Làn “gió mát” từ sân khấu Thủ đô
Đứng trước sức ép của nhiều loại hình giải trí nghe nhìn thời đại mới, các nhà hát của Thành phố Hà Nội vẫn nỗ lực vươn lên, dàn dựng vở diễn mới chinh phục khán giả. Nhờ đó, sân khấu Thủ đô có thêm những tác phẩm chất lượng như làn “gió mát”, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân nói chung, thế hệ trẻ Thành phố Hà Nội nói riêng.
Từ dấu ấn sân khấu chèo…
Theo NSND Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, ngoài việc biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội, biểu diễn định kỳ tại khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tối thứ 6 hằng tuần tại trước đền Bà Kiệu, Nhà hát Chèo Hà Nội còn không ngừng nỗ lực đổi mới, dựng các vở diễn mới phục vụ mọi đối tượng khán giả.
Nổi bật trung tuần tháng 7 vừa qua, Nhà hát Chèo Hà Nội công diễn vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ” qua bản dựng của NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Với bản phục dựng này, vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ” của Nhà hát chèo Hà Nội đã mang tới cho khán giả Thủ đô một làn gió mới, tươi trẻ bởi diễn xuất nhập tâm của nghệ sĩ, diễn viên chính vừa trẻ, vừa đẹp ngoại hình cùng giọng hát hay gồm Quang Trưởng (vai Lưu Bình), Tiến Đạt (vai Dương Lễ), Diệu Linh (vai Châu Long)…
Xem vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ”, khán giả Thủ đô vẫn cảm nhận rõ thông điệp đối nhân xử thế, về tình bạn, nghĩa vợ chồng và khát vọng vươn lên của con người. Đặc biệt hơn nữa, phiên bản “Lưu Bình - Dương Lễ” của Nhà hát Chèo Hà Nội cho thấy NSND Trần Quốc Chiêm đã rất tâm huyết trong việc gìn giữ những yếu tố mẫu mực của chèo cổ, chi tiết và tỉ mỉ từng động tác, từng điệu hát để nổi bật những giá trị bản sắc của chèo.
NSND Trần Quốc Chiêm đã có thêm một số chi tiết như chiếc gương tư mã là chiếc gương thật thay vì hình thức diễn “ước lệ” trước đây, hoặc đoạn ngâm thơ trước khi mở màn tóm tắt ý nghĩa của vở diễn và một số chi tiết khác đã góp phần tạo nên sự mới mẻ. Ngoài ra, những điệu múa được đan cài để các cảnh diễn uyển chuyển hơn cũng đã góp phần tăng thêm sự hấp dẫn cho vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ”.
Một trong những tác phẩm sân khấu dành cho khán giả nhỏ tuổi của Nhà hát Chèo Hà Nội gây được tiếng vang gần đây, đó là vở “Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm” (tác giả Thiên Ân, chuyển thể chèo Mai Văn Sinh, NSƯT Lê Tuấn đạo diễn). Đây là vở diễn vừa được nhận Huy chương Vàng trong “Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng năm 2024”, công diễn dịp hè năm nay tại Thủ đô, luôn gây nên hiện tượng “cháy vé”. “Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm” lấy ý tưởng từ bài ca dao nổi tiếng “Thằng Bờm có cái quạt mo” - một trong những bài ca dao hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Vở chèo vẽ nên một không gian đầy sinh động, dí dỏm của các nhân vật: Thằng Bờm, Phú Ông, Phú Bà, Bé Gái… với nhiều trò chơi dân gian vốn quen thuộc với hầu hết trẻ em Bắc Bộ từ thuở xa xưa.
Phần dàn dựng của Nhà hát Chèo Hà Nội và sự hóa thân của dàn diễn viên tài năng trẻ đã mang lại màu sắc tươi mới cho vở diễn. Vẫn thể hiện rõ ngôn ngữ chèo nhưng “Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm” đầy tinh thần trẻ trung, sôi nổi và đặc biệt là sự hồn nhiên, đáng yêu, trong trẻo của thiếu nhi. “Thông qua câu chuyện, vở diễn muốn nêu cao tình cảm bạn bè, sẵn sàng hi sinh vì người khác, sống khiêm tốn, hòa thuận, yêu lao động và luôn đứng về lẽ phải”, NSND Thu Huyền, chia sẻ. Ngoài ra, NSND Thu Huyền cho biết thêm, đơn vị vừa khởi công dựng vở “Người hát ả đào” (tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSND Hoài Thu). Đây là vở diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội chào mừng Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Nói về vở diễn vừa khởi công, NSND Thu Huyền thông tin thêm, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân Thủ đô, không kể già, trẻ, gái trai, không kể sang hèn đã đứng lên chống giặc. “Người hát ả đào” kể một câu chuyện về những cô đào hát phố Khâm Thiên, những cô gái làng hoa Ngọc Hà, những công nhân, những nghệ sĩ trí thức... đã đồng lòng đi theo Việt minh, hoạt động bí mật trong lòng thành phố bị tạm chiếm. Đó là những tấm gương của những con người bình dị không chịu kiếp sống nô lệ, quyết đứng lên sống chết vì Hà Nội thân yêu!
