Sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 46, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Báo cáo một số nội dung chủ yếu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý Điều 1 quy định cụ thể và bao quát để phản ánh cơ bản các nội dung của dự án Luật. Điều 1 dự thảo Luật được chỉnh lý như sau: “Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động sau khi về nước; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Quochoi.vn |
|
Về đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban thấy rằng, nội dung này nhận được sự quan tâm của nhiều vị đại biểu Quốc hội và ý kiến cũng khác nhau, nên đã tổ chức lấy ý kiến và khảo sát tại địa phương. Các địa phương đã thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được Ủy ban khảo sát, lấy ý kiến thì đều giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện. Vì vậy, đa số Thường trực Ủy ban thống nhất tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập. Đồng thời, sửa đổi Điều 38 của Luật Việc làm để bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính liên thông của lao động trong nước – ngoài nước, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động này tại các địa phương, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vì: sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của Nhà nước để thực hiện việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; chưa sát với tinh thần của Nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công, xã hội hóa dịch vụ công và ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động.
Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban thống nhất chỉ quy định về “vốn điều lệ” để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị vẫn giữ điều kiện về thời gian kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ như hiện hành là 03 năm và đề nghị nghiên cứu có thể chuyển quy định về “vốn chủ sở hữu” thành điều kiện duy trì nhằm bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này về khoản 2 Điều 8 của Dự Luật.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành cao với những nỗi dung tiếp thu, giải trình. Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, cần hướng rộng thêm về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể là không chỉ vấn đề đưa lao động giản đơn mà cần đề cập đến vấn đề đưa lao động chất lượng cao, chuyên gia làm việc tại các nước trên thế giới. Đồng thời, không chỉ quan tâm chuẩn bị về vấn đề ngoại ngữ và lao động mà cần có sự chuẩn bị về vấn đề văn hóa, làm thế nào để những người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có thể giới thiệu, quảng bá về những nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
|
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần chú ý rằng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật là những người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, còn các chuyên gia đi làm việc ở các nước có thể theo nhiều hình thức khác nhau, không phải quy định theo Luật này.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra, Luật ra đời sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh về lao động. Sau khi Luật này có hiệu lực sẽ có những vấn đề cần quan tâm như đào tạo, quản lý lao động để đảm bảo một trường cạnh tranh lành mạnh. Luật có đề cập đến vấn đề về các trung tâm dịch vụ việc làm, vậy trung tâm này là đơn vị quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp? Hiện nay vẫn còn tồn tại những trung tâm này nhưng chỉ đào tạo được những ngành nghề phổ biến như may mặc, còn một số ngành kỹ thuật, chế tạo, cơ khí thì vẫn chưa đào tạo được nhiều. Do đó, về vấn đề này, nên quan tâm theo hướng để doanh nghiệp đấu thầu vấn đề đào tạo, quản lý lao động, giúp nhà nước làm tốt hơn về vấn đề này.