Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm huyện Thanh Trì là cơ sở lớn nhất Hà Nội, với công suất hơn 1.500 con lợn/ngày đêm.
Trước khi đưa vào lò mổ, những con lợn được cán bộ thú y kiểm tra lâm sàng, phun thuốc tiêu độc khử trùng.
Ông Nguyễn Quang Cừ, Trạm phó Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Thanh Trì cho biết: “Trong thời gian này, cán bộ của Trạm tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc, được kiểm dịch mới cho vào cơ sở giết mổ. Trạm cũng bố trí cán bộ luôn túc trực, giám sát quá trình giết mổ của các chủ hộ kinh doanh”.
Theo ông Cừ, đơn vị chưa phát hiện lợn có biểu hiện mắc bệnh tại đây.
Giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ của chuyến xe vận chuyển lợn được cán bộ thú y kiểm tra kỹ trước khi cho vào cơ sở giết mổ.
Ông Nguyễn Thế Trung (quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm huyện Thanh Trì) cho hay: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các hộ giết mổ tăng cường công tác vệ sinh sàn trước và sau khi giết mổ. Kết thúc mỗi ca, công nhân tiến hành dọn vệ sinh, rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực lò mổ”.
Cơ sở này cũng không nhập lợn trong quá trình lò mổ hoạt động để bảo đảm an toàn, ông Trung cho biết thêm.
Qua kiểm tra, những con lợn đáp ứng đủ điều kiện như: Thịt đỏ tươi, không xuất hiện hạch, nội tạng không dính mỡ… sẽ được cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch.
Mỗi con lợn được đóng 6 dấu kiểm dịch trên thân trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Lợn tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm huyện Thanh Trì được chuyển về các khu chợ trên địa bàn thành phố và một số địa phương lân cận để tiêu thụ. Trong ảnh: Quầy bán thịt lợn tại chợ thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Bà Nguyễn Thị Quyên (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) cho hay: “Hiểu rõ về bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nên tôi vẫn yên tâm khi sử dụng thịt trong thời gian này. Tôi thường mua ở những điểm bán thịt thân quen và thịt có dấu kiểm dịch của đơn vị thú y. Mọi người không nên tẩy chay thịt lợn”.