Đến sân khấu kịch nói
Không chịu “thua chị kém em”, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho biết, từ cuối tháng 6/2024, đơn vị ra mắt vở kịch “Vòng tròn bội bạc” (tác giả kịch bản nhà văn Chu Lai) và “Tướng quân Lê Hoàn” (tác giả kịch bản Lê Quý Hiền; đạo diễn NSND Lê Hùng). Trong đó, vở “Tướng quân Lê Hoàn” phản ánh một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Lê. Vở diễn khắc họa hình tượng tướng quân Lê Hoàn lẫy lừng vào thời nhà Đinh. Vào giai đoạn triều chính rối ren, thù trong giặc ngoài, Lê Hoàn nhận sự ủy thác của hoàng hậu Dương Vân Nga, lên ngôi Hoàng đế và lấy hiệu là Lê Đại Hành. Tướng quân Lê Hoàn sau khi lên ngôi, bằng tài thao lược của mình, đã bảo toàn được nền độc lập, thanh bình của đất nước, đồng thời ông là một vị vua anh minh, có nhiều đóng góp cho đất nước, cho nhân dân.
Đối với vở kịch “Vòng tròn bội bạc”, tác phẩm có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thiện Tùng, NSƯT Ngọc Quỳnh, NSƯT Dương Đức Quang, NSƯT Linh Huệ, Trương Hoàng, Tiến Huy, Thanh Tùng, Tố Uyên, Thúy An, Việt Dũng. Đây là vở kịch đã chinh phục được khán giả khi kể về những người bước ra từ chiến tranh và đối mặt với cuộc sống hiện thực cũng tàn khốc, gian nan không kém... Đặc biệt, “Vòng tròn bội bạc” của Nhà hát Kịch Hà Nội là một trong ba vở diễn vừa được trao Huy chương vàng trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 tại tỉnh Thái Nguyên tháng 6 vừa qua. Đồng thời, với vở kịch này, nhà văn Chu Lai cũng nhận giải “Tác giả xuất sắc” của Liên hoan.
Cùng hai vở diễn mới kể trên, Nhà hát Kịch Hà Nội vừa hoàn thành chùm kịch ngắn “Lời bà kể” (NSND Trung Hiếu đạo diễn) chuyển thể từ hai tác phẩm “Sự tích cây nêu ngày Tết” và “Mồ Côi xử kiện”. “Lời bà kể” là “sản phẩm” mới nhất của Nhà hát Kịch Hà Nội triển khai Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong Chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030” (Đề án Sân khấu học đường) của UBND Thành phố Hà Nội.
Ngay khi ra mắt, hàng ngàn học sinh Thủ đô đã được thưởng thức chùm kịch ngắn “Lời bà kể”. Bằng lối kể chuyện dí dỏm, hài hước, đậm truyền thống pha những câu nói hiện đại, bắt nhịp đời sống học đường, “Lời bà kể” đã truyền thông điệp đến học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội: ca ngợi sự thông minh, tài trí của anh chàng Mồ Côi cũng như tục lệ người dân thường trồng cây nêu ngày Tết. Ngoài phần nhập vai tài tình, các diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội khéo léo lồng ghép phần giao lưu với khán giả có mặt tại sân khấu, qua đó vừa làm cho “Lời bà kể” thêm sinh động vừa tạo điều kiện cho học sinh Thủ đô Hà Nội được bày tỏ tiếng nói, thái độ trước những hành vi, chi tiết kịch.
NSND Trung Hiếu, khẳng định, cùng nỗ lực dựng vở diễn mới và đã công diễn thu hút khán giả như “Tướng quân Lê Hoàn”, “Vòng tròn bội bạc”…, nhà hát sẽ tiếp tục dựng các vở trong Đề án sân khấu học đường. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa các vở diễn như “Lời bà kể” tới tất cả các trường học trên địa bàn Thủ đô. Đây là dịp để các em học sinh được tiếp cận và trải nghiệm những bài học lịch sử, văn hóa thông qua sân khấu nghệ thuật kịch nói - một sân chơi học mà vui - vui mà học rất bổ ích, hấp dẫn và lý thú. Từ đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, góp thêm một phương pháp hữu hiệu cho việc dạy và học đối với các em học sinh”, NSND Trung Hiếu nhấn mạnh./.