Nhiều năm trôi qua, trà là thứ uống hàng ngày của tôi và trà mạn cũng không còn là bí ẩn như hồi còn bé lúc nghe ông nội giảng giải về một địa danh có thứ trà không những ngon mà còn quý hiếm nữa. Nhưng dù đã biết, đã được thưởng thức trà mạn lắng ngọt sau cái chát nhẹ nơi cuống họng tôi vẫn thấy ham muốn thôi thúc được một lần đến nơi những cây chè hàng trăm năm tuổi mọc trên những sườn núi cao chót vót; mong một lần được ngồi bên bếp lửa bập bùng nghe cái lạnh của núi rừng thấm qua vách gỗ sau lưng mà bưn
Từ Hà Nội vượt qua hơn 200km chúng tôi đến Bắc Yên khi trời đã tối mịt. Anh Phạm Vũ Khánh đưa chúng tôi vào nghỉ tại nhà anh Thịnh - Phó chủ tịch huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La nằm ngay chân núi. Anh bảo, từ đây lên bản chỉ 14km nhưng đường khó đi, để sáng mai lên sớm cho an toàn.
Thật thú vị khi được chạm tay vào cây chè cổ thụ, bứt những đọt lá non, hái những quả trà xanh tròn…
Sáng hôm sau khi phố huyện còn chìm trong sương sớm chúng tôi đã lên đường tiếp tục hành trình lên Tà Xùa. Tôi hạ cửa kính xe vươn đầu ra hít thở, mùi ngai ngái của cây rừng trong sương sớm. Đập vào mắt tôi là núi rừng hùng vĩ, xa xa màu xanh bàng bạc của cây cối lẫn trong sương mờ.
Vào bản, chúng tôi thấy những cây chè đầu tiên, thân cây mốc trắng lốm đốm từng mảng sù sì. Rêu từ cành cây mọc dài rũ xuống khiến cảm giác như một khu rừng nguyên sinh đang hiện ra trước mặt. Thế là cuối cùng tôi cũng thỏa ước nguyện được chạm tay vào cây chè cổ thụ, bứt những đọt lá non, hái những quả trà xanh tròn, ngắm những bông hoa trà trắng muốt cánh hoa khum khum ôm lấy những nhụy vàng bé xíu tỏa ra một mùi hương ngào ngạt. Chúng tôi đi từ cụm rừng này sang cụm rừng khác, đâu đâu cũng là những cây trà mốc trắng cành lá sum suê.
Mặt trời đứng bóng, ánh nắng nhẹ không chói chang như ở nhà nhưng cũng đủ để mây loãng ra, không gian núi rừng như bừng sức sống dù bây giờ mới chỉ cuối thu. Đã thấm mệt, chúng tôi theo chân vợ chồng anh Khánh nghỉ ăn cơm ở nhà một người dân trong bản. Câu chuyện xung quanh mâm cơm thật rôm rả, ai nấy đều vui vì được đến một vùng nguyên liệu quý của thứ trà Shan đặc sản núi rừng Tây Bắc.
Những chén rượu được rót tiếp ra sau mỗi cái bắt tay, một phong tục của người H’Mông là bắt tay sau khi uống hết một chén với người nào đó. Dân tộc H’Mông hay còn gọi là người Mèo sinh sống rải rác từ độ cao 1000m trở lên xung quanh ngọn núi. Phong tục tập quán gần như không đổi khác mấy so với ngày xưa, đôi khi khiến cho người dưới xuôi không khỏi ngỡ ngàng.
Ví như chúng tôi sau khi được thưởng thức món khoai Mèo liền có ý định mua về làm quà cho bạn bè, nhưng khi ngỏ ý thì thấy họ tỏ vẻ ngần ngại. Đem thắc mắc hỏi anh Thịnh, anh cười và giải thích: Người H’Mông họ không thích bán khi nhà còn tiền, chỉ khi hết tiền họ mới mang đặc sản đi bán thôi. Sau đó anh Thịnh phải gọi điện sắp xếp chúng tôi mới mua được mấy cân khoai về làm quà. Đàn bà con gái H’Mông vẫn ăn vận váy áo truyền thống, chỉ nam giới mới mặc đồ dưới xuôi mà thôi.
Dọc đường đi men theo rừng trà cổ, chị Thắm - Tổng giám đốc Công ty Chè và đặc sản Tây Bắc có nói với chúng tôi, công ty chuẩn bị ra mắt sản phẩm rượu Hang Chú, thứ rượu được nấu từ mầm thóc ủ men lá có hương vị vô cùng đặc biệt, nhất là sau khi uống không bao giờ bị đau đầu. Tôi hỏi chị về địa danh Hang Chú và được chị giải thích "Chú" là con hổ. Chị bảo xưa Hang Chú nhiều hổ lắm, đêm đêm tiếng hổ "ườm" vang vọng núi rừng, sẩm tối là không ai dám ra khỏi nhà, giờ chắc không còn nữa.
