Kinh tế - xã hội tháng 4/2020 cơ bản được giữ vững

VNHN| 07/05/2020 10:28

Ngày 5/5, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 04 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, khi dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu, rộng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội.

Kinh tế - xã hội tháng 4/2020 cơ bản được giữ vững

Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5. 

Tuy khó khăn như vậy, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhân dân cả nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2020 được duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững.

Cụ thể, về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ, tuy thấp hơn tháng trước (5,56%) nhưng ở mức cao.

Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu, thanh khoản thị trường. Tính đến ngày 22/4, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,6% so với cùng kỳ, huy động vốn tăng 12,16%; tín dụng tăng nhẹ 0,99% so với cuối năm 2019. Mặt bằng lãi suất giảm ở cả ngắn, trung và dài hạn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sang tháng 4 đã có dấu hiệu khởi sắc nhờ công tác kiểm soát dịch hiệu quả của Chính phủ, đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu ngân sách trong tháng giảm 16,4% so với tháng trước, 4 tháng ước đạt 491,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng nhu cầu; tăng chi cho các hoạt động ngăn chặn, phòng, chống dịch, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 472,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài đạt thấp, ước khoảng 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so cùng kỳ; giải ngân vốn FDI ước đạt 5,15 tỷ USD, giảm 9,6% (cùng kỳ tăng 7,5%). Số lượng các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm giảm mạnh, đặc biệt là từ các đối tác chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, ASEAN, Mỹ, EU.

Giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực, tính chung 4 tháng ước đạt trên 89,3 nghìn tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 30% so với cùng kỳ; trong đó riêng tháng 4, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 27,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với bình quân giải ngân 03 tháng đầu năm. Tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân đạt 89,43% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hơn 85% doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch  COVID-19 đã ảnh hưởng sâu và rộng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tới hạn.

Cụ thể hơn, kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%, một số ngành tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục và đào tạo là 93,9%.

“Trong bối cảnh trên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt. Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch  COVID-19 đã được triển khai trước ngày nghỉ 30/4 tạo không khí phấn khởi, góp phần đảm bảo cuộc sống, an sinh xã hội cho người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương

Tăng trưởng GDP quý I năm 2020 chỉ đạt mức 3,82%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm được Quốc hội thông qua (6,8%); nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới

Những tháng cuối năm, dự báo kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy được đánh giá đã tổ chức phòng, chống, kiểm soát dịch hiệu quả và có thể kết thúc dịch sớm hơn so với các nước khác, nhưng ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài đối với kinh tế Việt Nam do nhiều nước trên thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch.

Tất cả các tổ chức quốc tế đều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, trong đó IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ ở mức (-3%) và có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930. WTO dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13%-32% trong năm 2020. Dòng vốn FDI toàn cầu dự báo sụt giảm từ 30-40% trong giai đoạn 2020-2021.

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn được đánh giá thuận lợi do nhu cầu trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức cao.

Nước ta đang chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục thận trọng, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh và đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch  COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách hỗ trợ tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ; nghiên cứu, ban hành các chính sách mạnh hơn để hỗ trợ kịp thời, chính xác các đối tượng bị ảnh hưởng, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân, người lao động cả nước, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tình hình, khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, xây dựng kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch.

Tuy nhiên, đến nay chuỗi thời gian, số liệu đánh giá tình hình còn ngắn, một số chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất đang bắt đầu có hiệu lực, cần có thời gian để phát huy đầy đủ hiệu quả và diễn biến dịch ở các nước trên thế giới, kể cả những nước gần Việt Nam vẫn rất phức tạp, chưa dự đoán được chính xác mức độ ảnh hưởng và thời điểm kết thúc của dịch.

Để có đầy đủ cơ sở nhận định, phân tích tình hình và dự báo kết quả thực hiện cả năm sát với thực tiễn, từ đó có những kiến nghị điều chỉnh phù hợp, cần có thêm dữ liệu về tình hình quý II và 6 tháng đầu năm 2020, do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020, tổng hợp và xây dựng các phương án điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2020./.

https://vietnamhoinhap.vn/article/kinh-te-xa-hoi-thang-42020-co-ban-duoc-giu-vung---n-30546

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế - xã hội tháng 4/2020 cơ bản được giữ vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO