Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1-1-2018 với nhiều điểm mới

Việt Nam plus| 01/01/2018 09:26

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 được coi là bước ngoặt lớn trong chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1-1-2018 với nhiều điểm mới
Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức trang nghiêm tại chùa Bái Đính. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Nói như Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng được nhu cầu bức thiết của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ mới, hội nhập quốc tế.

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, Luật có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

- Xin ông cho biết mục tiêu lớn nhất khi ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo?

Ông Bùi Thanh Hà: Việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cải cách hành chính đối với lĩnh vực này. Đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội được phát huy; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Luật góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi chống Đảng và Nhà nước. Thể hiện trách nhiệm quốc gia đối với việc thực hiện pháp luật quốc tế.

Đặc biệt, việc xây dựng Luật nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

- Trong quá trình xây dựng luật, các cơ quan chức năng có đạt được sự đồng thuận của các tổ chức tôn giáo hay không? Các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước có ý kiến gì khi chúng ta xây dựng luật?


Ông Bùi Thanh Hà: Khi xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, việc xin ý kiến các tổ chức tôn giáo, đại diện chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo - đối tượng chịu sự tác động của dự Luật là không thể thiếu. Chính việc xin ý kiến này đã tạo được sự đồng thuận về đa số các nội dung được quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức tôn giáo.

Quá trình xây dựng Luật, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước đã tìm hiểu, góp ý bằng văn bản, thậm chí xin gặp và làm việc trực tiếp với Thường trực Ban soạn thảo về các nội dung của Luật. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình, ủng hộ Việt Nam xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay cho Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

- So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Luật có những điểm mới gì đáng chú ý, thưa ông?


Ông Bùi Thanh Hà: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành trên tinh thần của bản Hiến pháp năm 2013, vì vậy, bên cạnh việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đã có rất nhiều nội dung mới. Ví dụ như Luật mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; có quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Một số nội dung theo quy định của Pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì nay Luật phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương. Thời gian được công nhận là tổ chức tôn giáo từ 23 năm giảm còn 5 năm.

Luật điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Một số nội dung hoạt động tôn giáo chỉ cần thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo được phân định rõ. Các vấn đề về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo... đã được quy định trong Luật.

- Một trong những điểm mới của Luật là mở rộng pháp nhân tôn giáo. Vậy, những người bị hạn chế quyền công dân sẽ thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của mình như thế nào, thưa ông?


Ông Bùi Thanh Hà: Giữa hai vế của câu hỏi này đang nói đến vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ của đối tượng, chủ thể được hưởng thụ các quy định của pháp luật, đó là vị thế, quyền của tổ chức khi được thừa nhận là pháp nhân phi thương mại và công dân có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối với tổ chức tôn giáo, việc Luật thừa nhận tổ chức tôn giáo là một pháp nhân phi thương mại cũng chính là xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức khi tham gia các quan hệ pháp luật. Việc quy định này sẽ dẫn đến những quyền lợi của tổ chức khác so với tổ chức tôn giáo trước đây chưa được pháp luật thừa nhận là pháp nhân phi thương mại. Chẳng hạn hiện nay Luật thừa nhận và bảo vệ tên gọi, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức tôn giáo được gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài; được tổ chức hội nghị liên tôn;… những nội dung này Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo chưa có quy định.

Quy định tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại phù hợp với xu thế quản lý trong nhà nước pháp quyền, pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo hiện nay.

Còn đối với những người bị hạn chế quyền công dân được quy định tại khoản 5 Điều 6 của Luật, đó là những người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo (tuy nhiên đây là quyền bị giới hạn chứ không có đầy đủ).

Việc họ được thực hiện quyền này như thế nào, hiện nay dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đang được Chính phủ xem xét, ký ban hành sẽ quy định.

- Thưa ông, để luật đi vào cuộc sống, hiện nay việc triển khai các văn bản dưới luật được tiến hành ra sao và có vướng mắc gì không?

Ông Bùi Thanh Hà: Hầu hết các quy định của Luật đều được quy định cụ thể và thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực mà không nhất thiết phải chờ văn bản hướng dẫn. Hiện nay, Luật còn 7 điều với 9 nội dung Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong 9 nội dung đó có 8 nội dung sẽ được quy định chi tiết tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; 1 nội dung quy định tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn đang được Chính phủ xem xét, ký ban hành để có hiệu lực đồng thời với Luật. Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính sẽ tiếp tục được các cơ quan liên quan xem xét và sẽ ban hành vào một thời điểm thích hợp khi dự thảo Nghị định được hoàn chỉnh.

- Trân trọng cảm ơn ông.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1-1-2018 với nhiều điểm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO