Gắn kết sản phẩm du lịch
Thực hiện Kế hoạch khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại các quận, huyện thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội, vừa qua Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, đại diện Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Hà Nội cùng các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành tổ chức đoàn khảo sát thực tế các điểm đến du lịch tại huyện Sóc Sơn. Đoàn đã đi khảo sát các điểm đến như: Cụm di tích đền Sóc, Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, Khu du lịch sinh thái Văn Lang, Học viện Phật giáo Việt Nam… và tọa đàm “Thực trạng và giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại huyện Sóc Sơn”.
Ông Trịnh Xuân Tùng - Trưởng phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.
Ông Lê Mạnh Thắng - Phó trưởng Phòng văn hóa, thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, cách trung tâm TP. Hà Nội 30km về phía Bắc, Sóc Sơn là huyện có điều kiện giao thông thuận lợi: có sân bay quốc tế Nội Bài, nhiều trục đường giao thông quan trọng đi qua. Sự đa dạng về địa hình với núi, đồi, hồ, rừng… đã tạo cho Sóc Sơn có cảnh quan thiên nhiên phong phú, sơn thủy hữu tình. Trong đó, nổi bật là lễ hội Gióng đền Sóc đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2010. Mới đây năm 2014, di tích đền Sóc được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.
“Di tích đền Sóc thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, nơi gắn liền với truyền thuyết về người anh hùng dân tộc Thánh Gióng có công bảo vệ giang sơn, bờ cõi từ thủơ bình minh giữ nước của người Việt. Không gian thờ tự ở đây bao gồm: đền Trình (thờ Quan thần linh núi Sóc), đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng (thờ Đức thánh Phù Đổng Thiên Vương, được suy tôn là Đệ nhị Bất tử trong tâm thức dân gian). Được xây dựng cách đây hơn 100 năm, dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng đến nay khu di tích đền Sóc vẫn giữ được những giá trị lịch sử văn hóa quý giá như kiến trúc, hiện vật, cảnh quan…” - Phó trưởng Phòng văn hóa, thông tin huyện Sóc Sơn Lê Mạnh Thắng thông tin.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Xuân Tùng - Trưởng phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, Sóc Sơn là mảnh đất lắng đọng nhiều trầm tích văn hóa với những di tích lịch sử cổ kính, linh thiêng và những lễ hội dân gian đặc sắc được coi là bảo tàng sống của những phong tục tập quán từ ngàn đời, trong đó nổi bật là quần thể Khu di tích đền Sóc bao gồm các đền, chùa Đại Bi, tượng đài Thánh Gióng, chùa Non… Đặc biệt, Lễ hội Gióng đền Sóc đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại 2010 và di tích đền Sóc được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014. Đây là những điểm nhấn quan trọng, tạo đà cho phát triển du lịch địa phương. Bên cạnh đó là các “vệ tinh” từ những khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách tham quan, khám phá như: núi Hàm Lợn, hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quang, khu du lịch sinh thái Bản Rõm, khu du lịch sinh thái Thiên Phú Lâm, việt phủ Thành Chương, sân golf Hà Nội…
“Với tài nguyên thiên nhiên ban tặng như vậy, Sóc Sơn cần được phát triển hơn nữa một loại hình du lịch đặc biệt của Hà Nội, phong phú với các sản phẩm du lịch vừa gắn với di tích lịch sử tâm linh vừa gắn với các lễ hội truyền thống và cả du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh nâng cao chất lượng du lịch tâm linh - là sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương, Sóc Sơn còn rất chú trọng khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch trải nghiệm trong mối liên kết quận, huyện và các tỉnh thành lân cận để Sóc Sơn sớm trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, xứng tầm là “không gian du lịch của Thủ đô” theo quy hoạch phát triển của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030...”, ông Tùng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Sóc Sơn đã và đang là một trong những điểm đến hấp dẫn được du khách chọn lựa cho những chuyến du lịch cùng gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, để khai thác tốt thị trường nội địa cũng như mở rộng thêm thị trường khách quốc tế, cũng là bài toán khó mà các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội chưa khai thác hết được.
