Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn - chùa Hương

Hoàng Lân/Ảnh: Viết Thành/HNM| 20/09/2018 07:24

Tối 19-9, lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn (còn gọi là chùa Hương), chào mừng 60 năm Bác Hồ về thăm chùa Hương, 130 năm thành lập huyện Mỹ Đức diễn ra long trọng tại quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Tới dự có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội; đại diện Ban trị sự Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự Hội Phật giáo TP Hà Nội cùng các hoà thượng, tăng ni, phật tử và nhân dân huyện Mỹ Đức.

Thay mặt lãnh đạo huyện Mỹ Đức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt báo cáo về giá trị quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn, dấu mốc 60 năm Bác Hồ về thăm chùa Hương và thành tựu trong 130 năm xây dựng, phát triển huyện.

Theo đó, quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn có những giá trị đặc biệt cả về hệ sinh thái, kiến trúc, phong cảnh, giá trị phật giáo, kinh tế, lịch sử… Ngày 19-5-1958, Bác Hồ về thăm chùa Hương, đến nay vừa tròn 60 năm. Đó là dấu mốc quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức luôn ý thức giữ gìn, phát triển các giá trị của quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn. Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn là di tích quốc gia đặc biệt.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao bằng di tích Quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn – chùa Hương cho đại diện lãnh đạo chính quyền, Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn và nhân dân huyện Mỹ Đức.
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn - chùa Hương
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn - chùa Hương.

Niềm vui chung của nhân dân Thủ đô

Phát biểu và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đây không chỉ là ngày hội lớn, niềm vinh dự, tự hào của huyện Mỹ Đức mà còn là niềm vui chung của nhân dân Thủ đô. 

“Mỹ Đức là vùng đất cổ, nơi có bề dày về lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng rất đáng tự hào. Sau mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, cùng với các huyện, thị xã của tỉnh Hà Tây, huyện Mỹ Đức đã trở thành 1 trong 30 đơn vị hành chính thuộc Thủ đô Hà Nội. 

Với lịch sử 130 năm xây dựng và trưởng thành, nhân dân huyện Mỹ Đức đã sáng tạo nên đời sống văn hoá đa dạng, đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bề dày văn hoá, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội; đã bảo tồn và phát huy tốt các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đồng thời nỗ lực cố gắng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của huyện”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ghi nhận.

Đồng chí cho biết, trước những yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, của công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, tranh thủ tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên trên mọi lĩnh vực và thu được những kết quả đáng trân trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân của huyện tăng từ 6,6 triệu đồng/người năm 2008 lên 34,1 triệu đồng/người vào năm 2017; năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo là 16,73%, đến 2017 giảm còn 5,9%; hạ tầng cơ sở về giao thông, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp; công cuộc xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai, toàn huyện đã có 9/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến hết năm nay sẽ có 11/21 xã nông thôn mới. 

Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính đã trở thành Thủ đô có diện tích lớn, đa dạng, phong phú về địa hình, cơ cấu dân số, văn hoá, xã hội. Đặc biệt là sự giao thoa và cộng hưởng của lịch sử văn hoá Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến với văn hoá đặc sắc của các địa phương khác, trong đó có các danh làm thắng cảnh và hệ thống các di tích lịch sử có giá trị. Điều đó đã làm cho Hà Nội là nơi có số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đứng đầu cả nước; trong đó, nhiều di tích đã được UNESCO vinh danh, được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. 
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn - chùa Hương
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tặng hoa chúc mừng huyện Mỹ Đức

Bí thư Thành uỷ khẳng định, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân Thủ đô luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản quý giá này nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, tinh thần tự hào dân tộc và bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ; phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức được tạo hoá ban tặng những nét độc đáo riêng, có giá trị đặc biệt; tạo ra bởi hệ thống các núi đá vôi với nhiều hang động được hình thành từ hàng trăm triệu năm, kết nối với nhau bằng dòng chảy quanh co uốn lượn như dải lụa của suối Yến; có hệ sinh thái động - thực vật phong phú, với trung tâm là cụm đền chùa, hang động - nổi tiếng nhất là động Hương Tích, nơi có chùa Hương. 

Lễ hội chùa Hương truyền thống hàng năm thường kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch luôn được xem là lễ hội có quy mô lớn nhất miền Bắc, thu hút đông đảo khách thập phương. Đặc biệt, chùa Hương đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cách đây tròn 60 năm. Với những giá trị tiêu biểu đó, quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt với Quyết định số 2082 ngày 25-12-2017. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc ta nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng; một lần nữa khẳng định giá trị di sản của quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương). 

“Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) hôm nay là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức và cả thành phố chúng ta; càng có ý nghĩa hơn khi đúng dịp tổ chức 130 thành lập huyện Mỹ Đức và 60 năm Bác Hồ về thăm chùa Hương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ quyết tâm bảo vệ, phát huy giá trị để phát triển nơi đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, mà còn là địa chỉ giáo dục về lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường”, đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định.

Thay mặt Thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung và về công tác quản lý Nhà nước, bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh của Thủ đô nói riêng trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp thiết thực hơn để giúp Thủ đô Hà Nội và huyện Mỹ Đức thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị xứng tầm với di tích Quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn - chùa Hương
Chương trình nghệ thuật chào mừng buổi lễ

Sau lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn - chùa Hương là chương trình nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu, hoành tráng và đẹp mắt. Tiêu biểu có màn thực cảnh “Hương Sơn ngày về” với sự tham gia trình diễn của 500 nghệ sĩ và người dân địa phương, tiết mục biểu diễn ca khúc “Về với Mỹ Đức yêu thương”, “Bác Hồ - Một tình yêu bao la”, “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, “Hương thu ca”, “Mẹ quan âm”…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn - chùa Hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO