Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã xuất hiện nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng có đóng góp xứng đáng cho nền nhiếp ảnh Việt Nam. Trong số đó có một người lặng lẽ, ít ồn ào, đã mang tuổi trẻ cùng đồng hành với những biến động, thăng trầm của Tổ quốc. Bằng ống kính và xúc cảm, anh đã ghi lại những thời khắc lịch sử không thể nào quên trên hành trình chiến đấu chống xâm lược, và mưu cầu hạnh phúc của dân tộc. Đó là NSNA - chiến sĩ Vũ Ba. Ông từng là phóng viên chiến trường của báo Quân đội nhân dân và cũn
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Ba Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Ba tên thật Nguyễn Phú Hạnh, sinh năm 1930 tại Nam Định và mới qua đời (ngày 20/5/2018). Vừa bước vào tuổi thanh niên, Vũ Ba được sống trong khí thế sôi sục của Sài Gòn những ngày Cách mạng tháng Tám (1945). Rồi Nam Bộ kháng chiến, toàn quốc kháng chiến, Vũ Ba có mặt trong hàng quân. Không biết do ngẫu nhiên hay “duyên nợ” mà công việc đầu tiên đến với Vũ Ba lại là cầm máy ảnh, nhưng máy ảnh trong tay anh lúc đó mới chỉ là phương tiện ngụy trang cho nhiệm vụ của một chiến sĩ quân báo nội thành Sài Gòn.
Từ đó anh đã cảm thấy máy ảnh sẽ là người bạn gắn bó đời mình, là phương tiện mê say giúp anh phục vụ Tổ quốc. Anh đã cùng đồng đội trải qua một quá trình hoạt động đầy gian khổ - đó là những năm tuổi trẻ đi kháng chiến ở Nam Bộ. Tập kết ra Bắc năm 1954, anh gắn mình với cuộc sống xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, không ngừng hoạt động, học tập nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp. Anh đã cùng đồng đội lăn lộn khắp các nẻo đường chiến tranh, ghi lại những hình ảnh tư liệu giá trị làm phong phú cho kho tàng nhiếp ảnh Việt Nam.
Máy bay Mỹ rơi giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Vũ Ba
Đến nay, ảnh của anh vẫn được sử dụng và được nhiều người nhắc tới. Trong quá trình công tác, anh luôn có những ý tưởng sáng tạo nghiêm túc, anh coi chiếc máy ảnh như một loại vũ khí sắc bén phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những tác phẩm của anh đều mang tính thời sự nóng bỏng, và tính lịch sử sâu sắc, phản ánh trung thực hiện thực anh hùng của dân tộc, của đất nước.
Vũ Ba là một trong những tay máy chụp ảnh phóng sự có kinh nghiệm, với những tác phẩm truyền cảm sâu sắc. Đầu tiên phải kể đến tác phẩm “Báo động” ra đời trong bối cảnh đế quốc Mỹ chuẩn bị ráo riết chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tiếng cồng giục giã trong ảnh đã báo động cho quân và dân ta cũng như kêu gọi loài người “Hãy cảnh giác !”. Bức ảnh được đăng lớn trên hầu hết các báo trong nước và một số nước trên thế giới. Tiếp đó là bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi…” đập lại luận điệu xảo trá “Mỹ chỉ đánh các mục tiêu quân sự”. Người xem ảnh đau xót trước cảnh tượng đám cháy lớn từ những ngôi nhà của một xóm lao động, trước những giọt nước mắt và bộ mặt đau khổ của trẻ thơ!. Lương tri con người bùng lên sự phẫn nộ. Bằng sự nhạy bén chính trị, lòng dũng cảm và tay nghề vững vàng, tác giả đã tố cáo tội ác dã man của kẻ thù. Bức ảnh không chỉ làm rung động con tim những người đương thời mà còn như một tượng đài cho muôn thuở. Và nó đã được nhận Giải thưởng lớn tại cuộc thi ảnh quốc tế ở Liên Xô (1967) và xứng đáng được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
“Phúc Tân kêu gọi…!” - Ảnh: Vũ Ba, Giải thưởng lớn ảnh báo chí thế giới tại Liên Xô - 1967
Vũ Ba đã tỏ ra rất nhuần nhuyễn trong thể loại ảnh chính luận, ảnh phóng sự. Bức ảnh “Chiến sĩ lái xe” (giải A triển lãm ảnh Quân đội năm 1969) đặc tả người cầm lái nơi tuyến lửa, đầu bị thương, băng gạc còn loang máu, nhưng cặp mắt sáng kiên nghị hướng về phía trước, tay không rời “vô-lăng”, được ghi lại trung thực và cảm động. Ở vào giai đoạn cuộc chiến tranh nhân dân lên đến đỉnh cao, tác phẩm “Vào lửa” chụp các chị em đánh giặc bằng vũ khí đơn giản là chiếc cáng tải thương. Rồi ảnh “Cất cánh” ghi lại khí thế quyết chiến quyết thắng của lực lượng không quân trẻ tuổi anh hùng. Những ảnh phóng sự của Vũ Ba giúp người xem nhận ra vẻ đẹp trong chiến đấu của nhiều tầng lớp xã hội tham gia vào sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Giá trị và sức hấp dẫn lâu bền của những tác phẩm đó chính là ở chỗ đã mô tả sức mạnh tinh thần ý chí gang thép của con người Việt Nam trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất. Đặc biệt trong những ngày “Hà Nội bắt quân thù nộp xác”, Vũ Ba đã ngày đêm “mai phục” tại các trận địa cao xạ chờ đón “cái giây phút hiếm hoi”: Máy bay Mỹ bị bắn cháy và giặc lái nhảy dù. Những tấm ảnh bắt đúng lúc các kiểu rơi, các kiểu cháy của máy bay phản lực hiện đại Mỹ đã làm nức lòng quân và dân Thủ đô, và nhân dân cả nước. Trên mỗi ảnh tác giả đều cố gắng ghi được hình ảnh máy bay cháy giữa bối cảnh phố phường Hà Nội, cầu Long Biên hoặc mũ rơm độc đáo của chiến sĩ cao xạ Việt Nam. Những bối cảnh trung thực đó đã định rõ không gian, thời gian và chủ thể của sự kiện…
Xem ảnh của Vũ Ba mọi người đều nhận thấy rõ điều này. Đó là kết quả của một quá trình lao động nghiêm túc đầy sáng tạo. Trong công tác anh luôn nghĩ đến lớp trẻ kế tiếp sự nghiệp, bởi vậy anh đã dành khá nhiều tâm huyết để dìu dắt những đồng nghiệp trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và trong Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Trong số này có nhiều người đã gặt hái thành công, có cả những học trò của anh được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật như anh.