, các nghệ sĩ trẻ vẫn dồi dào năng lượng, nhiệt huyết sáng tạo, thể hiện ở việc có đến 512 tác phẩm của 216 tác giả gửi tham dự, tăng 40% so với kỳ trước (365 tác phẩm).

Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh, các tác phẩm tham gia Festival lần này không chỉ phản ánh trung thực diện mạo sáng tác, mà còn thể hiện cách nhìn riêng về cuộc sống đương đại, xu thế phát triển và quan điểm sáng tác của nghệ sĩ trẻ trong quá trình hội nhập quốc tế. Ban Tổ chức và Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn 126 tác phẩm, bộ tác phẩm của 102 tác giả triển lãm. Các tác phẩm này đều mang hơi thở của cuộc sống đương đại, chở đầy những vấn đề mà giới trẻ quan tâm, như môi trường, đời sống xã hội, đời sống tinh thần, văn hóa của thế hệ trẻ trong thời đại 4.0…

Điển hình là tác phẩm điêu khắc đoạt giải Nhất “Lũ thượng nguồn 2” của tác giả Trần Đình Thắng (thành phố Hồ Chí Minh) nằm trong chuỗi 3 tác phẩm mô tả những trận lũ lụt tại Quảng Bình quê anh. Tác giả đã dành nửa năm, trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn để thực hiện tác phẩm đầy biểu cảm, mang thông điệp cảnh báo đến người xem. Hai tác giả đoạt giải Nhất khác cùng sử dụng chất liệu truyền thống để nói về câu chuyện đương đại. Đó là Phạm Thùy Dương (Hà Nội) với tác phẩm đồ họa “Lặp” in trên vải lanh và Lâm Tú Trân (thành phố Hồ Chí Minh) với tác phẩm hội họa “Tâm” vẽ trên lụa. Với họ, chất liệu chỉ là cớ để họ “cất giọng” một cách nữ tính và đầy quyết liệt của người phụ nữ hôm nay trong sáng tác và đời sống.

Các tác phẩm với hình thức nghệ thuật mới mẻ hơn, như sắp đặt, video art, trình diễn dường như ngày càng thưa vắng sau mỗi mùa Festival. Tuy nhiên, lần này cũng có tác phẩm ấn tượng: “Vô sinh” của tác giả Nguyễn Hoàng Minh Khôi, Nguyễn Việt Trinh, Nguyễn Thanh Tùng lên tiếng đầy trắc ẩn về thảm họa với môi trường từ sử dụng ni lông…

Nghệ sĩ trẻ mỹ thuật với việc sáng tác hiện nay: Kỳ vọng tạo đột phá
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải Nhất tặng các tác giả tại Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022.

 Chờ sự tự tin “cất giọng”  

Đã thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật ở nhiều kỳ Festival, với lần này, anh Kiều Văn Toàn (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Tôi thấy thiếu tác phẩm mới, có sự khác lạ, kích thích thị giác hoặc khiến người xem ngạc nhiên và suy nghĩ”.

Là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Festival Mỹ thuật trẻ 2022, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thừa nhận: “Nghệ sĩ trẻ, nhưng sáng tác rất “già”. Tác phẩm giống như cha ông họ ngày trước thực hiện, với những vấn đề cũ, lối kể chuyện cũ, thiếu đột phá. Đây cũng là thực trạng chung của mỹ thuật trẻ Việt Nam”.

Về nguyên nhân, người đứng đầu Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, các tác giả trẻ cẩn trọng quá, không dám thổ lộ tâm thế, ao ước trong sáng tạo của mình. Vì thế, trách nhiệm "sang vai", tạo nên diện mạo mới cho mỹ thuật nước nhà trong tương lai ở họ rất khó khăn. “Băn khoăn trước những vấn đề của đời sống và đưa vào tác phẩm là đặc quyền của nghệ sĩ trẻ. Tôi mong các bạn trẻ tự tin, mạnh dạn dấn thân để tạo nên những tác phẩm có cách nhìn khác, tạo hướng đi khác để các nhà quản lý, giới chuyên môn và công chúng phải công nhận”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.

Festival lần này cũng thiếu vắng nhiều gương mặt mỹ thuật trẻ đang gây chú ý. Có thể còn có nhiều sân chơi khác để những nghệ sĩ trẻ tham gia, thậm chí còn đầu tư cho họ sáng tạo và công bố tác phẩm. Hơn nữa, Festival lần này vẫn tổ chức ở không gian không chuyên biệt, nên nhiều tác phẩm chưa được chuyển tải trọn vẹn tới người xem. Đã tham gia 4 kỳ Festival Mỹ thuật trẻ, nghệ sĩ Trần Đình Thắng cho biết: “Mong muốn của tôi là có nhà tài trợ đầu tư cho sáng tác. Hiện tại, tôi vẫn đi làm kiếm tiền để theo đuổi đam mê. Có rất nhiều ý tưởng mà tôi muốn được chuyên tâm sáng tác”.

Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 cũng nhằm giúp các nhà quản lý nghệ thuật và xã hội có cái nhìn cụ thể hơn về mỹ thuật và nguồn lực mỹ thuật trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó có hướng thúc đẩy thị trường mỹ thuật Việt Nam, thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa. Vì thế, sẽ không chỉ cần đến sự mạnh dạn, trách nhiệm của những nghệ sĩ trẻ trước những vấn đề đương đại. Sẽ cần tiếp tục có sự lắng nghe, cổ vũ tiếng nói của người trẻ, vận động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho nghệ sĩ sáng tạo và công bố tác phẩm từ cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp để góp phần tạo nên sự khởi sắc cho mỹ thuật Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ trẻ mỹ thuật với việc sáng tác hiện nay: Kỳ vọng tạo đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO