Làng Chuôn Ngọ thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên là một trong những làng nghề nổi tiếng, cách trung tâm Hà Nội gần 40 km về phía Nam. Chuôn Ngọ có nghề khảm trai đặc sắc mà ca dao xưa còn ghi:
Chuôn Ngọ có cây bồ đề
Có sông tắm mát, có nghề khảm trai
Đây cũng là một làng cổ còn giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa và những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam xưa. Tuy thời gian và loạn lạc đã phá hủy nhiều, nhưng dấu tích để lại vẫn cho thấy một thời vàng son của làng. Khuôn viên đình làng và những chân cột đã lớn còn lại ngày nay khiến người ta liên tưởng đến một ngôi đình uy nghi cổ kính với những hội hè đình đám nhộn nhịp thuở xưa.
Miếu thờ cụ tổ làng nghề Trương Công Thành ở làng Chuôn Ngọ
Truyền rằng Thành hoàng làng là Trương Công Thành, người làng Chuôn Ngọ. Song thân ông là Trương Huy và Trần Thị Ba là những người tu nhân tích đức, sống hạnh phúc, ăn ở hòa thuận với dân làng. Một đêm bà Trần nằm mơ thấy luồng ánh sáng đỏ tràn vào nhà, một lúc sau có con rắn trắng bò đến rồi biến thành đóa sen, bà giơ tay trái để ngắt thì bừng tỉnh mới biết đó là giấc mộng. Sau đó bà mang thai và mồng 9 tháng Giêng năm sau sinh được một người con trai.
Đứa trẻ ra đời, hương thơm bay ngào ngạt khắp nhà, ai ai cũng mừng vui, phấn chấn. Nhà đặt tên cho cháu là Thành, hiệu là Phổ An. Cậu có diện mạo rất khôi ngô, tuấn tú, lớn lên học rất thông minh, rồi tự học ở nhà không cần thầy dạy mà thông hiểu âm luật, kinh thư, võ nghệ. Năm ấy đi thi, Trương Công Thành đỗ thái học sinh rồi đỗ tiếp khoa Bác học hoành từ, được Lý Đạo Thành gả con gái là Lý Tổ Nương cho.
Ông được vua Lý trọng dụng và sau đó theo Lý Thường Kiệt đi đánh châu Ung và châu Liêm chống quân xâm lược phương Bắc. Thắng trận trở về ông được phong tước hiệu là Phổ Quang Bá Tuấn. Khi đất nước thanh bình ông lại từ quan, ăn chay niệm Phật, ngao du sơn thủy để rộng đường thuyết giáo. Ông hóa ngày mồng 9 tháng Tám tại am Hương Hải. Để nhớ đến công tích của ông, nhà vua cho dân phường Ngọ miễn mọi phu phen tạp dịch thuế khóa để lo việc phụng thờ hương khói và cấp thêm 500 quan tiền để xây miếu thờ. Hàng năm dân làng Chuôn Ngọ xuân thu nhị kỳ mở hội thờ ngài đó là ngày mồng 9 tháng Giêng và mồng 9 tháng Tám. Vào dịp ấy dân làng náo nức chuẩn bị tế lễ dâng cúng Thành hoàng làng để cầu mong sự phù trợ của ngài. Xưa kia trước khi vào tế lễ dân làng tổ chức thi rất trang trọng, dùng nước sông Nhuệ làm lễ mộc dục, rồi rước ngài từ miều về đình dự hội. Những nghi thức như dâng hương, tắm rửa bài vị thần được làm rất chu đáo, chỉ có những người có chức trách mới tham gia. Xong đâu đấy, cuộc tế lễ long trọng bắt đầu. Vật tế bên ngoài gồm các thứ hương, hoa, quả, trầu, rượu và một con lợn đen tuyền, còn nội cung tế cỗ chay. Dân làng kiêng tên vị Thành hoàng nên “thành” đọc chệch là “thiềng”. Hội xưa kéo dài tới 7 ngày đêm. Sáng thì rước xách, tế lễ, chiều có các trò chơi và những cuộc đua tài như đấu vật, đánh đu, múa rồng. Tối thường đón phường chèo hoặc tuồng đến hát.
Một trò chơi đáng lưu ý ở đây là trò bắt vịt trên sông. Bắt vịt trên cạn hay dưới ao đã là khó và lý thú, nhưng bắt vịt trên sông càng lý thú hơn. Dân làng và khách thập phương tụ tập đông đủ hai bên bờ sông, tiếng trống thúc liên hồi làm hội làng thêm náo nức, hấp dẫn. Mỗi đợt thi có khoảng 6 - 7 người tham dự. Khi tất cả đã sẵn sàng ông cai đám cầm con vịt khỏe mạnh giơ cao trước mọi người rồi thả xuống sông. Các chàng trai lập tức lao theo đuổi bắt. Người đông, ồn ào làm chú vịt sợ hãi bay tung lên trước sự săn đuổi của các chàng trai. Có lúc hai người từ hai phía bơi đến tưởng như sắp vồ được vịt, thoắt một cái, con vịt đã biến mất dưới làn nước sông. Người xem hồi hộp, cười vui, còn người bắt thì ngơ ngác kiếm tìm. Lát sau, ở một chỗ rất xa nó nổi lên ngơ ngác trước sự trầm trồ của mọi người. Những chàng trai gần đó lại quây thành một vòng vây khép kín từ từ thắt lại. Vòng vây càng ngày càng nhỏ thì đột nhiên chú vịt bay vọt lên cao vượt qua vòng vây một cách an toàn. Cứ như vậy các pha săn đuổi diễn ra thật ngoạn mục trước sự cổ vũ của dân chúng. Chỉ đến khi con vịt đã mệt nhoài mới bị bắt. Người ta lại thả con vịt thứ 2, thứ 3 nếu vẫn còn người dự thi.
Một mỹ tục khác của hội là thi bánh giầy giữa các giáp vào dịp hội thu. Muốn có được một mẻ bánh giầy ngon, dẻo người ta phải chọn gạo thật mẩy, thật trắng, hạt đều tăm tắp, loại hết hạt vỡ và sạn. Người giã bánh phải khỏe, giã liên tục và đều tay thì bánh mới dẻo mịn. Cuối cùng, bánh nào vừa trắng lại thơm, mịn thì được thưởng. Giáp đoạt giải nhất, các cụ được ngồi chiếu trên với phần thưởng là trầu cau và ít tiền. Giải không lớn nhưng được giải là được lộc thánh nên người ta cảm thấy tự hào. Và như vậy năm ấy cả giáp sẽ gặp nhiều may mắn. Mặt khác, cuộc thi đã kích thích tài chế biến nông sản và sự khéo léo của dân làng. Đó chính là niềm tự hào chính đáng giữa bàn dân thiên hạ. Vì vậy việc lựa chọn người làm bánh giầy được các giáp rất quan tâm.
Kết thúc ngày hội, người dân Chuôn Ngọ lại tổ chức rước thánh (bài vị) về miếu bên cây đa cổ thụ ở cuối làng. Đó là đền thờ đức Thành hoàng làng. Vào những ngày sóc vọng (rằm và mồng một) hoặc khi làng có việc, người ta đều hương khói tại đây để được ngài bảo vệ cho cuộc sống làm ăn yên ổn của cả làng và đến năm sau vào dịp mở đám người ta lại rước ngài về dự hội cùng dân làng.