Từ một cách nhìn như thế, tôi nhận ra tác giả đã kể cho chúng ta những trải nghiệm sâu kín nhất của anh. Đó là đêm chuẩn bị vượt Đường 9, ở chung hầm với Nguyễn Quốc Cự, người bạn đồng hành, đi suốt ngày đến trạm nghỉ dù mệt đến mấy cũng cất công chọn cây làm một chiếc giá để ba lô thật đẹp. (Nhật ký, 3/5/1971). Đó là việc được Vũ Tiến Ngọc, người bạn đồng hương khi thấy tác giả mặc chiếc quần thùng thình quá cỡ liền đem cho chiếc quần mới, tinh tươm, còn nguyên nếp gấp (Nhật ký, 29/10/1971). Đó là sự phản ứng trước thói nói tục, "Mấy hôm nay, tiêm mông đau tê buốt, đi không vững nữa. Trong lán toàn người cùng cảnh. Ngồi ôm gối thu lu, nhìn trời, tán chuyện gẫu. Ở đây người nào cũng nói tục, không biết bệnh nói bậy như vậy đến khi nào mời chấm dứt. Phải chăng nói tục cũng là hậu quả của chiến tranh?". (Nhật ký, 6/6/1971). Cảm nhận sau một trận B.52 thả bom sát cửa hầm "xưa kia chưa bao giờ ta nghe những lời trầm hùng dữ dội nơi chiến trường đến thế".
Chỉ một chi tiết nhỏ về đàn kiến khát nước cũng giúp ta hình dung cái khắc nghiệt của mùa khô nơi căn cứ Trung ương Cục (R): "Mọi sinh vật mùa này đều thiếu nước. Bây giờ tôi mới hiểu được nguyên do của bầy kiến bám đầy vào khăn sau mỗi lần rửa mặt. Chúng uống nước. Có lần vô ý, tôi chà chiếc khăn đầy kiến lên mặt, kiến chết nhiều, mùi hắc sực vào mũi, khó chịu". Biết bao thử thách ở chiến trường giúp anh đi đến một thu hoạch thấm thía: "Hoàn cảnh sẽ dạy cho con người nhiều hơn là con người điều khiển nó". (Nhật ký, 12/1/1972).
Dấn thân là thực hành một lẽ sống. Không ở đâu người ta trưởng thành nhanh và đào thải cũng nhanh, dứt khoát như ở chiến trường. Những trang nhật ký "Nơi ấy là chiến trường" cho thấy một cuộc chuẩn bị ráo riết, triệt để của tác giả để thực thi lẽ sống mà anh đã theo đuổi. Mệt mỏi, đau ốm, bom đạn nhưng anh luôn luôn tự vượt, tự thắng chính bản thân mình, tranh thủ mọi điều kiện để học hỏi, hiểu biết và tích lũy vốn sống. Đó là việc ghi lại một bài ca dao mà lính ta thích thú đọc cho nhau nghe trong bệnh xá. Đó là việc đọc và ghi chép rất tỉ mỉ những kiến thức về hội họa từ một cuốn sổ tay của người bạn họa sĩ. Đó còn là dày đặc các tư liệu vùng ven, về Sài Gòn, về tình hình bố trí lực lượng của địch, về thực trạng văn hóa nô dịch trong các thành thị tạm chiếm. Anh ghi chép tỉ mỉ tên tuổi, số lính, chức vụ, quê quán của 17 hàng binh. Vào giai đoạn cuối của chiến tranh anh ghi rất cụ thể các số liệu từng giờ bay, từng quả pháo mà địch quy định cho từng trận càn, từ cấp sư đoàn đến cấp đại đội. Đó là những con số biết nói phơi trần sự sa sút thảm hại của quân ngụy khi không còn quan thầy Mỹ hà hơi tiếp sức. Những trang ghi chép tưởng như khô khan lại nói với ta rất nhiều. Nhờ có một sự chuẩn bị nghiêm túc như thế, nên khi bắt tay vào việc, ta thấy rõ cái chuẩn xác của một cán bộ nghiên cứu văn hóa được đào tạo cơ bản. Đó là việc anh nhận xét rất thuyết phục khi đọc và biên tập tập thơ của nhà thơ Nguyễn Bá. Có lẽ đó là lần trả bài đầu tiên khi anh chính thức bắt tay vào công việc với tư cách một cán bộ biên tập, nghiên cứu, tham mưu về công tác tư tưởng, văn hóa cho Trung ương Cục.
