Mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế: Ngành du lịch nhanh chóng phục hồi

KTĐT| 12/03/2022 15:31

Từ ngày 15/3 tới đây, Chính phủ cho phép ngành du lịch mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Đây là tín hiệu rất đáng mừng giúp ngành du lịch sớm phục hồi, phát triển, tuy nhiên để mở cửa an toàn, các DN phải đổi mới việc xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp thực tế...

Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng với PV.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng.

Cần làm mới sản phẩm truyền thống

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho phép từ ngày 15/3/2022 Việt Nam chính thức mở cửa 100% đón khách quốc tế. Ông nhận định thế nào về quyết định này?

- Việc Chính phủ cho phép mở cửa đón khách quốc tế sẽ giúp ngành du lịch, hàng không tận dụng toàn bộ lịch bay mùa Hè mở bán tour ra thị trường quốc tế qua đó thu hút du khách đến Việt Nam trong năm 2022. Thực tế cho thấy, nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia... đều đã công bố mở cửa du lịch quốc tế trở lại và cạnh tranh điểm đến rất mạnh với Việt Nam. Vì vậy, quyết định của Chính phủ là lời giải cho bài toán du lịch Việt Nam cạnh tranh với các nước Đông Nam Á trong năm 2022.

Bên cạnh đó, việc cho phép mở cửa đón khách quốc tế sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch bao gồm các DN lữ hành, khách sạn, đủ thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất; các địa phương hoàn tất chương trình tiêm liều vaccine tăng cường cho phần đông dân cư qua đó xây dựng du lịch an toàn. Có thể nói việc mở cửa 100% đón khách quốc tế sẽ tạo cơ hội cho ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đồng thời minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành du lịch Việt Nam.

Dù mở cửa đón khách quốc tế nhưng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch nên xây dựng kịch bản như thế nào để hồi phục thị trường thưa ông?

- Để ngành du lịch phục hồi đòi hỏi DN phải đổi mới công tác xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp thực tế. Cụ thể, DN du lịch cần làm mới các sản phẩm truyền thống bằng việc chọn lựa các lộ trình, các điểm thăm quan, ăn nghỉ, mua sắm đủ điều kiện an toàn. Để đáp ứng nhu cầu đi ngắn thời gian, đi gần, đi nhóm nhỏ cần tập trung khai thác sản phẩm du lịch văn hóa, kiến trúc, phong cảnh ở ngay tại địa phương.

Các DN cần xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng trong đó nhấn mạnh yếu tố du lịch xanh; phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…), qua đó khai thác sự phục hồi của các cơ sở kinh tế, đưa MICE trở thành một nhánh quan trọng của du lịch Việt Nam.

Đặc biệt, nên xây dựng, khai thác các giá trị độc đáo, khác biệt của ẩm thực Việt Nam, đưa ẩm thực thành sản phẩm nổi bật, qua đó nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam, tạo ra động lực thu hút du khách. Thực tế cho thấy, nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… đã triệt để khai thác văn hóa ẩm thực trong việc tổ chức tour, đây là những mô hình mà du lịch Việt Nam nên học tập trong quá trình xây dựng kế hoạch hồi phục, phát triển. Nhưng để làm được điều này đỏi hỏi cần có một “nhạc trưởng” kết nối chặt chẽ, hài hòa giữa các đơn vị văn hóa nghệ thuật, làng nghề với DN du lịch.

Trước mắt, từ nay đến hết quý II/2022 các DN cần đẩy mạnh kết nối với đối tác nước ngoài để quảng bá, giới thiệu tour, qua đó chuẩn bị đón khách quốc tế châu Âu, Mỹ, Canada… vào thời điểm cuối năm bởi đây là mùa du khách đi du lịch tránh đông.

Tuy nhiên, để DN có điểm tựa vững chắc trong việc phục hồi hoạt động, Chính phủ cần nhanh chóng cập nhật, ban hành chiến lược phát triển ngành du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 và quy hoạch ngành du lịch giai đoạn 2022 - 2030.

Theo ông, các DN du lịch cần khắc phục những tồn tại, điểm yếu gì để có tour và dịch vụ chất lượng tốt khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế?

- Trải nghiệm của du khách quốc tế khi đến Việt Nam du lịch rất quan trọng, vì vậy để thu hút khách quốc tế đòi hỏi các DN cần thay đổi, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng ổn định, hoàn thiện, sáng tạo đổi mới dịch vụ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du lịch ngày càng cao hơn.

Trong đó, cần đảm bảo sự an toàn, đề cao giá trị, tính riêng tư cũng như trải nghiệm đặc biệt. Phải làm sao tạo được ấn tượng sâu đậm cho khách du lịch. Ví dụ, khi khách du lịch bị nhiễm Covid-19 trong thời gian ở Việt Nam thì các dịch vụ y tế đáp ứng ra sao. Người làm dịch vụ cần tính đến, thiết kế lại để xóa bỏ rào cản, e ngại nhằm thu hút du khách. Có thể nói điều quan trọng lúc này không phải là giá cả mà là DN phải bảo đảm chất lượng sản phẩm và những tiện ích mà khách quốc tế được hưởng khi đi du lịch Việt Nam.

Mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế: Ngành du lịch nhanh chóng phục hồi - Ảnh 1

Tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, để kích cầu, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam việc cần làm ngay lúc này là đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch… Ông đánh giá gì về nhận định này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này, tuy nhiên hoạt động xúc tiến du lịch không nên triển khai theo cách thức trực tiếp như trước đây mà phải đổi mới theo hướng áp dụng nền tảng công nghệ 4.0.

Trước hết, cần ứng dụng mạnh mẽ marketing thông qua internet; số hóa các tài nguyên du lịch; khai thác các mạng xã hội để đưa thông tin du lịch Việt Nam đến với thế giới... Đồng thời tổ chức nhiều các hoạt động xúc tiến trực tuyến bởi mô hình này đã và đang trở thành xu thế của công tác xúc tiến du lịch trên thế giới.

Xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Instagram, Zalo; quảng bá trên các trang marketing online, triển khai bản tin du lịch điện tử (e-newsletter). Các địa phương nâng cấp tính năng của các ứng dụng di động, website du lịch phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách du lịch. Hiện hầu hết các DN du lịch, đã có website riêng, và Việt Nam có khoảng hơn 10 sàn giao dịch du lịch chiếm khoảng 20% các giao dịch, đây là những điểm nhấn quan trọng cho các DN Việt Nam phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, thực hiện hoạt động xúc tiến trên nền tảng công nghệ 4.0 mà không mất quá nhiều chi phí.

Để phục hồi, các DN và ngành du lịch cần sự hỗ trợ gì về cơ chế, chính sách của Nhà nước?

- Thời gian qua Nhà nước đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ như giảm thuế, giảm tiền ký quỹ, trợ cấp cho hướng dẫn viên du lịch… Nhưng thời điểm này, điều DN cần nhất là Nhà nước hỗ trợ đơn vị trong công tác đào tạo, khôi phục nguồn nhân lực để lực lượng này kịp thời quay trở lại phục vụ du khách. Bởi trong 2 năm 2020 - 2021 có đến 80% nhân lực ngành du lịch mất việc làm nên hiện chất lượng giảm sút. Cụ thể, phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nghề, kỹ năng cho người lao động, đội ngũ quản lý của các đơn vị du lịch. Thực hiện các chương trình ưu đãi, gói tín dụng hỗ trợ đối với DN để hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của DN…

Hiện ngân sách cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam chỉ 2,9 triệu USD/năm, bằng 2,9% của Thái Lan và 2,5% của Singapore, nên Chính phủ cần tăng thêm ngân sách cho hoạt động này để Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút khách, đó là vấn đề rất cần thiết, phải làm ngay cùng với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế: Ngành du lịch nhanh chóng phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO