Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+) |
Theo Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện một số loại hình, mặt hàng đồ mã không phù hợp với thuần phong mỹ tục, tạo nên những luồng ý kiến tiêu cực trong xã hội.
Bởi vậy, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương nâng cao trách nhiệm tuyên truyền để hạn chế, dần loại bỏ những mặt hàng đồ mã phản cảm; tuyên truyền, vận động người dân các làng nghề sản xuất đồ mã không làm các mặt hàng không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Bên cạnh đó, để mùa lễ hội 2019 diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 323/BVHTTDL-VHCS gửi gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019.
Theo đó, đơn vị này đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; rà soát, thống kê, phân loại lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Năm 2018, hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) tiếp tục vỡ trận. (Ảnh: Vietnam+) |
Ngoài ra, việc không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội cũng được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.