Nếu như phần Vượt Trường Sơn và Ở R cho ta thấy rõ đời sống nội tâm phong phú của tác giả, thì ở các phần sau với các chuyến thâm nhập thực tế dài ngày ở Bù Đốp- Lộc Ninh, Tây Ninh, về vùng ven Đồng Tháp Mười, Mỹ Tho… người đọc được chứng kiến cuộc chiến tranh nhân dân đan chéo dằng dịt giữa địch và ta trong tư thế hằng ngày giáp mặt. Tác giả với cương vị là cán bộ tuyên huấn về bám dân, bám địa bàn, ba cùng với nhân dân, đem niềm tin đến cho nhân dân, giúp dân trụ lại trong cuộc đấu tranh vừa hợp pháp, công khai vừa bí mật, đan xen giữa những cán bộ cơ sở, những người nông dân Nam Bộ, những em bé, những cụ già, những chị những em trong đội quân tóc dài vô cùng thông minh và quả cảm, tất cả hết lòng xả thân vì cách mạng. Đó là anh Cừ, trạm phó một binh trạm ở cửa ngõ miền Đông, bao năm xa nhà, đã viết 146 lá thư gửi về nhà mà không hề nhận một chữ hồi âm nhưng vẫn cứ viết tiếp. Anh kể: "Những ngày đi chiến đấu bị thương, lạc đường, nhịn đói, khát, thèm lạt… chiến đấu với bản thân mình, với địch, trở về cùng đồng đội. Có lúc sáu người chia nhau những quả cam non bằng ngón tay. Sáu người chia nhau dây rau má, chia nhau gói cơm bằng nắm tay đã bị mưa rã, thiu chua ngoét và lúc khát nước chỉ nhúng ngon tay nhễu vào cổ họng khô cháy một hai giọt nước. Lúc nhặt được cục ruốc bằng đầu ngón chân, mừng ứa nước mắt, người chỉ huy chỉ cho mỗi ngày mỗi người một hạt nhỏ, ngậm vào miệng thấy tan ngon, ngọt lịm". Đó là cô y tá tên Tằm, 17 tuổi, xinh đẹp, một chiến sĩ vận tải lương thực tay không bắt giặc ra hàng. Tằm được điều lên quân khu vào đội văn công nhưng nhất định không đi, "em chẳng muốn về văn công chút nào, đi tải (gạo) vui hơn".
Tác giả Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại lễ giới thiệu sách
Ngòi bút của anh ghi lại một cách xúc động những cảnh tang thương đầy sức tố cáo tội ác dã man của kẻ thù. "Bom Mỹ lại rơi vào giữa thị trấn Lộc Ninh, xuống những mái nhà đông đúc trẻ em và ông bà già. Và ngay cả lúc bom Mỹ đã tàn sát gần 100 người dân, những người còn lại lo lắng, hớt hơ hớt hải, chạy cuống quýt… thì cũng toàn ông già bà già, phụ nữ, trẻ con dắt dìu bế bồng, tay mang tay xách, chân tiến, chân lui, luýnh qua luýnh quýnh". Và anh rút ra một nhận xét: "Chiến tranh không phải đâu xa, chiến tranh ở mỗi mái nhà lở lói, ở mỗi trái tim nhức nhối, căm uất, phẫn hờn". Nhật ký ngày 16/6/1972, anh ghi lại một bi kịch của một kẻ phản bội, chính là kẻ đã gọi bom Mỹ ném bom giết chết 100 người dân vô tội của thị trấn Lộc Ninh vừa được giải phóng, một sự trả thù hèn hạ nhất của một kẻ vẫn tự xưng là "thế giới tự do". Hắn là một sinh viên Văn khoa Sài Gòn, học đến năm thứ hai ra dạy tiểu học. Bố đi tập kết ra Bắc. Hắn nhận làm tình báo cho Thiệu lương mỗi tháng lĩnh 9 ngàn 2, sau làm thêm cho CIA mỗi tháng 14 ngàn rưỡi. Hắn có 2 máy liên lạc trực tiếp với máy bay gọi bom Mỹ giết hại bà con và chính hắn cũng bị thương do bom Mỹ mà hắn gọi đến giết hại đồng bào. Vào bệnh viện của ta, thấy các thầy thuốc đối xử rất nhân đạo, hắn ân hận, đau xót, tìm cách tự tử. Cuối cùng, hắn cắn lưỡi lần thứ hai mới chết. Em gái hắn hiểu tội lỗi của anh xin vào hàng ngũ giải phóng được chấp nhận, làm quản lý, rất chăm chỉ. (Nhật ký, 16/6/1972). Và đây nữa, thêm một chân dung của một người trở về từ phía bên kia. Anh tên Thừa, 21 tuổi, quê Cần Thơ. Nhà có 5 anh em thì 4 em bị chết vì bom Mỹ ném trúng hầm. Còn anh, khi đến tuổi quân dịch, cứ mỗi trận càn của địch, má lại giục đi trốn. Hôm ấy anh đi trốn nhưng vì không nghe lời má, về sớm nên bị lính biệt động bắt. Lúc tiễn đưa con, bà má dúi cho tất cả số tiền bán sầu riêng, chôm chôm vụ ấy, dặn: "Bằng cách nào con cũng phải trốn về với cách mạng. Tiền này là tiền của cách mạng, chia đất cho để làm vườn. Con không trốn, thì có trở về cũng không còn nhìn thấy ba má". Trong thời gian huấn luyện, bọn chỉ huy tìm mọi cách để anh gây tội ác với nhân dân để không còn đường về với cách mạng. Nhưng anh kiên quyết không chịu. Động cơ trốn thật chân thành "Em không thể nào cầm khẩu súng đã giết hại những người thân gia đình em để chống lại Tổ quốc. Chỉ có theo các anh em mới khỏi lo âu và may ra trả thù cho gia đình được… Em đã quyết rồi. Chỉ có xin làm cách mạng em mới có được niềm vui và sự yên tĩnh trong đời" (Nhật ký, 23/12/1972). Hai chân dung thoáng qua không chỉ cần thiết cho lớp người đã trưởng thành, mà rất cần thiết cho thế hệ đang lớn lên. Nó là bằng chứng sinh động để trả lời những ai đang la lối bịa tạc coi chiến tranh chống Mỹ thống nhất nước nhà của nhân dân ta là một "cuộc nội chiến", bày đặt ra bao nhiêu sự dối trá để xóa nhòa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Cần gọi đích danh đó là sự đồng lõa với tội ác.
Phần dày công nhất và cũng cảm động nhất trong những trang nhật ký ở vùng ven của anh Phạm Quang Nghị là cuộc đấu tranh sống chết giành đi giật lại của bà con cô bác, hình thành một thế trận chiến tranh nhân dân hùng mạnh, thiên biến vạn hóa, làm cho kẻ thù điên đảo, giãy giụa trong tuyệt vọng. Đó là cuộc đấu trí, đấu sức, vừa khôn khéo vừa quyết liệt, bẻ gãy từng họng súng, từng cuộc càn quét, từng âm mưu tát nước bắt cá, tách dân ra khỏi cách mạng của kẻ thù. Nhật ký ngày 19/12/1972 anh kể chuyện, lính đi càn trong lúc bộ đội ta đang tổ chức các mũi tấn công. Bọn lính chui hết xuống hầm, bắt một bà má ngồi cửa hầm để làm bia đỡ đạn. Tụi lính bảo nếu bộ đội đến thì bảo nhà không có lính, nếu trả lời có, chúng bắn má tại chỗ. Má nói: Các ông phải cho tôi ra ngoài mới nói được. Trước tình thế đó bọn lính buộc phải để bà lên. Lên khỏi hầm, bà nói lớn, các ông giải phóng ơi, các ông đừng bắn vô nhà, nhà tôi không có lính đâu. Miệng má nói "Không" nhưng tay má ngoắc ngoắc chỉ về phía hầm. Nhận được tín hiệu, bộ đội ta xốc tới mau lẹ, dùng lựu đạn ném vô hầm, diệt gọn tốp lính.
Ở cái thế cài răng lược, căng thẳng và dữ dằn, cái chết rình rập mọi nơi, mọi chỗ, nhưng ác liệt nhất là mỗi lần vượt Lộ 4. Địch bố trí dày đặc hệ thống đồn bốt, mai phục, cài mìn, pháo sáng, pháo bầy. Hết chủ lực, dân vệ đến xe M.113 tuần tiễu 24/24 giờ hòng bịt đường liên lạc giữa Trung ương Cục với vùng tạm chiếm. Nhiều cán bộ ta đã hy sinh vượt qua lộ. Anh Phạm Quang Nghị trong một lần được gọi về R, mất cả ba ngày không sao vượt được Lộ 4. Cuối cùng, du kích xã phải tổ chức đánh chặn địch từ hai đầu ấp để đoàn cán bộ vượt qua. Tấm lòng của người dân vùng ven với cách mạng rất bình thường. Lòng yêu nước đối với họ đã trở thành máu, nó giản dị và gần gũi như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Chính vì thế mà họ trở nên vĩ đại.
