Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 11km về phía Tây, làng Vạn Phúc xưa còn có tên là trang Vạn Bảo thuộc huyện Thanh Oai, Phủ Ứng Thiên, Đạo Sơn Nam, nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Vạn Phúc nổi tiếng là vùng đất "Cổ tích địa linh", có hàng ngàn năm lịch sử, có dòng sông Nhuệ uốn mình lượn quanh những rặng tre trên sườn đê thoai thoải. Phía bên trái là con sông đào, ôm gọn cả xóm Ngoài và xóm Mái. Trước mặt là con đường giao thông ra vào Thủ đô Hà Nội hoặc di chuyển đi Sơn Tây,
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Vạn Phúc giàu truyền thống Cách mạng này. Tuổi thơ tôi được tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử hồi đó. Mỗi buổi tan trường, tôi thường hay la cà cùng đám bạn nô đùa trên bến sông cạnh ngôi miếu cổ, có nhiều cây muỗm, cây quéo, những cây duối già gốc to sần sùi, mùa hè quả duối chín vàng trong veo như mầu bánh xu xê. Đặc biệt có cây đa cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, hơn chục đứa con nít chúng tôi nắm tay nhau dang ra vòng quanh thân mà ôm cây không hết. Chơi chán, chúng tôi rủ nhau vào nhà bác Tư Thủy ở ngay sau miếu, nghe bác kể chuyện làng mình là An toàn khu cho Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời kỳ đất nước ngàn cân treo sợi tóc. Bác Tư Thủy bảo chúng tôi, cây đa cổ thụ trong miếu ngày xưa là địa chỉ đỏ của các đồng chí giao liên, cái hốc nhỏ trên thân cây đa chính là nơi giấu tài liệu tuyên truyền bí mật. Ngôi nhà của bác Tư Thủy là nơi ở và làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thụ, bác chỉ cho chúng tôi bức tượng bán thân ông Hoàng Văn Thụ được làm bằng thạch cao đặt trên chiếc tủ gỗ, kê ngay ngắn bên cạnh gian thờ gia tiên.
Trong đám bạn tôi có Kim Chi là cháu nội cụ Ba Niệm, Thịnh là cháu nội cụ Bính Thu. Chúng tôi được nghe kể lại, ngôi nhà của cụ Ba Niệm là nơi Xứ ủy Bắc Kỳ họp Hội nghị phát động khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Nhà cụ Bính Thu lúc ấy là cơ quan của báo Cứu Quốc. Nhà cụ Nguyễn Quang Oánh là nơi các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh đã từng ở và làm việc. Nhà cụ Tý Hà là nơi ở và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh…
Một sự kiện đặc biệt đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương từ ngày mùng 3/12 đến ngày 19/12/1946. Cũng tại ngôi nhà này Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ họp bàn về đường lối, phương châm của cuộc kháng chiến và ra chỉ thị "Toàn quốc kháng chiến".
Đêm 18 rạng sáng ngày 19/12/1946, trên căn gác nhỏ, bên ngọn đèn dầu giữa đêm đông giá lạnh, Người đã cho ra đời một văn kiện lịch sử quan trọng mang tính sống còn cho dân tộc Việt Nam. Lời hiệu triệu với giọng văn đanh thép "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Những âm hưởng hào hùng của Lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" mãi mãi là lời thề bất tử của dân tộc Việt Nam.
Trong các tiết ngoại khóa, ôn lại truyền thống lịch sử của quê hương, chúng tôi còn được nghe cô Nguyễn Thị Hà là con gái của cụ Nguyễn Văn Dương kể lại: Cả gia đình cô hồi đó không hề biết người cán bộ đang ở và làm việc tại nhà mình là Hồ Chủ tịch. Chỉ đến khi sắp phải di chuyển đến địa điểm mới, Bác nói lời cảm ơn gia đình đã giúp cho Bác có nơi ăn ở và làm việc chu đáo. Ông Dương vô cùng xúc động khi nghe Bác nói: "Kháng chiến nhất định thắng lợi, còn nhanh hay chậm là do ta, nếu nhân dân ai cũng đồng lòng gắng sức thì giặc Pháp có mạnh đến mấy chúng cũng phải thua". Hai vợ chồng ông Dương lúc đó mới biết người cán bộ quần nâu áo vải, giản dị đến vô cùng lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Mãi sau này cô Hà và các anh trai mới được biết nên cứ nuối tiếc mãi.