Theo chân chị Thắm, đoàn chúng tôi lên xe ngược tiếp gần 50km đường núi thì đến trung tâm xã Hang Chú. Dừng chân ở ủy ban, chúng tôi được Chủ tịch xã Mùa Páo Tủa và Bí thư H.A.Dúa tiếp đón. Các anh kể cho chúng tôi nghe về đời sống của bà con còn rất nhiều vất vả, đường xá tuy được Nhà nước hỗ trợ mở nhiều đường nhưng vẫn chưa đủ thuận tiện để bà con đi lại. Tỉnh, huyện và các doanh nghiệp đang bắt tay xây dựng những đề án xóa đói giảm nghèo, nhất là đưa những đặc sản của vùng lên làm thế mạnh làm tiền đề tổ chức cho du lịch và các mặt khác của huyện được lớn mạnh. Rượu Hang Chú, chè Shan Tuyết Tà Xùa và táo mèo nữa sẽ được các công ty chế biến rồi phân phối rộng khắp thị trường trong và ngoài nước, để khắp nơi biết đến một vùng rừng núi còn hoang sơ nhưng đầy tiềm năng.
Ánh chiều đã xế, chúng tôi ghé thăm gia đình bác Giàng Qua Nếnh, người đã có kinh nghiệm nấu rượu hàng chục năm. Bác đưa chúng tôi thăm quan quy trình chưng cất rượu, cho chúng tôi xem thóc đang được ủ men thế nào, và nói về bí quyết nấu rượu của người H’Mông. Nồi chưng cất rượu tỏa khói nghi ngút, mùi thơm của rượu mới thơm lừng bay lan khắp căn nhà.
Bác Giàng Qua Nếnh mời chúng tôi những chén rượu mới chảy ra từ ống tre nhỏ nối từ nồi chưng. Bác bảo: “Rượu mầm thóc Hang Chú nấu bằng “Mó” nước ngọt nhất vùng đấy, thứ nước trong “Mó” này uống vào tốt cho sức khỏe lắm đấy, bà con ở đây bao đời dùng nước trong "Mó" chẳng bao giờ bệnh tật gì, các chú cứ uống thử xem”.
Thứ rượu nước một lên đến 80 độ khiến chúng tôi nhăn mặt cảm giác bỏng rát lưỡi, nhưng khi trôi qua cổ liền thấy người ấm sực chứ không thấy sốc như những thứ rượu nặng khác. Bác chủ nhà cười ha hả nói, cứ uống đi, đàn bà con gái ở đây uống vui cũng được chục bát đấy, đây là thứ rượu ngày xưa A Mỵ uống hết bát này đến bát khác trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" đấy. Nghe tới đây chúng tôi chợt nhớ đến những nhân vật A Phủ, A Mỵ, A Châu, thống lý Pá Tra của nhà văn Tô Hoài.
Cũng biết nhà văn dùng những nguyên mẫu có thật để đưa vào những trang viết hồi bé chúng tôi được học nhưng được cầm chén rượu giống như chén rượu xưa Mỵ từng uống lòng chợt thấy bồi hồi. Hỏi thêm bác chủ nhà về chuyện xưa, bác nói: lúc nãy qua xã các chú gặp Chủ tịch Mùa Páo Tủa chính là cháu gọi Mùa Chống Lầu là ông nội đấy. Mùa Chống Lầu là tên thật của thống lý Pá Tra đó.
Tôi ngơ ngác hỏi thêm ông, thế thống lý Pá Tra ác thế mà giờ cháu lại được bầu làm chủ tịch xã là làm sao. Ông trầm ngâm hồi lâu rồi nói thật ra thống lý Pá Tra không ác như vậy đâu, câu chuyện xưa cũng không hẳn như thế đâu. Một Hang Chú, Hồng Ngài xưa dần hiện ra theo lời kể của bác chủ nhà...
Mặt trời đã xuống thấp, đường núi thì hiểm trở. Chúng tôi chia tay bác Giàng Qua Nếnh, chia tay bà con trong ánh tà dương tĩnh mịch núi rừng Tây Bắc. Đỉnh Tà Xùa đã bị mây bao phủ không còn trong tầm mắt, tiếng anh Khánh thì thầm những trăn trở, cố làm sao để đưa được những đặc sản của vùng ra thị trường cho bà con thêm việc làm, thêm thu nhập, cuộc sống sẽ khá hơn chứ nhìn bọn trẻ con thấy buồn quá.
Xe xuống Bắc Yên thẳng hướng về Hà Nội, chúng tôi thiếp đi vì một ngày dài vất vả đường xa nhưng một phần nào đó trong lòng chúng tôi như vẫn đang ở lại núi cao. Chúng tôi sẽ nói về những cây chè cổ thụ mốc meo năm tháng, sẽ kể về rừng táo mèo với cô giáo trẻ dưới xuôi mang con chữ đến cho trẻ con bản núi, sẽ tâm sự với bạn rượu Hang Chú vẫn vẹn nguyên hương vị như bát rượu Mỵ uống năm nào.