Một băng nhóm chuyên giả lập số điện thoại của các cơ quan công quyền bằng kỹ thuật cao bị bắt giữ trong một chuyên án. Ảnh: Công an cung cấp
Theo đó, vào ngày 19.11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra CA TPHCM vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố giác từ công dân là một cụ ông 80 tuổi. Khoảng vào giữa tháng 4 vừa qua, cụ ông này bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại đến số máy cố định của gia đình.
Trong cuộc điện thoại này, một người đàn ông xưng là Điều tra viên của CA TP.Hà Nội yêu cầu cụ phải chuyển hết số tiền có trong tài khoản tiết kiệm đến một số tài khoản do họ chỉ định. Khi cụ ông hỏi lý do thì người này nói là do ông đang liên quan đến một án đang được công an điều tra nên cụ phải hợp tác. Số tiền cụ chuyển cho “công an” sau khi được xác minh nếu là “tiền sạch” thì sẽ được trả lại.
Tin lời vị “điều tra viên” này nên cụ ông ra ngân hàng, chuyển tiền vào nhiều tài khoản khác nhau do “điều tra viên” kia cung cấp với tổng số tiền lên đến gần 5,3 tỉ đồng. Vẫn không mảy may nghi ngờ, cụ ông chờ số tiền của mình được “xác minh” và sẽ được trả lại nhưng mãi không thấy. Sực tỉnh ra mình đã bị lừa, cụ ông này làm đơn trình báo cơ quan công an TPHCM.
Sau vụ cụ ông bị lừa 5,3 tỉ đồng trên thì trong tháng 11 vừa qua, một vụ mạo danh công an lừa đảo cũng bị phát giác trên địa bàn TPHCM. Nạn nhân trong vụ lừa đảo này là một người phụ nữ tên D. (47 tuổi, sống tại quận Tân Bình, TPHCM). Theo đơn tố giác mà nạn nhân gửi đến Công an TPHCM thì vào ngày 8.11 vừa qua, số máy bàn nhà nạn nhân nhận được cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông, xưng là công an, nói chị D. có bưu phẩm nợ một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP.Hà Nội số tiền 16 triệu đồng. Khi chị D. cho rằng đã nhầm thì người xưng là “công an” này thách thức, nói cứ xác minh số điện thoại gọi đến là ai rồi cúp máy.
Sau khi nhận được thông tin từ tổng đài rằng số vừa gọi cho mình đúng là số của một Cục của Bộ Công an (thực sự các đối tượng dùng kỹ thuật công nghệ cao lập số giả mạo số của công an). Ngay sau đó, người đàn ông này gọi lại, nói chị D. có liên quan đến một đường dây rửa tiền, buộc phải khai báo những khoản tiền có được với ngân hàng, sau khi công an xác minh nếu trong sạch thì sẽ được hoàn trả. Khiếp sợ với những gì mà vị giả công an tuyên bố, chị D ra một ngân hàng chuyển hai lần tiền, tổng cộng 500 triệu đồng vào một số tài khoản. Chuyển tiền xong, chị D kể lại câu chuyện cho gia đình nghe thì mới hay mình đã bị lừa. Sau khi nhận đơn tố cáo từ nạn nhân, Công an TPHCM đã xác định được chủ nhân số tài khoản nhận tiền từ chị D và lên kế hoạch xác minh, điều tra.
Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong số rất nhiều những vụ mạo danh cơ quan công quyền như Công an, Viện kiểm sát, Hải quan… để đe dọa và lừa đảo. Dù cơ quan công an liên tục phát đi các thông báo, gửi văn bản đến tận các xã phường, khu phố để cảnh báo tình trạng này nhưng nhiều người mất cảnh giác, trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo tinh vi này.