Cụm di tích đền Sóc là điểm đến hấp dẫn du khách với tính lịch sử cổ kính, linh thiêng
Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại huyện Sóc Sơn”, nhiều đơn vị doanh nghiệp lữ hành nhận định, các điểm đến du lịch tại Sóc Sơn cơ bản đã đáp ứng được các nhu cầu cần thiết để đón và phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch khá đa dạng với du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng... Trong đó, điều đáng trân quý là hệ sinh thái nơi đây vẫn còn được bảo tồn, giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, vì công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được quan tâm đúng mức nên lượng khách đến với Sóc Sơn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Qua khảo sát thực tế, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty du lịch Nụ cười mới cho rằng, do nhu cầu của khách du lịch ngày càng đa dạng và cuộc cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách tại các điểm du lịch nên việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và phát triển các sản phẩm mới nhất là du lịch sinh thái đang là một xu hướng.
“Sóc Sơn là điểm đến lý tưởng không chỉ du khách nội địa mà hấp dẫn du khách quốc tế. Bởi nơi đây có vị trí giao thông thuận tiện, cùng với đó là khu di tích lịch sử cổ kính, linh thiêng đền Sóc, cảnh quan thiên nhiên đẹp từ các khu sinh thái, nghỉ dưỡng tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng có thể bán sản phẩm du lịch ngay cho khách. Bên cạnh đó, nhà quản lý văn hóa, du lịch Sóc Sơn cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm du lịch nơi đây để du khách tiếp cận và tìm đến…” - ông Cường nhận định.
Anh Phạm Sơn Hải (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) cho biết, đây không phải lần đầu tiên anh cùng gia đình đến thăm di tích tượng đài Thánh Gióng. “Đến với tượng đài Thánh Gióng – cụm di tích đền Sóc để bày tỏ sự tưởng nhớ đối với công lao của các bậc tiền bối, nhất là thế hệ trẻ hôm nay…”- anh Hải nói.
Chị Nguyễn Thị Kim Khanh - Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur) đánh giá cao sự hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch của Sóc Sơn. Trong đó, nhấn mạnh đến việc kết hợp hoạt động du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Bởi khu di tích đền Sóc cùng các địa điểm du lịch sinh thái không cách xa nhau nhiều.
“Chùa Non, tượng đài Thánh Gióng, các đền trong quần thể di tích đền Sóc… khách đến được chiêm ngưỡng, tham quan để tịnh tâm, tưởng nhớ về đạo lý, nghĩa tình, để cầu chúc cho gia đình, người thân được an lành, hạnh phúc. Đồng thời, kết hợp với đi du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giúp cho du khách vui vẻ, tâm hồn thư thái. Tuy nhiên, Sóc Sơn cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để quảng bá thu hút khách du lịch…”, chị Khanh chia sẻ.
Để góp phần nâng cao chất lượng các điểm du lịch Sóc Sơn, ông Trịnh Xuân Tùng - Trưởng phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, huyện Sóc Sơn cần quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá, xúc tiến; xây dựng hệ thống biển báo, chỉ dẫn, bảng thông tin đồng bộ; tiếp tục cải thiện cảnh quan, môi trường, sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường; đồng thời, tạo cơ chế thuận lợi nhưng cũng phải quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện trong việc kinh doanh dưới tán rừng...
Theo ông Tùng, trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục giới thiệu các điểm đến du lịch tới các đơn vị lữ hành để các doanh nghiệp có thêm đánh giá nhìn nhận giá trị du lịch và căn cứ vào các nhu cầu thị hiếu của khách xây dựng các chương trình du lịch phù hợp, sản phẩm du lịch mới đa dạng, đưa ngành du lịch Thủ đô ngày càng phát triển.