Nhận định này hoàn toàn là chính xác khi nhìn vào các con số thống kê từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII tới nay: Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị kỷ luật do cố ý làm trái, tham nhũng. Đáng suy nghĩ, trong số này có hơn 70 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự; mà không ít trong số đó do “mờ mắt” bởi tiền bạc dẫn đến vi phạm.
Mới nhất là ngày 22-10 vừa qua, cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã quyết định khởi tố bị can đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự. Đây là việc mở rộng điều tra vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), Bùi Văn Nga và đồng phạm về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", liên quan đến chuyển nhượng nhiều lô đất quốc phòng thời ông Nguyễn Văn Hiến giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân (giai đoạn 2004-2015)…
Trước đó, các ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) và một số quan chức cấp sở, ngành của địa phương này cũng bị khởi tố do liên quan đến nhiều vụ bán “đất vàng” cho Phan Văn Anh Vũ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hai nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố là Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài và nhiều quan chức, cựu quan chức cấp sở, ngành cũng vướng vòng lao lý về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Không chỉ có tình trạng “ăn đất”, ở các địa phương, tình trạng “rút ruột” công trình cũng là nỗi nhức nhối trong dư luận xã hội nhiều năm qua. Cụ thể là nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng sau ngày khánh thành không lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng do bị “rút ruột” và nghi ngờ bị “rút ruột”. Việc 3 thành viên Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị bắt, khởi tố về tội “Nhận hối lộ” khi đang trong quá trình thanh tra công vụ liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng ở tỉnh Vĩnh Phúc phần nào hé lộ “tảng băng chìm” trong lĩnh vực này. Chính những cán bộ, đảng viên nói trên đã bị “lóa mắt” bởi đồng tiền, từ đó sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức và tha hóa về lối sống. Họ đã làm giảm sút lòng tin, uy tín của Ðảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Họ là những "con sâu làm rầu nồi canh".
2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng, sinh ra các căn bệnh rất nguy hiểm, trong đó có bệnh tham lam. Thực tế cho thấy, việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thời gian qua chính là lỗ hổng lớn nhất trong quy trình quản lý ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Chi phí tiền thuê đất hằng năm hiện chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên tình trạng giữ đất, để đất lãng phí ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế còn phổ biến. Ngoài ra, khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa thì tình trạng định giá tài sản cố định, đặc biệt là đất đai ở mức thấp diễn ra không ít. Sau đó, chỉ bằng một số thủ thuật chuyển quyền sử dụng lòng vòng, những khu “đất vàng” bỗng dưng trở thành tài sản cá nhân, trong khi khoản thu về ngân sách rất èo uột. Điều đó cho thấy, lỗ hổng cần được khỏa lấp bằng hành lang pháp lý đủ mạnh, có sự giám sát từ xã hội.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, việc chỉ định thầu; “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu; triển khai rầm rộ các dự án theo hình thức “xây dựng - chuyển giao” qua hình thức đổi đất lấy hạ tầng trong khi hành lang pháp lý chưa đầy đủ đã dẫn đến nhiều “cái bắt tay dưới gầm bàn”. Đây là nguồn cơn để tệ nạn vòi vĩnh, chủ nghĩa cơ hội, tham nhũng trỗi dậy. Do đó, để ngăn ngừa lòng tham và cũng là bảo vệ cán bộ, đảng viên trước những ma lực của đồng tiền, việc đầu tiên cần làm là phải có hệ thống pháp lý về quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả. Cụ thể là cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xác lập được chủ quản lý hoặc chủ sử dụng đối với từng tài sản, nghĩa là phải có người chịu trách nhiệm chính với mỗi tài sản; có nguồn nhân lực chuyên nghiệp, tham mưu cho lãnh đạo, cơ quan quản lý; phát triển hệ thống quản lý dựa trên công nghệ thông tin hiện đại kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Cuối cùng là cần xử lý nghiêm, công khai những trường hợp tham nhũng.
Trước thềm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là lựa chọn những cán bộ có tâm trong sáng, đủ đức, đủ tài vào các vị trí lãnh đạo. Để làm được điều đó, cấp ủy các cấp cần nghiêm chỉnh thực hiện Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Theo đó, kiên quyết không đưa vào bộ máy những cán bộ, đảng viên có tham vọng quyền lực, dính dáng đến tiêu cực, tham nhũng. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, được tổ chức ngày 26-7-2019 thì “Đại hội Đảng là dịp để lựa chọn, sàng lọc, củng cố đội ngũ cán bộ. Không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân, với đất nước. Không sợ mất uy tín; chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình”... Tiễu trừ tham vọng quyền lực trong cán bộ, đảng viên là công việc quan trọng hàng đầu đối với một đảng cách mạng - cầm quyền như Đảng ta.
Việc phòng ngừa, ngăn chặn cho được những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, có lòng tham tiền bạc, dẫn đến xà xẻo dự án, vòi vĩnh… thu lợi bất chính góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày một hiệu quả, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.