Kỷ niệm 100 năm sinh nhà lý luận, phê bình, dịch giả Vũ Đức Phúc (1920 - 2015): PGS Vũ Đức Phúc Người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến văn nghệ

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn| 20/11/2020 12:57

Phó Giáo sư, nhà văn, nhà hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa Vũ Đức Phúc (12/11/1920 - 29/7/2015), còn có các bút danh Hồng Kỳ, Lãng Bạc, Lê Hậu, Tấn Trung; quê ở làng Ái Mộ, xã Yên Viên, tổng Gia Thụy (nay thuộc huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội). Với 30 năm hoạt động lĩnh vực lý luận phê bình trên các cương vị Phó Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học, PGS. Vũ Đức Phúc thực sự là người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến văn nghệ nước nhà.

Kỷ niệm 100 năm sinh nhà lý luận, phê bình, dịch giả Vũ Đức Phúc (1920 - 2015): PGS Vũ Đức Phúc Người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến văn nghệ
PGS. Vũ Đức Phúc (Ảnh tư liệu).
“Quả đấm thép” của văn học cách mạng

Sinh ra trong một gia đình nông dân và buôn bán nhỏ, có tám anh chị em, ông sớm được giác ngộ cách mạng. Từ năm 1939 ông tham gia tổ chức Thanh niên phản đế, từ năm 1943 tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, đồng thời theo học Trường tư thục Thăng Long, có bằng Tú tài Pháp, Ban Triết học văn chương.

Cách mạng tháng Tám thành công, Vũ Đức Phúc tham gia Ủy ban Nhân dân cách mạng tại Gia Lâm và vào Đảng năm 1946. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, ông được tin cậy giao các nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Ngọc Thụy, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Võ Giàng (tỉnh Bắc Ninh), tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên truyền phụ trách Tuyên văn Giáo huấn tỉnh Bắc Ninh. Sau hòa bình lập lại năm 1954, ông làm Trưởng phòng Văn nghệ thuộc Sở Văn hóa Hà Nội; năm 1958 chuyển làm cán bộ tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Văn giáo Trung ương Đảng và tham gia Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ năm 1959, do yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền khoa học xã hội mới, ông được điều về công tác tại Viện Văn học thuộc Ban Khoa học xã hội - Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Lý luận văn học - Văn học Việt Nam hiện đại, Văn học nước ngoài rồi Phó Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học. Tính từ ngày về Viện Văn học (1959) đến khi nghỉ hưu (1990), ông đã có đến ba mươi năm dài gắn bó, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển của Viện… 

Sát cánh bên thế hệ các nhà nghiên cứu xuất sắc một thời như: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Hoàng Trinh,… Vũ Đức Phúc đã xuất bản nhiều công trình lý luận, nghiên cứu, phê bình, tranh luận, dịch thuật, truyện danh nhân nổi tiếng: “Sơ thảo lịch sử Văn học Việt Nam 1930 - 1945” (1964), “Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, 1930 - 1954”, (1971), “Trên mặt trận văn học” (1972), “Bàn về phương pháp nghiên cứu văn học” (1973), “Đi-đơ-rô” (1986), “Bàn về văn học” (2001); cùng nhiều công trình nghiên cứu in chung và khoảng 90 tiểu luận in trên tạp chí Văn học… Phát huy sở trường tiếng Pháp, ông dịch “Thơ ngụ ngôn” của La Fontaine (1957), “Quan thanh tra” của Gogol (1963) và “Tuyển tập truyện” của Voltaire (dịch chung, 1963)...

Trong hoạt động nghiên cứu, Vũ Đức Phúc mở rộng phạm vi từ lý luận, phê bình đến văn học sử, từ văn học hiện đại ngược về dân gian đến trung đại, từ văn học Việt Nam đến phương Tây (đặc biệt là văn học Pháp). Một thời trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, ông chăm chỉ cập nhật, kịp thời kiểm điểm “Công tác lý luận, phê bình văn học trong tháng” và xác định trận địa, trận tuyến, nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận văn học. 

Ông thực sự là người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến văn nghệ, xác định rõ công tác nghiên cứu văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng, chú trọng tìm hiểu, quán triệt đường lối và các nghị quyết của Đảng về công tác văn học. Ông là hiện thân của lòng trung thành, trung trực, kiên định, nhất quán với chính mình trong mọi thời gian, thời cuộc, tình huống, không nhìn trước ngó sau, càng không rẽ ngang rẽ tắt… 