Sau cuộc kháng chiến thành công, Vạn Phúc đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, 18 gia đình được tặng Kỷ niệm chương, 13 gia đình được tặng bằng Có công với nước, 16 gia đình được ghi sổ vàng Gia đình cơ sở Cách mạng.
Mãi đến năm 1975 sau khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, non sông liền một dải, ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong những ngày cuối mùa đông năm 1946, đã được Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Hơn 40 năm qua, ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương ở xóm Ngoài nay là Tổ dân phố Đoàn Kết đã được khôi phục làm Nhà lưu niệm Bác Hồ. Các con của cụ Dương đã hiến cả dinh cơ này cho Nhà nước, cùng các hiện vật được giữ nguyên trạng như những ngày Bác Hồ ở và làm việc tại đây.
Ngôi nhà hai tầng kiến trúc theo kiểu Pháp. Tầng trên chính là nơi Bác Hồ ở và làm việc. Vẫn còn đó chiếc giường dẻ quạt đơn sơ, chếc gối gỗ màu gụ như vẫn ấm hơi Người, cạnh đó là bàn làm việc, trên mặt bàn là cây đèn dầu hỏa và bút tích của Người. Nơi góc phòng vẫn đặt cây mắc áo bằng gỗ, đôi tạ tay và chiếc chậu thau đồng, là những kỷ vật thiêng liêng mà gia đình cụ Dương vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
Tầng dưới cũng được giữ y chang như hồi gia đình cụ Dương sống và sinh hoạt hàng ngày. Hai dãy nhà ngang trước đây đặt khung cửi, đồ dùng của gia đình, nay được sửa chữa, bên phải làm phòng khách, bên trái làm phòng trưng bày và phòng bếp được tái hiện các hiện vật, đồ dùng phục vụ đời sống nhà nông như cối xay, cối giã gạo, cái cày, cái bừa, chạn bát, chõng tre, ghế tre, cùng nhiều đồ vật gia dụng khác…
Từ đó đến nay Nhà lưu niệm Bác Hồ đã trở thành Di sản văn hóa Quốc gia. Hàng năm, cứ đến ngày 19 tháng 12, Đảng ủy, Ủy ban, các ban ngành, nhân dân phường Vạn Phúc, Hội liên hiệp phụ nữ, các cháu đoàn viên thanh niên quận Hà Đông lại đến ngôi nhà này tổ chức lễ dâng hương và cùng nhau ôn lại những bài học lịch sử về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết của dân làng Vạn Phúc và của toàn dân tộc Việt Nam. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử của di tích này Nhà lưu niệm Bác Hồ luôn là địa chỉ đỏ của các thế hệ người dân trong cả nước và du khách nước ngoài khi đến tham quan.
Đến Vạn Phúc hôm nay, đi qua chiếc cầu cong cong ngoài đầu làng, du khách như bị lạc vào mê cung giữa hàng ngàn màu sắc của lụa là gấm vóc. Các gian hàng tơ lụa nối nhau san sát và con đường rực rỡ sắc màu của những chiếc ô che cái nắng mùa hè, cái gió rét mùa đông, đã tạo nên một nét rất riêng cho mảnh đất giàu lòng mến khách. Từng con đường mòn, từng ngõ nhỏ, từng mái nhà, gốc đa, bến nước, sân đình nơi đây đều mang trong mình dấu ấn in đậm những mốc son lịch sử của dân tộc. Đó là niềm tự hào đã ăn sâu vào tâm thức của người dân Vạn Phúc qua nhiều thế hệ và mãi mãi mai sau.