Nhật ký 3/10/1974 ghi lại một việc chưa từng có, vô cùng cảm động: "Vì hoạt động đi khuya về sớm, mẹ vất vả, con cũng cực. Thằng Hai dỗ em không nín, phải cho bú chó, mẹ về, em "mét" mẹ. Ai bảo mày cho con Mỹ bú chó? Mẹ hỏi. Đứa con len lén trả lời: Con nặn thấy sữa chó cũng trắng, ngọt như sữa mẹ". Tác giả chỉ ghi có thế và không bình luận gì thêm. Mà cần gì phải nói thêm gì nữa. Tự nó nói lên tất cả. Nhà văn có thể lấy cái cốt đó viết thành một truyện ngắn đặc sắc. Còn giặc thì không một ai sống yên được. Ở xã Biên Giới trước kia là cả một rừng xoài, bom pháo địch tàn phá hết, nay chỉ còn lại 2 cây xù xì, toàn thân đầy vết đạn, nhưng vẫn tươi tốt, đơm hoa kết trái, tác giả như muốn khóc khi ôm hai cây xoài, chứng nhân đau đớn và quật cường của quê hương. Rồi những ngày đấu tranh thi hành Hiệp định Paris, địch mở chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ" xua lính đi sơn cờ, cắm cờ, tranh dân, giành đất với cách mạng. Cả xã tràn ngập cơn dịch cờ ba sọc. Cờ trên mái nhà, trên tường, trên nón, trên xuồng. Bọn lính ngụy tràn vào các chợ, vào ấp, mặc sức bôi trát, làm xong đè người ta ra tính tiền. Cờ lớn 90 đồng, cờ nhỏ 30 đồng, có nhà cả cờ sơn quét, cờ giấy 9 lá. Bọn lính ngụy cứ thế mà tính tiền. Nhưng địch vừa rút khỏi thì bà con xóa đốt, rửa, thậm chí lấy bào bào hết lớp vỏ xuống để "tẩy dịch". Cờ địch thì thế, còn cờ ta? Chúng cấm dân mua bán vải đỏ, vải xanh, sợ dân ta may cờ giải phóng. Nhưng dân đã có cách, mua vải trắng, chỉ một đêm có thể nhuộm màu xanh hòa bình. Binh lính càn, người dân thực hiện "vườn không nhà trống", cái gì không mang sơ tán được thì tìm mọi cách giấu xuống dòng kênh, giằng co với địch từng con gà, con vịt. Thế chưa đủ, bọn lính còn giật quần phụ nữ trên dây phơi, lột quần chị em đang mặc để thay cho những bộ đồ Mỹ dầm bùn ướt bết do chúng đi càn nhiều, toàn lội kênh lội ruộng. Có thể nói một bức tranh về cuộc đấu tranh sống chết với địch, diễn ra hàng ngày hết sức quyết liệt, căng thẳng được tác giả ghi lại một cách rất cảm động, mà, nếu không phải một người từng bám dân, hòa vào từng hơi thở với dân không thể nào có được vốn sống đó.
Phạm Quang Nghị đã sống hòa vào cuộc sống của những người bình thường mà gan góc đó. Tình yêu mênh mông, chân chất và sức mạnh to lớn của nhân dân đã được tác giả ghi lại thật tự nhiên và sống động. Nhân dân yêu "người của bên mình", yêu cách mạng, vì cách mạng là lẽ sống của họ. Cảm động biết bao một ông già đặt một ly rượu vào tay cán bộ Phạm Quang Nghị trước giờ qua lộ mà nói: "Uống đi, chốc nữa qua lộ dẫu có chết cũng là chết đã được uống rượu". Hay lời một bà má: "Thằng Nghị có ở với tao hai ba năm tao cũng nuôi". Rồi mẹ than: "Biết nó tới ở rồi lại đi tao không cho nó ở cho rồi. Bây giờ nó đi tao buồn, nhớ nó". Còn ông Năm, một lão nông mà nắm địch, hiểu địch như một vị tướng chỉ huy lão luyện. Nghe tiếng pháo địch ông biết nó đi càn kiểu gì, nhìn máy bay trinh sát của địch thì nhận ra ngay con đuôi đỏ đi gọi bom, gọi pháo, con đuôi đen bay dẫn đường cho bọn dưới đất. Rồi cả ấp tổ chức những đám giỗ bộ đội, cúng tất cả những đứa con hy sinh, lại còn thắc thỏm, "không biết chúng nó có nhớ đường về không".
Nhân dân, tình thương là ở đấy, sức mạnh là ở đấy. Điều đó giải thích tất cả tầm cao và chiều sâu của ngày 30 tháng 4 năm 1975, một cái mốc chói lọi của lịch sử dân tộc. Theo ý nghĩa đó "Nơi ấy là chiến trường" là tập nhật ký chân thực và cảm động có ý nghĩa chống lại mọi sự quên lãng.