Về xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội hỏi tên nghệ nhân điêu khắc gỗ Hoàng Văn Kế, hầu như người dân nơi đây đều biết. Là một nghệ nhân tiêu biểu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nắm giữ nhiều bí quyết, kỹ năng chạm khắc những hoa văn tinh xảo trên gỗ, ông đã hoàn thiện nhiều tác phẩm nghệ thuật trên các công trình di tích văn hóa lịch sử mang tầm cỡ quốc gia.
Sinh ra và lớn lên tại nơi có truyền thống điêu khắc trên gỗ, ngay từ thời thơ ấu, cậu bé Hoàng Văn Kế đã làm quen với những tiếng đục đẽo gỗ, những lá vỏ bào từ nghề mộc. Say mê những hoa văn, họa tiết hình rồng bay phượng múa, những bông hoa sen thanh tao được chạm khắc trên gỗ, cậu bé Hoàng Văn Kế luôn khao khát một ngày nào đó có thể thổi hồn nghệ thuật vào những thớ gỗ vô tri. Nỗi khao khát ấy đã thôi thúc cậu rong ruổi từ làng này sang làng khác học nghề mộc để rồi thành nghề lúc bước vào tuổi mười tám đôi mươi.
Chia sẻ về nghề, nghệ nhân Hoàng Văn Kế tâm sự, cuộc đời ông dường như có duyên nợ với những công trình của đạo Phật. Ông được mời tham gia chỉ đạo và thi công rất nhiều công trình đền chùa quy mô lớn tại các chùa ở các huyện Thường Tín, Gia Lâm, Thanh Trì, Hà Nội và tỉnh Hòa Bình như: Tượng A Di đà tại chùa Triều Khúc, huyện Thanh Trì; tượng hai pho Hộ pháp tại chùa Cự Đà xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm; tượng Tam tòa Thánh mẫu tại chùa Đậu thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín; tượng Hộ pháp đứng tại chùa Phật Quang, tỉnh Hòa Bình…
Theo ông Kế, nghề này phải làm từ cái tâm, bởi khi khách hàng mang gỗ đến nhờ chế tác hoặc đặt hàng, mình phải tư vấn nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp, có giá trị mà không mất đi tính tự nhiên của gốc cây, rễ cây. Thường thì khách hàng không hiểu nhiều về chuyên môn nên họ khó có thể chọn dáng hình cụ thể. Mỗi tác phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải sáng tạo, cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ. Mỗi tác phẩm làm ra như chính là đứa con tinh thần của mình vậy.
Cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng khác với nghề thợ mộc - nghề điêu khắc gỗ cần sự khéo léo, óc sáng tạo và “đôi mắt” nghệ thuật nhiều hơn, mỗi tác phẩm điêu khắc ra đời là duy nhất. Tuy có thể cùng kích thước, hình dáng nhưng cái “thần”, cái “hồn” của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt.
Bên cạnh chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, nghệ nhân Hoàng Văn Kế rất chú trọng chữ “Tín” trong sản xuất và kinh doanh. Ông luôn luôn giao hàng đúng hẹn và sẽ từ chối đơn hàng nếu không đảm bảo yêu cầu về tiến độ thời gian của người đặt. Đến nay, ông Kế đã đào tạo, giúp đỡ nhiều thanh niên học nghề điêu khắc gỗ, giảng dạy một số lớp nâng cao tay nghề điêu khắc của xã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, con em hội viên hội phụ nữ xã tham gia. Người nghệ nhân này luôn mong muốn truyền thụ hết tinh hoa cho thế hệ tương lai, để nghề điêu khắc vững vàng tồn tại và ngày càng bay cao, bay xa trên con đường nghệ thuật.