Từ thời tôi còn học phổ thông thi thoảng phải nghe một vài thầy và thậm chí có cả cô giáo nói về "bổn phận" của người phụ nữ với những tam tòng tứ đức và còn rất nhiều thước đo vô hình khác treo trước phẩm hạnh của họ. Tôi mở cờ trong bụng vì mình được là thằng đàn ông tự do. Lớn lên vào đại học tôi được học kỹ hơn về hai từ "phụ nữ" đúng theo cả nghĩa đen của chiết tự con chữ này. Nhưng kỹ thực tôi vẫn không sao hiểu nổi ở cái thời xa xưa ấy các cụ bên nước Tàu xa xôi lại nỡ ghép hết thảy những bộ (trong c
Một lần lên cơ quan sớm, mấy đồng nghiệp ngồi phiếm đàm về phụ nữ. Người thì bảo trong cuộc đời này phụ nữ mãi là… phụ bếp, phụ giặt đồ, phụ giúp con cái… Tôi thảng thốt, hóa ra phụ nữ họ là …ô - sin. Chưa hết, người khác chen vào phụ hoạ, ở nước Mỹ văn minh, trong đồng tiền của họ không bao giờ có hình ảnh phụ nữ. Tôi thêm bất ngờ bởi như vậy chỉ có đàn ông là được sở hữu vật chất ư? Vẫn biết chỉ là dăm ba câu chuyện bông đùa cho vui nhưng nghĩ kỹ đó chính là suy nghĩ căn thâm cố đế trong nhiều người đàn ông. Thật buồn, trong thế kỷ văn minh này mà nhiều người đàn ông vẫn suy nghĩ thế và tội nghiệp cho phụ nữ hơn khi những tư duy ấy lại nằm "chủ chốt" ở những người đàn ông có vị trí… chủ chốt hẳn hoi.
Trong thơ ca ngày trước, ta đã bắt gặp một Hồ Xuân Hương phải chung sống trong xã hội phong kiến mà ở đó người phụ nữ bị khinh rẻ, coi thường thì bà đã đĩnh đạc bĩu môi mà rằng:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
Và ta còn thấy một nàng Kiều đầy mãnh liệt, phá cách quy luật của lẽ thường tình mà "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" để được yêu thương trong kiệt tác cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du. Còn ở thời hiện đại này, tôi cảm thấy vui vì hình ảnh phụ nữ trong thơ ca đã là sự bình đẳng tuyệt đối, đôi khi trong mắt họ đàn ông cũng chỉ là sự tẻ nhạt:
những cuộc tình phù du
những người đàn ông tẻ nhạt
họ đã cho ta đầy ngăn
kỷ niệm u buồn
họ đã cho ta đầy tay những
niềm vui không trọn vẹn
lúc đó ta là đàn bà với
đam mê rất thực
và ta gọi là: hạnh phúc
(Những giấc mơ pha lê – Đặng Thị Thanh Hương)
Và thật hạnh phúc vì đã có không biết bao nhiêu vần thơ nâng niu, trân trọng, biết ơn với người phụ nữ - những người mẹ, người vợ, người chị đáng kính đến nhường nào.
Tôi còn nhớ hay đã quên
Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ
Nhuộm tôi hồng những câu thơ
Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trời
Trở về với mẹ ta thôi
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
(Trở về với mẹ ta thôi - Đồng Đức Bốn)
Mái nhà em chỉ giản dị thế thôi
mà giông gió bão bùng em che hết cả
cả anh nữa, dẫu hoang sơ đến vậy
khi trở về lặng lẽ gã chồng ngoan...
(Vợ - Văn Công Hùng)
Trong thơ ca là vậy nhưng bước ra trong cuộc đời trần trụi này chỉ hai chữ “đàn bà” đã thấy biết bao nỗi truân chuyên tạo hoá trút lên thân phận họ. Sự chịu đựng nỗi đau nhân thế dằng dặc một kiếp người gánh trên đôi vai bé nhỏ đầy những lo toan bầm dập. Đàn bà hiền dịu, đàn bà nhẫn nhục, đàn bà đa đoan, đàn bà mạnh mẽ, đàn bà kiêu sa, đàn bà cam phận, đàn bà nổi loạn, đàn bà hãnh tiến… Hầu hết họ tự bằng lòng, cũng có những người dám vượt qua khuôn phép vô hình, và cũng rất nhiều người không qua khỏi mối ràng buộc tổ tông truyền kiếp…
Trở lại câu chuyện ban đầu ở cơ quan tôi, cánh mày râu lý giải thế và phá lên cười hớn hở. Tôi ngầm đoán trong những nụ cười ấy có sự đắc thắng, đắc ý lắm. Tôi chợt thấy buồn bởi đến tầng lớp tri thức còn nghĩ vậy huống hồ… Và hóa ra chỉ mình tôi đơn điệu trong tiếng cười đó vì tôi mải mê ngắm nhìn những người đàn bà bình đẳng, thông minh… trong thơ. Trong từng giờ lên lớp tôi đã cố tình không nhắc mấy cái cụm từ bổn phận, trách nhiệm và nhiều cảnh huống vây bủa mặc sức tung hoành qua miệng lưỡi thế gian về bao sự ràng buộc người phụ nữ - những bông hoa đẹp, trước các cô cậu học trò. Bởi tôi nghĩ đàn ông và đàn bà có khác gì mấy đâu, có chăng là ở cơ bắp dáng hình thân thể, cái có thể ngắm nhìn, còn tâm hồn, bổn phận, trách nhiệm với gia đình, xã hội phải là sự bình đẳng tuyệt đối. Đã đến lúc đàn ông chúng ta phải nghĩ một cách vô điều kiện như thế.