Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra

KTĐT| 25/03/2021 15:21

Sáng 25/3, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Kiểm toán Nhà nước.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, việc thực hiện Kế hoạch kiểm toán trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Theo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, trong nhiệm kỳ qua, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: "Kiểm toán Nhà nước phải nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước, các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán. Tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán theo thông lệ quốc tế và công nghệ thông tin hiện đại dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tạo động lực đột phá nâng cao hiệu quả kiểm toán".

Nhiều kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện

Báo cáo tại Phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá trong Báo cáo của KTNN. Báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ kết quả đạt được trong hoạt động của KTNN.
Về thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: KTNN đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng và thực hiện Chương trình hành động để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; kiện toàn, sắp xếp tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương.
Đồng thời, đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nội bộ KTNN cũng như trong hoạt động kiểm toán, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán: KTNN đã chú trọng việc hoàn thiện thể chế; xây dựng và trình UBTVQH ban hành các Nghị quyết để quy định cụ thể các nội dung theo Luật KTNN; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; triển khai Kế hoạch thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; trình UBTVQH ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán đến năm 2030; sửa đổi, ban hành mới nhiều văn bản quản lý, hướng dẫn về chuyên môn (32 văn bản quy phạm pháp luật và 57 văn bản quản lý nội bộ).
Văn bản do KTNN ban hành hoặc tham mưu xây dựng để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ bản có nội dung phù hợp, đồng bộ, bắt nhịp với định hướng đổi mới của hoạt động kiểm toán và yêu cầu thực tiễn.
Về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán: Việc xây dựng, quyết định KHKT có nhiều tiến bộ, ngày càng công khai, minh bạch, bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH; Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán có nhiều đổi mới, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, … góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán; KHKT được KTNN triển khai khoa học, hợp lý, cơ bản hoàn thành các cuộc kiểm toán theo kế hoạch và bảo đảm thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH;…
Về hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ: KTNN đã xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để thể chế hóa các mục tiêu, quan điểm, định hướng theo tinh thần nghị quyết Trung ương đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của KTNN, thực hiện bố trí, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc, thực hiện tốt chế độ thu hút nhân tài, từng bước xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tích cực triển khai công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ các cấp, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Về hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế: Hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN tiếp tục được mở rộng, khẳng định vị thế của KTNN Việt Nam, trong cộng đồng kiểm toán tối cao khu vực và thế giới. Năm 2018, KTNN đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Hà Nội; trong nhiệm kỳ thực hiện tốt vai trò là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 và Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021. KTNN cũng đã mở rộng quan hệ với một số cơ quan kiểm toán tối cao chủ chốt trong cộng đồng INTOSAI và ASOSAI . Hợp tác song phương của KTNN ngày càng phát triển nhằm tìm hiểu, tiếp cận các phương pháp, loại hình kiểm toán mới như kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường,...
Bên cạnh kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban TCNS cũng đề nghị KTNN cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương, và Báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo yêu cầu của Luật NSNN. KTNN cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương pháp kiểm toán và tổ chức kiểm toán để cung cấp thông tin phục vụ HĐND xem xét, phê chuẩn quyết toán hàng năm.
Hai là, tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện (bình quân đạt 73,6%). KTNN cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN chưa cao; đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để. Trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo UBTVQH, Quốc hội để xử lý.
Ba là, việc công khai Báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế. KTNN cần đa dạng các hình thức công khai theo quy định của Luật KTNN, nhất là công khai kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của KTNN..
Bốn là, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động KTNN cần tiếp tục triển khai để sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, đặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy định để xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm tra đối chiếu, quy định việc truy cập dữ liệu điện tử tại đơn vị kiểm toán.
Năm là, việc phối hợp để xử lý chồng chéo trong kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đã có nhiều tiến bộ. Song KTNN cần tăng cường các giải pháp để xử lý triệt để chồng chéo giữa KTNN và thanh tra chuyên ngành, thanh tra các địa phương.
Sáu là, phân tích rõ hơn giải pháp, yếu tố tác động, mối liên hệ với việc chấn chỉnh kỷ luật tài chính, ngân sách của quốc gia để đạt được kết quả kiến nghị xử lý tài chính bằng 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước, tránh hiểu lầm kiến nghị kiểm toán tăng đồng nghĩa với kỷ luật tài chính, ngân sách đi xuống.
Đối với nội dung về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2016, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của KTNN và đề nghị KTNN tập trung thực hiện một số nội dung chính như: Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2030 có hiệu quả; Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn, công nghệ thông tin và đào tạo chuyên sâu một số lĩnh vực mới cho kiểm toán viên; Tiếp tục kế thừa, phát huy các kết quả đạt được trong đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu và kiểm toán để xác nhận báo cáo tài chính; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp kiểm toán, sắp xếp KHKT khoa học hơn để kịp thời phát hành báo cáo kiểm toán phục vụ HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đánh giá sâu hơn nguyên nhân việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa triệt để; Đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN; Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để công khai kết quả các cuộc kiểm toán nổi bật nhằm lan tỏa thông tin, nâng cao vị thế của KTNN, hiệu lực của kiến nghị kiểm toán;... nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trong nhiệm kỳ mới./.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO