Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” ; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Chương trình số 06/CTr-TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội. Trong đó, Thành phố đặt ra nhiệm vụ tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị của từng người dân, từng khu phố, cụm dân cư, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nét thanh lịch của người Hà Nội, tạo lập thói quen, hình thành nếp sống văn minh, lối sống văn hóa phù hợp với thế giới hiện đại.
Triển khai kế hoạch về nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025, các phường, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đang vào cuộc triển khai nhằm góp phần đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.
Đặc biệt để nâng cao chất lượng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh, đô thị, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, trong thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua, trong đó có xây dựng văn minh đô thị từ chính cơ sở.
Kể từ khi UBND Thành phố ban hành kế hoạch, tính đến nay, sau chưa đầy 1 năm triển khai, nhiều địa phương "kêu khó" trong triển khai các tiêu chí. Bởi phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị có tới 9 tiêu chí lớn bao quát nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá, đó là các tiêu chí về: Quy hoạch đô thị; Giao thông đô thị; Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; An ninh, trật tự đô thị; Thông tin, truyền thông đô thị; Văn hóa, thể thao đô thị; Y tế, giáo dục đô thị; Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị… Với một số phường, khó nhất vẫn là tiêu chí văn hoá, thể thao, như các tiêu chí như: 90% tổ dân phố thuộc phường; 80% tổ dân phố thuộc thị trấn có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, hoạt động thường xuyên, hiệu quả; hoặc Nhà văn hóa có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, được quản lý sử dụng đúng mục đích.
Tuy nhiên, tựu trung lại, bộ mặt văn minh đô thị trên các địa bàn của Thành phố đã có sự thay đổi rõ nét. Nhiều phường, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và tiếp tục có nhiều đổi mới cho việc xây dựng phường, phị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch nâng cao chất lượng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn, tuỳ vào nguồn lực của địa phương mà mỗi quận, huyện có những thành thức triển khai tương ứng khác nhau. Quận Thanh Xuân tổ chức các phong trào bảo vệ môi trường, nhất là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, chống rác thải nhựa; mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên, tiêu dùng xanh và thân thiện môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng gia đình văn hóa, qua đó gắn kết cộng đồng dân cư trong việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Khác với quận Thanh Xuân, quận Đống Đa đang tập trung nâng cấp, cải tạo 109 vườn hoa, sân chơi, 157 nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, quận hướng dẫn các phường quy hoạch đất, dành mặt bằng để xây dựng mới khu vui chơi, điểm sinh hoạt công cộng. Sáng tạo của quận Tây Hồ là phấn đưa ra mô hình "Phường văn hoá" trong thực hiện các phong trào văn hoá, xây dựng đô thị văn minh. Phường đạt danh hiệu văn hóa phải có ít nhất 85% số hộ, 75% số tổ dân phố văn hóa; không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình; không có tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm; người dân sống và ứng xử văn minh, thanh lịch; không chửi bậy, đánh nhau say rượu, bia gây mất trật tự công cộng…
Nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị nhằm tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, hiện đại, xây dựng nếp sống văn minh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.