Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ
Sự kiện Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2020 vừa được ngành Công Thương tổ chức tại huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây… là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại. Qua đó giúp người tiêu dùng tiếp cận, mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng. Tham gia sự kiện, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Ánh Nguyệt (quận Long Biên) Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết, doanh nghiệp đã và đang phát triển kênh bán lẻ hàng hóa ở khu vực ngoại thành. Sản phẩm may mặc của doanh nghiệp được ưa chuộng, nên doanh thu bán hàng tăng khá tốt.
Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2020 là một trong nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội được triển khai từ tháng 6-2020 đến nay. Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, sau Tháng khuyến mại tập trung diễn ra vào tháng 6 và 7-2020, Sở cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức hàng loạt Tuần hàng Việt; Hội chợ kết nối sản xuất - tiêu dùng; Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội… “Không chỉ giới thiệu đặc sản vùng miền tới người dân Thủ đô, đây còn là cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các địa phương kết nối, hợp tác với hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, BRGMart,… nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp bán lẻ cũng có điều kiện chủ động nguồn hàng chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng Hà Nội”, bà Trần Thị Phương Lan nói.
Hưởng ứng chương trình kích cầu tiêu dùng của thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đồng loạt triển khai hoạt động kết nối, bán hàng, khuyến mại… Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho hay, Hapro đã liên kết, đưa đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood, Intimex..., đồng thời triển khai hàng trăm chương trình khuyến mại dịp cuối tuần, nhằm thu hút người dân đến mua sắm.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cũng chia sẻ, hệ thống Big C đã liên tiếp triển khai các chương trình giảm giá, khuyến mại kích cầu mua sắm, với hàng nghìn sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng... Nhờ vậy, lượng hàng tiêu thụ gia tăng, người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt với giá hợp lý.
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, riêng chương trình khuyến mại tập trung do thành phố tổ chức đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực tham gia, với doanh thu bán hàng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. "Các chương trình kích cầu đã góp phần nâng tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn 9 tháng năm 2020 đạt khoảng 2.185 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt khoảng 1.753 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,2%, tăng 7,9%", Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin.
Tiếp tục các chương trình kích cầu
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, thực hiện chủ trương kích cầu thị trường nội địa, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, từ nay đến hết năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức hơn 30 sự kiện, hoạt động như: Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với hơn 50 tỉnh, thành phố vào cuối tháng 11; Tháng khuyến mại tập trung vào tháng 11; Tuần lễ cam sành và sản phẩm OCOP Hà Giang dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới đây…
Đáng chú ý, Sở Công Thương đã bố trí 28 điểm (gấp đôi số điểm mà thành phố yêu cầu) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền về tiêu thụ tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
“Sở tiếp tục chỉ đạo tập trung kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả…”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Dự kiến, năm 2021, chương trình khuyến mại tập trung của thành phố Hà Nội thu hút 1.000-2.000 doanh nghiệp tham gia. Thông qua các sự kiện “Vì quyền lợi người tiêu dùng”, “Tháng khuyến mại”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hình thức khuyến mại đa dạng, quy mô lớn, mức giảm giá sâu, cung cấp sản phẩm dịch vụ, hàng hóa tốt cho người tiêu dùng… Đáng chú ý, thành phố sẽ triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn, tập trung xây dựng sản phẩm thế mạnh như du lịch di sản, du lịch văn hóa - sinh thái - nông nghiệp, du lịch gắn với sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại…
Đây là những giải pháp thiết thực, một mặt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; mặt khác kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, góp phần thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.