Những năm qua, khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, số lượng du khách đến với thắng cảnh Hương Sơn ngày một đông. Có được những kết quả đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường du lịch tại khu di tích, ngành du lịch Hà Nội đã và đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại đây…
Tuyến Tuyết Sơn hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho du khách mỗi dịp thăm quan Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Thực hiện Kế hoạch khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội, vừa qua Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức, đại diện Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Hà Nội cùng các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành tổ chức đoàn khảo sát thực tế trên tuyến Tuyết Sơn (gồm chùa Bảo Đài, động Tuyết Sơn), thuộc quần thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn và tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại huyện Mỹ Đức”.
Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hương Sơn và Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) là một trong 6 trọng điểm du lịch của Hà Nội. Tuy nhiên, lượng du khách đến với quần thể khu thắng cảnh Hương Sơn chỉ tập trung trong 3 tháng âm lịch đầu năm. Sau mùa lễ hội, 9 tháng còn lại khách du lịch đến nơi rất hạn chế…
“Hương Sơn (chùa Hương) là một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Với tài nguyên thiên nhiên ban tặng, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cần phải phát triển hơn nữa, phong phú với các sản phẩm du lịch vừa gắn với di tích lịch sử tâm linh vừa gắn với các lễ hội truyền thống và các làng nghề trên địa bàn huyện Mỹ Đức…” - ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.
Về tuyến Tuyết Sơn, theo ông Nguyễn Bá Hiển - Phó Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, để thu hút khách du lịch đến tuyến Tuyết Sơn, cũng cần đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, hệ thống hàng quán đồng bộ, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, tăng cường thêm lực lượng giới thiệu du lịch cho du khách…
Đánh thức tiềm năng du lịch
Dẫn chúng tôi đi thăm quan, anh Nguyễn Tuấn Anh - Tổ hướng dẫn tuyên truyền Ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thông tin, động Tuyết Sơn nơi đây xưa kia là một vùng hoang vắng. Đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hoà thứ 15 (1694) bà quận chúa Hoàng Thị Ngọc Hương về dựng chùa Bảo Đài mở động Tuyết Sơn làm nơi thờ Phật. Từ đó, chùa Bảo Đài được xây dựng theo kiến trúc cổ Việt Nam đời Lê - Trịnh. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa đã được tu sửa lại nhiều lần. Đến nay, hình dáng chùa được làm theo kiến trúc nhà Nguyễn.
Anh Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty du lịch Nụ cười mới nhận định, tuyến Tuyết Sơn (chùa Bảo Đài, động Tuyết Sơn) cũng là một điểm nhấn du lịch cần được “đánh thức” tiềm năng giá trị du lịch. Trong cùng một hành trình về chùa Hương, các đơn vị lữ hành có thể khai thác thêm tuyến Tuyết Sơn và Long Vân. “Giá trị chùa Hương không thể khai thác trong vòng 3 tháng hết được mà phải khai thác cả năm. Có thể khai thác vào các tháng 9, 10 đó là mùa hoa súng, hay tháng 3 mùa hoa gạo nở rộ… Vì vậy, các đơn vị lữ hành hoàn toàn có thể đánh giá tổ chức cho du khách đến với Mỹ Đức nhiều hơn…” - Anh Cường nói.
Tại buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại huyện Mỹ Đức”, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm hạn chế phát triển du lịch huyện Mỹ Đức trong đó điểm nhấn khu di tích thắng cảnh Hương Sơn như: cần sớm khắc phục ở tuyến du lịch Tuyết Sơn gồm: Hạ tầng giao thông hạn chế, đò vận chuyển khách còn biểu hiện mất an toàn khi chưa được trang bị áo phao; lái đò đòi tiền típ; thiếu hướng dẫn viên du lịch tại điểm; biển chỉ dẫn chưa đồng bộ; hàng quán hai bên đường lụp xụp và còn nhiều rác thải vứt bừa bãi; công tác quảng bá, xúc tiến chưa được quan tâm đúng mức; nhiều điểm không có sóng di động, internet…
Trước những vấn đề đặt ra, để nâng cao chất lượng tuyến Tuyết Sơn nói riêng, quần thể khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn nói chung, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đề nghị huyện Mỹ Đức, Ban quản lý khu di thích thắng cảnh Hương Sơn cần nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách để xây dựng sản phẩm du lịch; xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn đồng bộ trên các tuyến du lịch; xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng; tổ chức bộ phận hướng dẫn viên tại điểm để thực hiện tốt không chỉ trong 3 tháng mà cả 9 tháng sau lễ hội; đồng thời phải quản lý tốt đội ngũ lái đò vận chuyển khách, đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức thường xuyên cho người lái đò; chủ động đẩy mạnh liên kết hợp tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch; đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho tất cả du khách,…
Ông Trịnh Xuân Tùng - Trưởng phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn, các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp cùng Sở Du lịch Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức xây dựng những sản phẩm mới, đa dạng hóa, khác với sản phẩm du lịch truyền thống không chỉ là những sản phẩm phục vụ du khách mùa du lịch, lễ hội. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục giới thiệu các điểm đến du lịch tới các đơn vị lữ hành để các doanh nghiệp có thêm đánh giá nhìn nhận giá trị du lịch và căn cứ vào các nhu cầu thị hiếu của khách để xây dựng các chương trình du lịch phù hợp, đưa ngành du lịch Thủ đô ngày càng phát triển.