Lộ diện đơn vị tiếp tay cho trường Đại học Đông Đô vi phạm đào tạo văn bằng 2

Dân Trí| 24/08/2019 17:03

Trong văn bản gửi báo chí ngày 17/8, Bộ GD-ĐT khẳng định chưa có văn bản cho phép trường Đại học Đông Đô được đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên, theo thông tin mà Dân trí có được thì vào các năm 2015, 2016, 2017 Bộ GD-ĐT có thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho trường Đại học Đông Đô và trong đó lại có xác nhận chỉ tiêu đào tạo... văn bằng 2.

Cụ thể, theo thông báo số 173 ngày 1/4/2015 của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký gửi trường Đại học Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cho thấy đơn vị này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của trường Đại học Đông Đô là 500.

Lộ diện đơn vị tiếp tay cho trường Đại học Đông Đô vi phạm đào tạo văn bằng 2 - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Tương tự, theo thông báo số 68 ngày 24/2/2016, Vụ Kế hoạch Tài chính cũng xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2016 của trường Đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này cũng do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký.

Lộ diện đơn vị tiếp tay cho trường Đại học Đông Đô vi phạm đào tạo văn bằng 2 - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 2017, theo thông báo số 136 ngày 7/3/2017, Vụ Kế hoạch Tài chính xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của trường Đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính Trần Tú Khánh ký.

Nơi nhận của các thông báo này là trường Đại học Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GD-ĐT.

Bắt đầu từ 2018, khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT (thay thế Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 12 năm 2011 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, Thông tư số 20/2012/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 6 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 12 năm 2015 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học) quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thì việc ra thông báo xác nhận chỉ tiêu không còn tồn tại bởi trong thông tư này quy định:

Cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy theo quy định của Thông tư này, công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chắc hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Vì sao lại có chuyện kì lạ như vậy?

Như chúng ta đã biết, Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2 - VB2), việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.

Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT (Qua Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch Tài chính) về việc cho phép đào tạo VB2.

Tại khoản 3, điều 3 của Quyết định này cũng quy định: Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện. (Các Đại học giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc).

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT lại khẳng định chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo VB2.

Phân tích sự kì lạ này, một chuyên gia giáo dục cho biết: “Theo quy định thì trường phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT và đầu mối ở đây là Vụ Đại học – thẩm định để ra quyết định cho phép đào tạo; Vụ Kế hoạch Tài chính thẩm định để giao chỉ tiêu đào tạo. Nói cách khác là phải có quyết định cho phép đào tạo thì sau đó mới giao chỉ tiêu.

Tuy nhiên, trường Đại học Đông Đô đã không thông qua Vụ Đại học để trình việc xin phép đào tạo mà lại trực tiếp trình Vụ Kế hoạch Tài chính để xin xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh. Quá trình duyệt thì Vụ Kế hoạch Tài chính đã không kiểm tra xem trường Đại học Đông Đô đã được cho phép đào tạo văn bằng 2 hay chưa nên mới dẫn đến sai phạm này”.  

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, việc Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) ra thông báo xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường, trong đó có xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 khi mà trường đó chưa được cấp phép không phải chỉ có mỗi trường Đại học Đông Đô, không ít trường khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Đừng bỏ lỡ
Lộ diện đơn vị tiếp tay cho trường Đại học Đông Đô vi phạm đào tạo văn bằng 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO