Là tản văn, nhưng “Những đứa con của cây cầu Long Biên” như một cuốn tự truyện chứa “mạch ngầm tiểu thuyết”, ở đó có nhân vật Tây Độc xuyên suốt cuốn sách. Từ mỗi câu chuyện, tình huống, câu hỏi mà Tây Độc đặt ra, Đông Di mở ra một Hà Nội vừa lạ vừa quen với bạn đọc.
Quen trong những không gian của phố phường, quán xá mà nhiều người đã biết và đã viết với Lâm Café, với phố cổ, phố cũ, với những món quà vặt trong khu phố chợ, với những quả bàng chín chát ngọt trong những trưa trốn ngủ, bát chè thơm mùi hương nhài ở góc phố trong những đêm đông hay buổi chiều cuối thu...
Còn cái lạ là mỗi khi chị kể ký ức xưa, độc giả lại nhận ra suy ngẫm của chị về nhiều mặt của đời sống như trong các bài viết “Hội nhập văn hóa, Tết cổ truyền”, “Giáo dục sao đây?”, “Gia trưởng di truyền”... Đặc biệt, là bởi chị đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người bạn quốc tế nên càng có nhiều cơ hội để nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại nếp sống Á Đông đang ngày một giản lược trong thời đại hội nhập quốc tế. Những trang viết của chị tiêu biểu cho cách nghĩ của một phụ nữ trí thức hiện đại, tự tin và can đảm vượt qua những lề thói ràng buộc, biết sống vì mình và sống cho mình.
Với lối viết sắc sảo, thú vị, lúc hóm hỉnh, khi suy tư, Đông Di mang đến cho “Những đứa con của cây cầu Long Biên” sự lôi cuốn rất riêng. Nhà văn Nguyễn Việt Hà cho rằng: “Hà Nội vốn mênh mông, nên bất cứ ai cũng có một “thứ Hà Nội” của riêng mình, đám buôn bán ở chợ Giời thời bao cấp thường gọi đó là “chất”. Cái “chất” này mơ hồ hằn đậm trong một không gian khá hẹp, nó đặc trưng tới mức chỉ có đám “cao bồi già” lọc lõi quen ở phố mới nhận ra. Đông Di là thế”.
30 bài tản văn là miên man chuyện về Hà Nội, có quá khứ có hiện tại, có vui có buồn, nhưng tất cả là để đọng trong một lời kết: “Tôi không muốn quay về thế kỷ trước. Tôi muốn đi tới tương lai hoặc ít nhất là được suy nghĩ và tưởng tượng về tương lai của Hà Nội, của những người con Hà Nội, của người Việt nói chung.
Một trăm năm nữa thì Hà Nội sẽ thay đổi như thế nào?
Một trăm năm nữa thì Việt Nam sẽ phát triển ra sao?
Người Việt sẽ có vị trí ở đâu trong dòng chảy của nhân loại?
Cầu Long Biên hiện hữu trong ký ức của tôi, của nhiều người trong thế hệ chúng tôi thì cũng sẽ hiện hữu trong ký ức của nhiều người, của các thế hệ đi sau. Thế hệ chúng tôi chưa làm được gì nhiều cho mảnh đất này, nên hy vọng các thế hệ đi sau sẽ làm được nhiều hơn. “Sông Hồng sóng sau đè sóng trước” nên trở thành định hướng tinh thần cho những người trẻ tuổi của Hà Nội hôm nay”.
"Những đứa con của cây cầu Long Biên” do Tri Thức Trẻ Books và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản.