Đón xuân Kỷ Hợi, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã dành cho báo Người Hà Nội cuộc trò chuyện cởi mở về những kết quả quan trọng Hội đạt được trong năm 2018 cũng như những dự định hoạt động Hội trong năm 2019 với mong muốn phong trào sáng tác của văn nghệ sĩ Thủ đô ngày càng được đẩy mạnh, hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội PV:Thưa ông, năm 2018 là năm đặc biệt của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khi sau bao chậm trễ song đã tổ chức thành công Đại hội XII, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ngay sau thành công này có thể thấy Hội Liên hiệp đã có nhiều hoạt động tiếp tục thu hút và cổ vũ phong trào sáng tác của văn nghệ sĩ Thủ đô?
NSND Trần Quốc Chiêm: Sau thành công Đại hội XII, với phương châm: Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới và phát triển, năm 2018, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị - nghề nghiệp của mình, các hoạt động chuyên môn được tổ chức có quy mô hợp lý và đạt hiệu quả cao, 9 hội thành viên chuyên ngành đều có những thành tựu đáng ghi nhận.
Cụ thể, Hội đã tổ chức cuộc gặp mặt đầu Xuân cho các văn nghệ sĩ Thủ đô với lãnh đạo thành phố, tổ chức cho hơn 1500 cán bộ, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết Trung ương; các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Thành ủy và các chuyên đề, nội dung được quy định học tập trong năm. Hội cũng đã giới thiệu 60 hội viên tham gia chuyến đi thực tế ở Ba Vì, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm và Gia Lâm do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì; cử cán bộ và hội viên tham gia các hội thảo do Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội chủ trì.
Hội đã tổ chức cuộc gặp mặt các văn nghệ sĩ lão thành, các lãnh đạo Hội qua các thời kỳ để lắng nghe các kinh nghiệm trong công tác quản lý và phát triển Hội Liên hiệp theo yêu cầu đổi mới của đất nước và Thủ đô; tổ chức các hội thảo “Văn hóa Thăng Long – Hà Nội sau 10 năm hợp nhất”; “Nâng cao chất lượng sáng tác về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức lễ phát động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2019); tổ chức trại sáng tác đa ngành tại Đà Lạt cho 20 hội viên của 9 Hội chuyên ngành tham gia; tổ chức Chương trình giao lưu 5 vùng Kinh đô xưa và nay, trong đó điểm nhấn là hội thảo “Giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của từng vùng Kinh đô xưa và nay trong việc xây dựng văn hóa địa phương và cả nước”.
Hơn nữa, Hội cũng đã tiến hành xét duyệt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2018 và chọn được 25 tác phẩm xuất sắc của 9 hội chuyên ngành để trao thưởng. Tiếp tục quan tâm sâu sát đến đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, Hội tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm dành cho các văn nghệ sĩ trẻ. Ngoài ra, Hội đã tiến hành sửa chữa, chỉnh trang lại cơ quan Hội tại 19 Hàng Buồm, mua sắm trang thiết bị cho văn phòng và các hội chuyên ngành theo dự toán được phê duyệt như bàn dựng phim, máy quay phim, bộ âm thanh…
PV:Ông có suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, cách nghĩ và cách làm của Thường trực Hội Liên hiệp và BCH Hội Liên hiệp nhiệm kỳ mới đã tiếp thêm một luồng gió mới cho phong trào sáng tạo văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thủ đô?
NSND Trần Quốc Chiêm: Chúng tôi rất vui khi nhận được ý kiến động viên, khích lệ đó. Tất nhiên rằng, thời gian qua, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cũng như Ban Chấp hành 9 hội chuyên ngành đã nỗ lực rất nhiều trong việc định hướng và tổ chức sáng tác cho hội viên, tổ chức các cuộc liên kết hoạt động và giao lưu trong nước, quốc tế; quan tâm sâu sát tới việc phổ cập các giá trị văn học nghệ thuật tới công chúng rộng rãi, gắng sức duy trì thị hiếu thưởng thức lành mạnh, đúng đắn tới độc giả và khán thính giả trong điều kiện kinh tế thị trường và nhu cầu thương mại hóa các hoạt động xã hội đang có chiều hướng lấn tới. Năm 2018, hàng trăm tác phẩm có chất lượng của 9 hội chuyên ngành được in ấn, xuất bản, triển lãm và trình diễn với công chúng Thủ đô. Văn học nghệ thuật Thủ đô đã từng bước mở rộng tầm nhìn, đề cập đến các vấn đề phức tạp, đa diện của Hà Nội và cả nước với tâm lý tự tin, dám chịu trách nhiệm trước công chúng và những đề xuất, lý giải của mình trước hiện thực. Bản lĩnh cá nhân của từng văn nghệ sĩ được nâng cao đáng kể, đó là điều đem lại sự phong phú và sức sống thực sự cho các tác phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở khi việc ký hợp đồng theo chế độ “đặt hàng, ký hợp đồng thỏa thuận mua thành phẩm” chưa thành nề nếp và chưa ăn sâu vào ý thức hội viên, nên anh chị em vẫn hướng về chế độ đầu tư nhỏ giọt và không hoàn lại là chính, do đó việc phát huy nội lực của hội viên trong sáng tạo chưa cao. Kể cả khi dự trại sáng tác, việc hoàn tất và nộp lại cho trại và cho Hội các tác phẩm hoàn chỉnh có chất lượng cao cũng chưa phải là tâm lý phổ biến.
