Lê Ngọc Ninh làm thơ từ thời sinh viên nhưng mãi đến gần đây mới liên tục ra mắt Vở cùng hy vọng (2016) và Chưa thể đặt tên (2017). Anh coi Hoàng Nhuận Cầm là một “đại ca” trong lĩnh vực thơ ca...
Không thể không làm thơ
Nói đúng ra thì tập thơ đầu tay của Ngọc Lê Ninh đáng lý phải ra mắt từ năm 1992 khi anh mới tốt nghiệp đại học. Nhưng rồi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Phải tạm quên, hay nói đúng hơn cố quên nàng thơ để lo chuyện cơm áo gạo tiền lúc nào cũng thường trực. Tôi hình dung cả một khoảng thời gian dài hơn hai chục năm không thể nào ngủ quên giấc mơ trở lại với nàng Thơ trong tâm can Ngọc Lê Ninh. Đó có thể coi là một nỗi đau. Nhưng con người ta lớn lên qua nỗi đau. Rồi cũng đến lúc mọi chuyện của đời thường đã được giải quyết ổn thỏa, anh tìm đường trở lại với nàng thơ. Sẽ có người đặt câu hỏi rằng, căn cứ nào để nói vì mưu sinh mà người này phải tạm quên thơ ca? Tôi chỉ muốn nói có lẽ quãng thời gian dài dằng dặc đó, cũng có thể vì gánh nặng mưu sinh, học hành vất vả để đỗ đạt, nhưng cái chính là Ngọc Lê Ninh muốn làm một cuộc trắc nghiệm cẩn thận về bản thân liệu có còn giữ được tình yêu thơ ca hay không? Hơn thế cũng là cơ hội để tích lũy, lắng đọng, kết tinh, trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa, để khi xuất hiện chính thức sẽ có tư thế đàng hoàng trước văn giới. Và không ngẫu nhiên các bậc đàn anh trong làng thơ như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến lại “để mắt” tới cậu em tốt tính, giỏi giang và hay thơ. Lần đầu tôi gặp Ngọc Lê Ninh ở khoa Viết văn – Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) trong một sự kiện văn chương. Hôm đó anh đọc hai bài thơ của mình và được cử tọa vỗ tay tán thưởng rất lâu. Cũng hôm đó tôi mới biết anh là dân kỹ thuật có đẳng cấp. Thật là “ngạc nhiên chưa?”. Một nhà thơ và một Tiến sĩ chất nổ trong một Ngọc Lê Ninh. Mới đây trong một cuộc giao lưu bạn văn, anh tặng tôi hai tập thơ rất đẹp cả về hình thức và nội dung. Cũng từ hôm đó tôi khắc ghi câu nói chân phương, chân thành của Ngọc Lê Ninh: “Với em, không thể không làm thơ!”.
Thế sự và tình yêu
Bốn chín tuổi nhưng trông Ngọc Lê Ninh không già vì khuôn mặt sáng láng, cử chỉ khoáng đạt, là người quảng giao, hào hiệp nên nhiều người nghĩ thơ anh này vui vẻ, rộn ràng lắm đây. Thực ra không phải như thế. Trong một lần đọc thơ tặng bạn văn, có người khen thơ thế sự của anh, có người trái lại khen thơ tình yêu viết như Ngọc Lê Ninh là khá độc đáo.
Đọc hai tập thơ Ngọc Lê Ninh tặng, riêng tôi có cái cảm giác thơ anh giàu cảm hứng tương lai. Nghĩa là nhà thơ cố gắng thoát ra khỏi quá khứ nếu nó trì níu ta, nếu nó làm “bóng đè” ta. Cảm hứng này, tôi nghĩ, là do chỗ anh tin vào sức trẻ có thể làm cho “Tất cả buồn vui ngủ vùi trong ký ức” và làm sao để mỗi ngày sống là như một “Trang sách mới dòng đời lại mở” (Trên cánh đồng khát vọng). Có thể nói cảm hứng tương lai đã đánh thức khát vọng sống, cống hiến ở mỗi con người. Đó là sức bật của thơ Ngọc Lê Ninh, kiến tạo nên chất trẻ khỏe của thơ, rất khác với một số cây bút thường hay rên rỉ, rầu rĩ, yếu mềm, điệu đàng trong thơ. Tác giả trưởng thành trong thời Đổi mới, mở cửa và hội nhập của đất nước nên thơ anh dĩ nhiên cũng không thể quay lưng với thời cuộc. Bài Thơ mở cửa, có thể nói, khúc xạ đủ đầy tư tưởng, tình cảm của nhà thơ “Đêm nay từng con chữ/ Bò trên giấy nghẹn ngào/ Thơ nằm như tắt thở/ Đời mình sẽ ra sao?/ Thời mở cửa xôn xao/ Người kiếm tiền như nước/ Thơ mở cửa ai vào/ Chỉ Tôi - Anh biết được (...)”. Người ta gọi đó là cảm hứng trữ tình - công dân. Thơ bây giờ đa số chui sâu leo cao vào cái “tôi” thành thử đôi khi tủn mủn, vụn vặt, thiếu sinh khí đời sống là vì thế. Nên đọc thơ thế sự của Ngọc Lê Ninh lại thấy mừng và yên tâm vì thơ vẫn còn nhiều ấm nóng tình đời. Thơ vẫn còn lửa, chưa nguội lạnh.
