Lộ Chân tướng người nước ngoài dùng "chân rết" lừa rút tiền qua tài khoản

anninhthudo| 15/09/2019 19:47

Diễn ra dai dẳng, thủ đoạn tinh vi, hoạt động của tội phạm chuyên nhắm vào tài khoản ngân hàng ngày càng hiện rõ với những dấu hiệu mang yếu tố nước ngoài. Cùng với công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng thì đối với các tổ chức, cá nhân, bài học cảnh giác, chủ động nhận biết tội phạm là không bao giờ thừa.

ảnh 1Những tên tội phạm “nội”, “ngoại” liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao bị bắt giữ

Hám lời nhỏ, tiếp tay cho tội phạm

Từ thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, mới đây Phòng CSHS (CATP Hà Nội) đã khuyến cáo, chỉ rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm chiếm đoạt tiền qua thẻ ATM. Đó là lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hám lợi của một số công nhân, người lao động tự do, sinh viên, người dân ở các vùng nông thôn, đối tượng tội phạm người nước ngoài đã thuê họ đến ngân hàng mở tài khoản chính chủ, đăng ký làm thẻ ATM, sim liên kết tài khoản ngân hàng, thiết bị Token (là thiết bị do ngân hàng cung cấp để lấy mã khi chuyển khoản qua Internet banking).

Sau đó, những tài khoản, thẻ ATM này được thu gom bán lại cho các đối tượng lừa đảo mà không cần biết chúng sẽ sử dụng để làm gì. “Thù lao mà các cá nhân tham gia làm thẻ ATM cho đối tượng cầm đầu không đáng là bao so với số tiền mà chúng chiếm đoạt được. Đáng lo ngại, sự riêng biệt về quy trình làm thẻ ATM, nhận tiền rồi chuyển tiền giữa các đối tượng khiến công tác đấu tranh gặp không ít khó khăn. Đa phần trong các vụ án, đối tượng cầm đầu đều ở bên kia biên giới, từ đó chúng chỉ đạo các “chân rết” tại Việt Nam thực hiện hành vi tội phạm” - chỉ huy Phòng CSHS nhận định.

Minh chứng cho điều này là chuyên án do Văn phòng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội vừa khám phá với 3 đối tượng đã bị khởi tố gồm: Nguyễn Văn Nhật (SN 1995) và Trần Ngọc Lâm (SN 1993, có 1 tiền án về tội Đánh bạc), cùng trú ở xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Ngô Anh Tuấn (SN 1996) trú tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hám lợi của một số công nhân, người lao động tự do, sinh viên, người dân ở các vùng nông thôn, đối tượng tội phạm người nước ngoài đã thuê họ đến ngân hàng mở tài khoản chính chủ, đăng ký làm thẻ ATM, sim liên kết tài khoản ngân hàng, thiết bị Token (là thiết bị do ngân hàng cung cấp để lấy mã khi chuyển khoản qua Internet banking). Sau đó, những tài khoản, thẻ ATM này được thu gom bán lại cho các đối tượng lừa đảo mà không cần biết chúng sẽ sử dụng để làm gì.

Nạn nhân trong vụ án, người suýt bị “bay hơi” số tiền khoảng 700 triệu đồng, là ông Nguyễn (SN 1950, trú tại  phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trưa 3-7-2019, đang chuẩn bị ăn cơm, ông Nguyễn nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0243.8283941 của một phụ nữ tự giới thiệu là cán bộ bưu điện. Người này thông báo về việc Tòa án nhân dân TP Hà Nội gửi giấy mời làm việc liên quan đến khoản tiền 40 triệu đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mà ông từng vay đến nay chưa trả.

Ông Nguyễn thắc mắc và lập tức người phụ nữ trên hướng dẫn ông kết nối với “Đường dây nóng” của CATP Hà Nội để trình báo, đồng thời chuyển máy cho 1 nam giới tự xưng là Trung úy Nguyễn Vũ Đông - cán bộ Cơ quan CSĐT của CATP Hà Nội. “Trung úy Đông” yêu cầu ông Nguyễn cung cấp các thông tin cá nhân rồi thông báo rằng, ông đang đứng tên chủ tài khoản mở tại Ngân hàng Bắc Á với số tiền khoảng 6 tỷ đồng.

“Tài khoản trên có giao dịch thường xuyên với các đối tượng buôn bán ma túy. Cơ quan điều tra đã bắt giữ một số đối tượng và quá trình khám nhà đã thu được thẻ ATM mang tên ông. Do đó, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt tạm giam ông thời hạn 4 tháng và đang chờ Viện Kiểm sát phê chuẩn” - người tự xưng là “Trung úy Đông” tuyên bố. Nghe những thông tin này ông Nguyễn như muốn rụng rời chân tay...

Cứ thế, ông Nguyễn răm rắp thực hiện yêu cầu của các đối tượng. Ngay trong ngày hôm đó ông đã ra ngân hàng chuyển tổng số tiền hơn 700 triệu đồng đến tài khoản mang tên Ngô Anh Tuấn mở tại Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Long Biên. Chuyển xong tiền, gia đình ông Nguyễn mới  bừng tỉnh, nghi ngờ bị các đối tượng lừa đảo và làm đơn trình báo đến cơ quan công an.

Tiếp nhận trình báo của ông Nguyễn, Đội 3 - Văn phòng Cơ quan CSĐT cùng các đơn vị chức năng lập tức phối hợp với Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Long Biên để xác minh và phát hiện đối tượng Ngô Anh Tuấn đến thực hiện giao dịch rút 500 triệu đồng từ số tài khoản 170110101000290. Đi cùng với Tuấn là Trần Ngọc Lâm. Qua đấu tranh, Tuấn và Lâm khai nhận thực hiện rút tiền theo yêu cầu của Nguyễn Văn Nhật. Cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập Nguyễn Văn Nhật và các đối tượng liên quan.

Lời khai của các đối tượng này thể hiện đã được một số “ông trùm” ở Đài Loan (Trung Quốc) thuê đứng tên làm thẻ ATM, mở tài khoản ngân hàng chuyên để nhận và chuyển tiền theo chỉ đạo của những kẻ ở bên kia biên giới. Không cần biết ý đồ của các “ông trùm” là gì, nhóm Nhật, Tuấn quan tâm nhiều hơn đến việc được trả công 2 triệu đồng/tài khoản. Từ tháng 5-2019 đến khi bị bắt, Nhật đã sử dụng CMND và các thông tin cá nhân để đăng ký mở 2 tài khoản ngân hàng, đồng thời thuê Ngô Anh Tuấn mở 9 tài khoản, Trần Ngọc Lâm mở 2 tài khoản, Nguyễn Văn Lưu mở 5 tài khoản, Vũ Thị Lan mở 1 tài khoản tại nhiều ngân hàng để cung cấp cho đối tượng và nhận thù lao 17 triệu đồng.

ảnh 2Tang vật 1 vụ án làm giả, sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền

Khi tội phạm “ngoại” ra tay 

Không chỉ trực tiếp thuê người bản địa làm thẻ ATM, mở tài khoản ngân hàng, “xu hướng” gần đây là sự xuất hiện của tội phạm mang yếu tố nước ngoài trực tiếp sang Việt Nam phạm tội dưới hình thức đi du lịch, hoặc nhập cảnh trái phép, “kiếm ăn” chớp nhoáng ở các vùng giáp biên rồi chuồn về nước.

Vương Đại Sâm (SN 1981, quê quán Quảng Tây, Trung Quốc), là “cao thủ” trong lĩnh vực này. Sâm bị bắt quả tang khi đang dùng thẻ giả rút tiền tại máy ATM của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Hạ Long thuộc phường Hồng Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tang vật mà cơ quan công an thu được của hắn gồm 15 thẻ ATM giả, 700.000 đồng, 1 điện thoại iPhone... Khám xét khẩn cấp nơi ở của Vương Đại Sâm tại căn phòng trên tầng 7 khách sạn Seoul  (khu 3, phường Hồng Gai, TP Hạ Long), cơ quan công an thu giữ thêm 29 thẻ ATM giả, 1 máy tính xách tay, 3 máy sao chép dữ liệu, 4 USB lưu trữ thông tin mà đối tượng đã lấy trộm và sao chép của khách hàng.

