Theo đó, do các khu neo đậu quá tải nên hàng trăm tàu cá đã neo dọc 2 bên sông Gianh (đoạn qua xã Quảng Văn) để trú tránh bão số 10. Tuy nhiên, do sức gió quá mạnh đã đánh dạt hàng chục tàu lên bờ và mắc cạn.
Sau khi bão tan, việc trục vớt các tàu trên gặp rất nhiều khó khăn và gây thiệt hại nặng về kinh tế vì kinh phí cứu hộ khá lớn.
Theo các ngư dân, việc trục vớt các ngư dân phải tự chịu hoàn toàn. “Nếu thuyền nào có mua bảo hiểm thì đỡ, nếu không có bảo hiểm thì phải tự bỏ tiền túi ra thuê trục vớt, rất tốn kém” – một ngư dân cho biết.
Ngư dân Nguyễn Xuân Hải (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) cho biết, nguyên nhân là do địa phương thiếu nơi trú tránh bão an toàn, khi bão gần đến, các ngư dân tìm về khu neo đậu sông Gianh thì đã kín chỗ nên phải chạy ngược sông Gianh lên trú bão. Gió bão cùng triều cường dâng cao đã đẩy con tàu sát lên chân đê, đến khi hết bão cũng là lúc triều cường xuống rất nhanh nên bây giờ tàu bị mắc cạn ở đây không ra được.
Ngày 24.9 ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình - cho biết, hiện vẫn đang còn tàu cá của ngư dân bị mắc cạn sau bão số 10. Sau khi bão tan, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở NNPTNT và Chi cục thủy sản Quảng Bình kiểm tra các tàu bị mắc cạn, hư hỏng để động viên trước hậu quả xảy ra. Trước mắt, động viên ngư dân tự bỏ kinh phí để thực hiện công tác cứu cạn, trục vớt, tỉnh xem xét hỗ trợ sau.
Theo phản ánh của các ngư dân, do các khu neo đậu tránh trú bão hiệu quả trên địa bàn Quảng Bình quá tải nên nhiều tàu cá không vào được bên trong mà phải neo bên ngoài, dẫn đến bị thiệt hại do bão. Trong khi đó một số khu neo đậu khác được đầu tư xây dựng thì không phát huy hiệu quả. Vì vậy, việc đầu tư thêm hoặc mở rộng quy mô các khu neo đậu tránh trú bão tại Quảng Bình là việc làm rất cần thiết để tránh thiệt hại cho ngư dân.