Việc huy động chất xám đóng góp xây dựng thành phố và phản biện xã hội của anh chị em chưa tập trung. Cần có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa để anh chị em đóng góp nhiều hơn vào công việc làm đẹp Thủ đô, xây dựng môi trường sống, nếp sống và lối sống người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
PV: Đón năm 2019, Hội Liên hiệp có những dự định gì để tiếp tục tập hợp, cổ vũ văn nghệ sĩ Thủ đô sáng tạo, cống hiến cho văn học nghệ thuật, thưa ông?
NSND Trần Quốc Chiêm: Năm 2019 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước, đặc biệt là lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018). Vì vậy, Hội Liên hiệp sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch hoạt động của Liên hiệp và 9 hội thành viên theo chương trình đã dự kiến như: tổ chức các trại sáng tác, các cuộc đi thực tế, các cuộc hội nghị, hội thảo chuyên môn, các hoạt động đầu tư sáng tác và liên kết với các Hội bạn và cơ quan bạn; các chương trình xuất bản, biểu diễn và triển lãm… Trong đó, Hội sẽ tập trung đầu tư sáng tác có trọng điểm, không dàn đều và mang tính bình quân chủ nghĩa. Tích cực vận dụng cơ chế “ký hợp đồng thực hiện tác phẩm theo điều kiện thỏa thuận” để phát huy tối đa sáng kiến và sự năng động của hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả tài năng phát huy được hết năng lực và tâm huyết, có hoài bão dồn tâm lực vào những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Hội sẽ cố gắng tạo ra được tâm lý đó cho các hội viên và tạo điều kiện tối ưu cho các tác phẩm xuất sắc. Bên cạnh đó, Hội sẽ chú trọng đến nâng cao công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật thông qua các cuộc trao đổi, đúc rút kinh nghiệm sáng tác và giao lưu với công chúng thật hữu ích và hiệu quả; biểu dương những tác phẩm cách tân đúng hướng, có phát hiện mới mẻ...
PV: Sau gần một năm là “nhạc trưởng” của Hội Liên hiệp, rất mong ông chia sẻ những tâm tư, cảm xúc của mình?
NSND Trần Quốc Chiêm: Được văn nghệ sĩ Thủ đô tin tưởng bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp là niềm vinh dự lớn lao đối với tôi. Nhưng cùng với niềm vinh dự này có biết bao thách thức đặt ra khi vị trí này giống như “làm dâu trăm họ” và với văn nghệ sĩ thì luôn là “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Vì thế, ban đầu cũng không thể tránh khỏi những ý kiến phản biện, chưa đồng thuận. Đối với tôi, đấy là những ý kiến rất đáng quý và tôi luôn đón nhận bằng một tinh thần đối thoại, dần giải quyết từ dễ đến khó. Cũng chính từ sự đối thoại và cách giải quyết các việc kịp thời nên những vướng mắc đã được tháo gỡ, từ chưa đồng thuận đến đồng thuận. Sang năm mới, cùng với Thường trực Hội Liên hiệp, tôi sẽ luôn cố gắng đồng hành, dốc sức vì phong trào sáng tác của văn nghệ sĩ, tiếp tục cùng văn nghệ sĩ xây dựng Hội trở thành mái nhà chung mà ở đó người lãnh đạo luôn có kế hoạch, chương trình và tiêu chí như: “Trung thực – Minh bạch – Dân chủ - Đoàn kết”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!