Bị TAND tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử mới đây, Vương Đại Sâm khai nhận, từ tháng      3-2018, hắn đã nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Đà Nẵng. Với mục đích trộm cắp tiền từ tài khoản ngân hàng, Vương Đại Sâm mang theo các “phôi” thẻ ATM, thiết bị sao chép, thiết bị ghi thông tin thẻ, máy tính xách tay nhằm thực hiện hành vi tội phạm. Sau khi nhập cảnh, gã đã lắp được thiết bị sao chép thông tin tại máy ATM của một ngân hàng trên đường Ngũ Hành Sơn, nhưng chưa thực hiện được việc đánh cắp tiền.

Sau đó, Vương Đại Sâm quay về Hạ Long dùng thẻ ATM giả rút được 5,7 triệu đồng. Tiếp đó, từ ngày 20 đến 29-4-2018, gã lắp thiết bị sao chép thông tin thẻ ATM tại nhiều máy ATM ở Phú Quốc (Kiên Giang) và thành phố Đà Nẵng rồi dùng thẻ ATM giả rút được gần 120 triệu đồng. Ngoài ra, Vương Đại Sâm khai nhận,  tháng 12-2017, bằng các thủ đoạn trên, hắn cùng một đối tượng đồng hương đã sao chép dữ liệu tại máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đặt ở Nhà thi đấu tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, các đối tượng sang Hải Phòng dùng thẻ ATM giả rút tiền tại nhiều máy ATM của nhiều ngân hàng khác nhau, chiếm đoạt được hơn 385 triệu đồng. Vương Đại Sâm đã phải chịu bản án 14 năm tù do hành vi phạm tội của mình.

Tương tự, đối tượng Tăng Cẩm Bằng (34 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam thực hiện tội phạm để gỡ gạc lại số tiền lớn từng bị mất do… thua bạc. Tăng Cẩm Bằng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi lang thang đến nhiều địa phương, cài đặt thiết bị  đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân lên máy ATM. Sau vài phi vụ trót lọt, Tăng Cẩm Bằng bị tổ công tác CATP Lào Cai bắt quả tang khi đang sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền tại một số máy ATM ở khu vực phường Cốc Lếu.

Ra sức chối cãi, nhưng cuối cùng “con bạc khát nước” này đã không lý giải được mục đích mang theo hơn 100 chiếc phôi thẻ nhựa cứng có đặc điểm giống thẻ ngân hàng, thẻ sim điện thoại, cùng nhiều tài liệu có liên quan. Tăng Cẩm Bằng khai nhận, sau lần thua bạc với người đồng hương tên là Nhãn Kính, anh ta được thuê sang Việt Nam dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại. Theo thỏa thuận, Nhãn Kính sẽ cung cấp “đồ nghề”, lộ phí để Bằng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Nếu rút trộm thành công, Tăng Cẩm Bằng sẽ được hưởng 20% giá trị số tiền. 

Hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp hơn nữa là Phan Lộ Căn (SN 1987) và Trương Hữu Bằng (SN 1989), đều trú ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Xẩm tối một ngày trung tuần tháng 2-2019, tại khu vực đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, Lạng Sơn, cặp đôi này bị lực lượng CSHS - Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các đơn vị chức năng bắt quả tang đang thực hiện hành vi lắp đặt thiết bị đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân tại 2 máy ATM.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, cơ quan chức năng thu giữ 11 thẻ ngân hàng (trong đó có 9 thẻ giả chứa dữ liệu tài khoản khách hàng) và nhiều thiết bị, linh kiện điện tử phục vụ cho việc làm thẻ giả, đánh cắp dữ liệu. Đáng chú ý là đối tượng Trương Hữu Bằng đang bị Công an Trung Quốc truy nã về hành vi sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Lộ Chân tướng người nước ngoài dùng "chân rết" lừa rút tiền qua tài khoản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO