Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 24 đến 28-11-2017.
Phim phải có tình dục, đồng tính mới xin được tiền?
Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát, người có nhiều năm kinh nghiệm duyệt phim cho biết bà đánh giá dòng phim thương mại Việt Nam đang phát triển tốt hơn cả về số lượng và chất lượng.
"Tuy nhiên vẫn còn nhiều phim có kết cấu giản đơn, cách làm hời hợt. Phim chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào thể loại hài hước, kinh dị, khai thác tình yêu tay ba éo le, những chuyện giật gân, câu khách. Hiếm nhà sản xuất dám đầu tư những đề tài nghiêm túc, có giá trị nghệ thuật", bà Hồng Ngát nói.
Nhà báo, nhà lý luận phê bình, đạo diễn Tô Hoàng cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông cho biết khi dạy sinh viên, ông vẫn thường dùng các bộ phim cũ do điện ảnh nhà nước sản xuất:
"Nhiều sinh viên đã rất bất ngờ vì ngày xưa chúng ta có phim tốt như phim nước ngoài. Điện ảnh của chúng ta đã từng có thời kì như thế mà sao giờ lại tụt hậu thế này?
Tôi rất lo ngại khi phép tính lờ lãi đang chi phối chất lượng phim ảnh. Rất nhiều người đã tìm ra hướng đi cho bộ phim rồi, nhưng chỉ vì doanh thu lại quyết định phải thêm vào phim một tí sex, một tí bạo lực vào phim. Hiện giờ có nhiều phim làm nhanh, làm ẩu, bỏ qua niêm luật làm phim chuyên nghiệp".
Nhà báo, nhà lý luận phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long cho biết bà rất tiếc khi những đạo diễn tâm huyết, có nghề, sau một thời gian buộc phải thỏa hiệp với thị trường.
Các nhà nghiên cứu, những người làm nghề còn bày tỏ sự lo ngại khi xu hướng thỏa hiệp với những yếu tố câu khách đang thấm nhiễm vào quan điểm làm phim của những người mới tập tành làm nghề.
Phó Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh HN, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết bà không hiểu vì sao các sinh viên cứ rỉ tai nhau phim phải có yếu tố tình dục, đồng giới, hay cuộc sống hoang mang của giới trẻ thì mới xin được tiền tài trợ làm phim.
"Tôi đã hỏi các em, đó có phải cuộc sống thật sự của các em, là hình ảnh xã hội mà các em tiếp nhận hàng ngày không, các em chỉ cười và nói là khó trả lời.
Tôi hỏi ra, mới biết số tiền các em xin được cho một phim ngắn không đáng là bao, nên phải thỏa hiệp như vậy là rất đáng tiếc", bà Thu Hà nói.
Cục trưởng Cục Điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng chia sẻ quan điểm này với bà Thu Hà: "Tôi cũng có cảm giác rất lo lắng khi xem một số phim ngắn. Các vị trong hội đồng duyệt phim có lúc đã rất khó xử với dạng phim như chị Hà nói.
Tôi đã đến Đài Loan, đã từng xem nhiều phim do các bạn sinh viên ở đây làm và tôi thấy độ trong sáng trong phim các bạn ấy cao hơn nhiều.
Phải cố gắng đưa yếu tố sex vào kịch bản chỉ để xin được nguồn tiền tài trợ là rất đáng thương. Trường cũng nên tìm cách định hướng, giúp các em lấy được thăng bằng".
Chia sẻ của những người quan tâm đến phát triển điện ảnh như một cách để phát triển văn hóa dân tộc ở một khía cạnh nào đó không sai. Nhưng đứng trên lập trường của những nhà sản xuất phim, đang phải đối mặt với vô vàn sức ép chỉ để tồn tại, họ lại có góc nhìn khác.
Cái kết cho cuộc chơi mấy chục tỉ rất bi thảm
Đạo diễn Đức Thịnh, người đã chuyển từ đạo diễn sân khấu sang đạo diễn phim điện ảnh đã chia sẻ rất thẳng thắn tại hội thảo.
"Thực ra vẫn có nhiều kịch bản có nội dung và thông điệp sâu sắc, nhưng nếu ít tính giải trí thì nhà sản xuất không dám đem ra chào mời.
Đề tài lịch sử là một kho tàng, nhưng ở thời điểm này, ít có đơn vị tư nhân nào dám đầu tư 30-50 tỉ để làm thể loại này.
Đã từng có hãng phim tư nhân đầu tư làm phim lịch sử, sau đó biến mất trên thị trường luôn. Cái kết cho cuộc chơi mấy chục tỉ là rất bi thảm. Các đơn vị khác nhìn thấy thế cũng chẳng dám lao vào nữa.
Cái vòng luẩn quẩn không dám bứt phá, e ngại về doanh thu làm cản trở phát triển đề tài cứ thế diễn ra nhiều năm. Nhiều người lại nói cứ làm phim hay trước đã, sau sẽ bán vé được. Những người nói như vậy là chưa bao giờ làm phim".
Đạo diễn Đức Thịnh cho biết không phải các hãng phim tư nhân không có đủ sức để huy động vài chục tỉ để làm phim, nhưng hiện nay họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Chứ hiện nay đưa phim ra rạp sức ép đủ bề. Nhà sản xuất trong nước chỉ nhận được tỉ lệ ăn chia rất thấp khi vào các cụm rạp do nước ngoài quản lý, thời gian phim trong rạp ngắn ngủi, suất chiếu toàn bị bố trí giờ xấu…
Khi không được san sẻ về rủi ro thì họ không thể tiếp tục phát triển để theo đuổi các bộ phim có giá trị xã hội cao", ông Đức Thịnh nói.
Nhà sản xuất phim Cô Ba Sài Gòn, Ngô Thanh Vân phát biểu tại hội thảo đã tha thiết đề nghị các cơ quan nhà nước hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, để giúp họ tăng năng lực cạnh tranh, giải tỏa áp lực tài chính.
Nhà sản xuất này cho biết những đơn vị như công ty của cô đang đi theo hướng sản xuất phim đề cao giá trị văn hóa dân tộc, phải đối mặt với một thị trường cạnh tranh dữ dội về giá vé, đối mặt với những rủi ro khi ý thức về bản quyền của người xem còn quá thấp, cũng như các trang xem phim lậu như nấm mọc sau mưa.