Thăm mộ cha
Bấy lâu cách trở xa quê,
Đến nay con mới trở về cố hương.
Làng xưa Phong Mục thân thương,
Nao nao con thấy vấn vương trong lòng.
Nước sông Mã vẫn một dòng,
Tha hương con vẫn ước mong ngày về.
Ngược dòng sông tới Đan Nê,
Dưới chiều mưa lạnh con về thăm cha.
Ngẫm đời bao nỗi xót xa,
Âm, dương đôi ngả cách xa muôn trùng.
Cỏ xanh ấp mộ anh hùng,
Khí thiêng rạng cả một vầng trăng soi.
Năm năm Côn Đảo mù khơi,
Săng-Tan tám tháng ngậm ngùi trong lao.
Vận đời gặp cảnh lao đao,
Kiên trung rỏ giọt máu đào ngàn thu.
Tam Thai ẩn hiện sương mù,
Hương đồng, gió núi mãi ru cha nằm.
Mưa giăng, gió lạnh cõi lòng.
Con quỳ trước mộ, lệ dòng tràn mi …
Thắp hương lễ tạ, con đi,
Hồn cha theo mãi, độ trì cháu con.
Phong Mục, Hậu Lộc, 6/1990
Nói tiếng quê Thanh Hóa
Bên ni (1), lại nhớ bên tê,
Mần răng, mi cũng nhớ quê mà viền.
Ở nhà, tau vẫn bình yên,
Nhưng mà chẳng biết đi viền nơi mô.
Sáng chiều con diếc, con rô,
Con tôm, con tép ra vô ruộng vườn.
Ra đồng tìm kiếm con lươn,
Con cua, con ốc, rau vườn nấu canh.
Bọn choa dưới mái nhà tranh,
Chồng chan, vợ húp để dành phần con.
Những lo trăm sự vuông tròn,
Mong sao con lớn, con khôn hơn người.
Xuân ni như đã qua rồi,
Bây chừ, ngẫm lại cuộc đời nhớ ghê!.
TP. Hồ Chí Minh – 1998
......................................................................
Những chữ in đậm là tiếng quê Thanh Hóa.
Bánh giò
Bánh giò Thanh Hóa ở phương xa,
Tinh khiết thơm ngon rất đậm đà.
Hoằng Hóa cổ truyền, chuyên nghề bột,
Ăn rồi nhớ mãi bánh Thanh Hoa.
Mỗi lần giỗ, tết, ghé thăm bà,
Bánh giò nóng sốt được lấy ra,
Vừa ăn, vừa thổi, nghe bà đọc,
“Ăn rồi nhớ mãi bánh quê choa”
Viếng mộ mẹ
Dâng hương trước mộ ngẩn ngơ hồn,
Con trẻ chân thành giải tấc son,
Nhớ mẹ bao công sinh dưỡng dục.
Thương cha nuôi dạy một đàn con.
Mẹ ơi thấu nỗi khổ lòng con,
Báo đáp ơn sâu chẳng vẹn tròn,
Bởi chưng khuất núi còn non trẻ (1),
Chẳng được sum vầy lũ chúng con.
Phong Mục 1990
....................................................................................
(1) Cụ bà mất năm 36 tuổi khi bà Phan 18 tháng tuổi
Nhớ quê hương
Đường đi vất vả loanh quanh,
Về đến Phong Mục như thành mới xây.
Chị em, con cháu về đây,
Ai ngờ ta lại có ngày hôm nay.
Ngẫm đời bao nỗi đắng cay,
Cửa tan, nhà nát, biết ngày nào quên.
Bão to, mưa lớn, nước lên,
Không chìm, ta lại nổi trên đất người.
Cảnh xưa, nay lại về chơi,
Dâng hương lễ Tổ thăm trời đất quê.
Tự vịnh
Thôn nữ họ Lê đáng tự hào,
Nam nhi hồ dễ há thua sao!
Vượt qua gian khổ không sờn chí,
Vất vả càng nung ý chí cao.
Trong buổi loạn ly đành phải chịu,
Hòa bình mở rộng mối tương giao.
Đời còn cơ hội, còn thi thố,
Quyết chí làm nên sự nghiệp cao.
Anh em gặp nhau
Chỉ mong gặp được một lần thôi,
Sao mãi vẫn không có nữa rồi,
Bởi tại vì đâu thành xa cách?,
Mái đầu tóc bạc, lại răng rơi.
Gặp anh, gặp chị rất là vui,
Kể đến chuyện xưa những ngậm ngùi,
Nhớ lúc còn cha em là bé,
Mẹ thì mất sớm có cha nuôi.
Nhớ ông nhà
Đêm qua vơ vẩn tựa quanh bàn,
Nhớ đến ông nhà thắp nén nhang.
Tầm tã mưa rơi hồn phố vắng,
Vơi đầy số phận mảnh hồng nhan.
Tình xưa ai thấu lòng khôn xiết,
Nghĩa cũ còn đây dám phũ phàng.
Về trời, quy tiên, chầu cõi Phật,
Tháng ngày đau đớn nỗi trần gian.
Đi Đà Lạt
Hành hương Đà Lạt đi xa,
Vui cùng Kim Xuyến – Anh Hoa lên đường.
Lên chùa thắp một nén hương,
Lê Phan quỳ lạy, lễ thường kính dâng.
Bạch Yến săn sóc ân cần,
Đưa đón khách sạn mọi phần tươi vui.
Sư thầy căn dặn mấy lời,
Nào đi, nào đứng, lễ thời trang nghiêm.
Thăm quan hồ, suối, chùa chiền,
Danh lam thắng cảnh, đường lên dốc nhiều.
Nhà riêng Bảo Đại mỹ miều,
Đã nhiều phòng ở, lại nhiều hoa lan.
Chiều về lại được tham quan,
Nào hồ Than Thở, nào gian chợ trời.
Cam Ly dòng thác đầy vơi,
Toàn quyền dinh thự vào rồi lại ra.
Đà Lạt nhiều nhất là hoa,
Thứ hai rau củ, thứ ba dâu chè.
Đường đi trăm núi ngàn khe,
Thông reo, trúc múa đi về bình an.
Cảm ơn thầy đã chu toàn.
Đà Lạt, 1989.
Gửi quê Cổ Định, Nông Cống
Xa xôi xin gửi chút ân tình,
Nam Bắc từ nay ngọn gió lành.
Chúc cả bà con đều hạnh phúc,
Nhớ sông, nhớ núi, nhớ quê Thanh.
Đường về Nông Cống vẫn bao quanh
Gốc rễ vẫn tươi, vẫn nảy cành,
Cổ Định năm xưa còn nhớ mãi,
Lá vàng có rụng nảy mầm xanh.