Nhưng thế mạnh của Ngọc Lê Ninh là thơ tình yêu. Ngọc Lê Ninh giản dị khi viết về tình yêu của con người thông qua cảm xúc và tâm trạng của chính mình. Trong hai tập thơ vừa nói trên (gồm 58 bài), thì có đến quá nửa số bài viết về tình yêu. Tiêu biểu như: Đứt gãy tình yêu, Tình chay, Rubic tình yêu, Cứ yêu đừng ngại, Tình yêu nháp, Khi tình yêu gặp hạn, Chiếc lá hình trái tim, Viên đạn tình yêu, Tình yêu một nửa, So le tình, Cây tình yêu trụi lá, Facebook tình, Đèn tình, Khi tình yêu vùng dậy... Tình yêu trong thơ Ngọc Lê Ninh mang dấu ấn thời đại như bài Rubic tình yêu “Anh xoay trăm ngả/ Anh đảo trăm chiều/ Mà sao quái lạ/ Trăm chiều không em?/ Rubic tình yêu/ Em đùa nghịch mãi/ Tình anh vụng dại/ Đuổi hoài tình em/ Rubic tình yêu/ Sắc màu em trộn/ Rối tung đời anh/ Tìm em lẫn lộn/ Ước gì đêm rộng/ Ngày chạy dài ra/ Để anh vặn được/ Đúng chiều hai ta?”. Dẫn ra một bài tiêu biểu như thế để thấy thơ tình yêu của Ngọc Lê Ninh không nằm trong khuôn khổ truyền thống. Nó là sự phá cách đẹp, dễ chấp nhận, có hấp lực. Bài Tình chay, tôi nghĩ, cũng mang hơi thở thời đại khi con người đang ngày càng thiếu lòng trung thực nhưng lại hay vay mượn cái khác để tô son điểm phấn. Cần phải “bóc mẽ” điều “sái” này của con người thời nay theo cách của Ngọc Lê Ninh “Chẳng biết tự khi nào/ Trái tim tôi gào thét/ Em ở đâu vì sao/ Bỏ mặc tôi giá rét /(...). Tôi ăn chay tình yêu/ Đời thiếu em nhạt thếch/ Kiếp đơn tình cô liêu...”. Nói vui thì Ngọc Lê Ninh là người cổ súy, cổ động cho tình yêu nhiệt thành hơn ai hết kiểu như Cứ yêu đừng ngại “Đời còn trẻ cứ yêu đi đừng ngại/ Trái đất này xanh mãi cũng vì yêu/ Hoa vẫn thơm và nở cánh nhiều nhiều/ Chim khỏe cánh và bay vào vũ trụ/ Không giải thích cũng chẳng cần lý sự/ Biển đã dâng yêu thì núi phải mòn tình/ Đừng chần chừ đừng quay mắt lặng thinh/ Mà nỗi nhớ trói thời gian ngạt thở/ Hãy lấn át vào nhau như nước lũ/ Cho máu thương yêu cuồn cuộn chảy nối dòng/ (...). Trong ngực trẻ chớ để tình yêu ngủ/ Kẻo mai sau thức hận với tuổi chiều/ Trái đất này xanh mãi cũng vì yêu/ Đời còn trẻ cứ yêu đi đừng ngại”. Đúng là tình yêu gieo mầm sự sống. Thơ tình yêu của Ngọc Lê Ninh vì thế, theo tôi, như liều thuốc cải lão hoàn đồng. Nó nói về niềm vui sống, ham sống, tận hiến và tận hưởng của con người thời nay, nhất là lớp trẻ. Anh sống và viết theo tinh thần hiện sinh, dẫu cho có ý thức hoặc không có ý thức.
Tìm chữ cho thơ
Ngọc Lê Ninh luôn có ý thức tìm chữ cho thơ. Bài Lá thu (1992) là một ví dụ về lao động chữ nghĩa – lao động nghệ thuật “Gió trở mình rất khẽ/ Ve lạc giọng não nề/ Chim bảo nhau thỏ thẻ/ Thu về em có nghe/ Lá nhuộm buồn vàng hoe/ The the từng nỗi nhớ/ Chợt bứt mình vô cớ/ Đau lòng chiều rơi rơi/ Nằm sấp ngửa lòng tôi/ Chân em thản nhiên bước/ Con đường vàng đẫm nước/ Trong mắt màu thu trôi”. Đây là một trong những bài thơ đầu tay của Ngọc Lê Ninh. Đến Áo thu rơi (2016), tức là hơn hai mươi năm, vẫn thấy tác giả kỹ lưỡng, chỉn chu với con chữ “Gió bất chợt luồn tay vào khóm lá/ Chim giật mình ngơ ngác mắt mùa thu/ Mây sà xuống đồi non hôn hối hả/ Áo thu rơi bờ cỏ đẫm sương mù/ Nghe tí tách xôn xao dòng suối chảy/ Run trời đất trộn hòa nhau hết thảy/ Mưa bay bay hương thơm tỏa ngạt ngào”. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có lý và có tình khi nhận xét: “Có rất nhiều câu thơ và một số bài thơ vẫn còn rất mới, mới ngỡ như Ninh vừa viết xong buổi sáng hôm nay. Lạ nhỉ? Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra câu trả lời cho mình. Có lẽ cái mới nằm tiềm ẩn ở trong cách cảm, cách nghĩ, cách lập thi tứ và đặc biệt là ở cách sử dụng ngôn từ vô cùng mạnh mẽ của anh”.