Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Cùng dự có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc qua các thời kỳ; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lao động; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương…
Về phía thành phố Hà Nội, dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; cùng các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố qua các thời kỳ.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài diễn văn quan trọng, ôn lại về thân thế, sự nghiệp và khẳng định những đóng góp quan trọng với cách mạng Việt Nam của cụ Bùi Bằng Đoàn.
Chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang bị xâm lược, chí sĩ Bùi Bằng Đoàn đã sớm tiếp thu truyền thống bất khuất của dân tộc. Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan của triều đình nhà Nguyễn, đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Từ một vị quan thanh liêm, sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Bùi Bằng Đoàn lui về sống ở quê nhà. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập ngày 2-9-1945, với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ.
Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ Bùi Bằng Đoàn rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng. Cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng, trở thành một trong 10 người nằm trong Ban Cố vấn của Chính phủ.
Vào tháng 1-1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông và tháng 11-1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cụ đã được tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cụ Nguyễn Văn Tố nhận nhiệm vụ mới.
Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội), với sự hiểu biết sâu rộng, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cụ cũng đã tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên - Việt) để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường lực lượng cách mạng.
Ôn lại cuộc đời cống hiến, hy sinh của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, xuất phát từ tâm nguyện đặt Tổ quốc lên trên tất cả, cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Trên bất cứ cương vị nào, cụ cũng tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam.
“Noi gương cụ Bùi Bằng Đoàn, trong mọi hoạt động và trên từng cương vị công tác, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân và của Đảng lên trên hết; tăng cường sự đoàn kết thống nhất để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng tiên liệt vì sự trường tồn, phát triển của quốc gia, dân tộc”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn bày tỏ tin tưởng, tấm gương sáng của cụ Bùi Bằng Đoàn sẽ tiếp tục được thể hiện trong công việc của Quốc hội, Chính phủ, đảng viên, từng vị đại biểu Quốc hội học tập, noi theo. “Đó là hành động thiết thực để vừa tôn vinh công lao của cụ Bùi Bằng Đoàn vừa giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ cách mạng, góp phần tô thêm truyền thống tốt đẹp của Quốc hội Việt Nam, làm sống lại và lan tỏa cái đức, cái tầm, cái trí của người nhân sĩ, trí thức Việt Nam”, đồng chí Trần Đình Đàn khẳng định.
Tiếp đó, cán bộ Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Mai Anh đại diện thế hệ trẻ phát biểu bày tỏ sự tự hào, ngưỡng mộ cụ Bùi Bằng Đoàn - người con ưu tú của Hà Nội. Trong đó, Nguyễn Mai Anh khẳng định, cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương về nghị lực vươn lên để trau dồi học vấn, là vị quan thanh liêm, chính trực, mẫn cán, thương dân, là học giả yêu nước... Tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương sáng để mỗi người dân và tuổi trẻ Việt Nam kính trọng, noi theo.