Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. |
Tham dự Lễ kỷ niệm, về phía Việt Nam có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào do đồng chí Phankham Viphavanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước dẫn đầu, cùng đông đảo cán bộ, lưu học sinh Lào đang học tập, công tác tại Việt Nam đã tham dự Lễ kỷ niệm.
Tham dự buổi lễ còn có đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hội hữu nghị Việt Nam - Lào; Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhân sỹ, trí thức và đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Nhân dịp này, các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn khai mạc tại Lễ kỷ niệm. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ôn lại kỷ niệm về tình hữu nghị quý báu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Theo đó, cách đây 55 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt, nhưng những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, đó là Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào đã được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam. Với thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, để đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977. Trong đó nhấn mạnh: “Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước là một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai dân tộc, hai Đảng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, 40 năm qua, hiệp ước đó đã trở thành cơ sở chính trị pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mỗi nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng 55 năm qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Bởi lẽ, đó là mối quan hệ phát triển bền vững từ quan hệ truyền thống thân thiết, trở thành quan hệ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và cùng với các đồng chí Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp. Đó là mối quan hệ thể hiện những ước vọng tha thiết của nhân dân hai nước là đoàn kết, giúp nhau chống kẻ thù chung, xây dựng mối quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa hai quốc gia. Đó là mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững, mang tính xuyên suốt trong các giai đoạn lịch sử, các chặng đường, các bước chuẩn bị, bước trước chuẩn bị cho bước sau tiếp tục phát triển, tiến tới thắng lợi lịch sử của hai nước Việt Nam - Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội hiện nay”...
Tiết mục văn nghệ chào mừng tại Lễ kỷ niệm. |
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự biết ơn trước tình cảm, sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào trong những năm qua. Tổng Bí thư vui mừng trước những kết quả mà Lào đã đạt được, nhất là sau 30 năm đổi mới. Tổng Bí thư tin tưởng, với sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, sự bản lĩnh điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Lào sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ X và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ tám; xây dựng thành công một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh theo mục tiêu Xã hội chủ nghĩa...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào thời gian tới sẽ tiếp tục được vun đắp, bền vững và đẩy lên một tầm cao mới, cùng nhau xây dựng mỗi nước ngày càng phồn vinh, hòa bình, độc lập, dân chủ, văn minh; đời sống của nhân dân ấm no, hạnh phúc; góp phần giữ gìn hòa bình trong khu vực và trên thế giới...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí PhanKham Viphavanh cũng đã ôn lại kỷ niệm về tình hữu nghị quý báu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; bày tỏ sự biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào trước những tình cảm và sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Lào trong những năm qua. Đồng chí PhanKham Viphavanh vui mừng trước những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong hơn 30 năm đổi mới. Đồng chí khẳng định và tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Lào ngày càng bền vững, nâng lên một tầm cao mới, cùng nhau xây dựng mỗi nước ngày càng phồn vinh; dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...