Với khoảng 3 tỷ người dùng, các mạng xã hội là nơi chia sẻ và lan truyền những tin tức giả mạo với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, 88% lượng thông tin liên quan tới dịch Covid-19 trên mạng xã hội là tin sai lệch. Hậu quả của những tin đồn thất thiệt này không chỉ làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch, gây bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dùng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch.
Đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra. Tại Iran, hơn 300 người Iran tử vong, 1.000 người phải nhập viện do ngộ độc rượu khi những người này làm theo "hướng dẫn" trên mạng, rằng uống rượu giúp phòng ngừa Covid-19. Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, hàng trăm “bài thuốc” thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe đã được đưa lên mạng, từ việc dùng cây đinh hương tới uống nước tiểu và phân bò. Tháng trước, Bộ Y tế Pháp phải đăng tuyên bố bác bỏ thông tin “cocaine có thể chữa Covid-19”.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trên không gian mạng đã có hơn 900.000 thông tin liên quan, trong đó rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, kích động về tình hình dịch bệnh.
Mới đây nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng xác định: “Thông tin Liên hợp quốc tôn vinh Việt Nam là nước đầu tiên đẩy lùi Covid-19 là không chính xác”. Động thái trên được đưa ra sau khi một trang mạng xã hội lan truyền tin Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã dành 30 phút để tôn vinh Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ngăn chặn, đẩy lùi được dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi đây là một “đại dịch tin giả” và đưa ra cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả vi rút, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém. Chính những loại tin giả như vậy làm dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn bởi những lời khuyên xấu có thể thay đổi cách hành xử của mọi người”.
Trước thực trạng tin giả phát tán tràn lan trên mạng xã hội, nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn mạnh tay. Đầu tháng 4, thành phố St.Petersburg của Nga khởi tố vụ án hình sự đầu tiên do phát tán thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19. Cuối tháng trước, các nghị sĩ Duma Quốc gia Nga đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép phạt nặng những đối tượng truyền bá các thông tin sai lệch về dịch bệnh. Theo đó, những cá nhân phát tán thông tin giả mạo sẽ bị phạt tiền lên tới 25.000 USD và có thể phải nhận án tù tới 5 năm. Các phương tiện truyền thông đưa tin sai lệch về dịch Covid-19 sẽ bị phạt tới 127.000 USD.
Trong “cuộc chiến” này không thể thiếu sự tham gia của các “gã khổng lồ” công nghệ thông tin. Facebook, Google, LinkedIn, Microsoft, Reddit, Twitter và Youtube đã đưa ra thông báo chung, cam kết chống thông tin giả mạo. Theo đó, Facebook, Youtube, Twitter đang phối hợp chặt chẽ với WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) để truy cứu nguồn gốc, kiểm chứng và loại bỏ thông tin giả mạo ngay khi phát hiện.
Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi cuộc chiến với tin giả cũng không kém phần gian nan và khốc liệt. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ các nước, các hãng công nghệ... và quan trọng nhất là ý thức của người dân. Hãy thực sự là những cư dân mạng tỉnh táo và có trách nhiệm, với chính bản thân và cộng đồng.