Khi xác định hoạt động văn học là công tác, nhiệm vụ, mặt trận, trận địa, trận tuyến đấu tranh, ông tự giác đứng trong đội ngũ để xác lập các tiêu chí, chuẩn mực, một mặt khẳng định nội dung tiến bộ của văn học cách mạng và biểu dương chất lượng thơ Hồ Chủ tịch, Tố Hữu; mặt khác nêu cao tinh thần cảnh giác, triển khai phê phán những gì bị xem là khác lạ, xa lạ, lệch chuẩn, bên lề. Đối với nền văn học hiện đại, ông xác định phẩm chất dòng chủ lưu văn học cách mạng vô sản rồi soi chiếu, đánh giá mặt hạn chế, tiêu cực của các trào lưu hiện thực phê phán, lãng mạn… 

Khác biệt hơn, khi trực diện khảo sát các tác giả Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Hoàng Xuân Hãn, Huy Thông, Nguyễn Thi và những La Fontaine, Voltaire, Diderot, Hugo, Gogol, Zola, ông lại có cái nhìn cởi mở, chuyên sâu, sát đúng đối tượng… Tiếc rằng với số lượng công trình nghiên cứu phong phú, sâu rộng, thể hiện sức mạnh “quả đấm thép” trong từng giai đoạn văn học cách mạng nhưng ông vẫn chưa được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mặc dù Viện Văn học và gia đình đã có đề nghị trong mấy năm qua.

Tận tình dìu dắt thế hệ sau

Nhìn rộng ra, trong công tác tổ chức, đào tạo, Vũ Đức Phúc tận tình dìu dắt thế hệ sau và hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ, tạo điều kiện để họ phát triển thành đội ngũ cán bộ nghiên cứu kế cận vững vàng (Phong Lê, Phạm Tú Châu, Lê Thị Đức Hạnh, Trần Thị Băng Thanh…). Đến lớp tôi về Viện Văn học năm 1983, tính ra có đến 7 năm là làm việc cùng cơ quan với ông. Cách xa thế hệ, ông thường không nhớ rõ tên chúng tôi, thường gọi chung “các anh”.

PGS. Vũ Đức Phúc hút thuốc nhiều, toàn thuốc cuốn Lạng Sơn, đặt trong cái hộp. Ấn tượng chung, tôi thấy ông say mê chuyên môn. Ông thường lên giọng khá gay gắt mỗi khi bàn chuyện quản lý văn nghệ với những “anh này, anh kia” lệch lạc nhưng lại say sưa khi giảng giải bộ phận văn học siêu hình Lý – Trần “không đáng giá một xèng”, bài thơ “Diễn Trận sơn” của Ngô Thì Sĩ hay lắm, thơ tự dịch Hán sang Nôm của Nguyễn Khuyến độc đáo. Nói xong ông lại cười khinh khích, hích hích, tếch tếch, vang cả phòng, đầy sự hỉ hả, mãn nguyện. Tri thức văn học Pháp của ông xếp loại bậc cao, nghe nói được cụ Đặng Thai Mai khen lắm. Một lần ông đi Pháp về kể rằng có đi thăm các di tích, khu phố cổ, thư viện, trường học hiện đại, ra cả chợ trời đầy các loại hàng, quần áo rẻ lắm và rồi kết luận: “Nhưng nó vẫn là thằng tư bản!”… 

Trước khi ông mất một thời gian, tôi cùng nhà báo Kiều Mai Sơn sang thăm, có ghi chép cẩn thận. Đủ chuyện Đông Tây kim cổ, trong Nam ngoài Bắc, lớp già lớp trẻ, đổi cũ đổi mới, anh nọ chị kia. Ông giải thích kỹ bút danh Hồng Kỳ (Cờ đỏ), rồi bảo: “Này, các anh cứ đội cái tay Trotsky Vũ Trọng Phụng lên làm gì? In sách, làm phim, tổ chức kỷ niệm, đặt tên đường làm gì? Này, các anh đừng có làm bừa! Trung ương đang bận nhiều việc nhé! Các ông ấy mà biết thì beng luôn cổ các anh nhé!”… Nói xong, bác lại cười khinh khích, hích hích, tếch tếch, vang cả nhà, đầy sự hỉ hả, mãn nguyện.
(0) Bình luận
  • Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”.
  • Quận Tây Hồ: Nâng cao vai trò nêu gương trong thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU
    Vừa qua, Quận uỷ Tây Hồ đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành uỷ "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
  • Chú trọng xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Theo Chỉ thị 30 – CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của Nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
  • Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh
    Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trên địa bàn huyện Đông Anh, Bí thư Huyện uỷ Đông Anh Lê Trung Kiên đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trì, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện Chỉ thị.
  • Chung sức đồng lòng thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã nêu rõ, lịch sử văn hiến hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.
  • Xây dựng nhà trường trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách; giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội
    Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU, ngày 19/02/2024 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhiều trường học trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh các chương trình giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội; hoàn thiện các tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”... Tiêu biểu trong số đó phải kể đến trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 100 năm sinh nhà lý luận, phê bình, dịch giả Vũ Đức Phúc (1920 - 2015): PGS Vũ Đức Phúc Người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến văn nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO